Tình huống bất thường giữa Trung Quốc và Úc
Các chuyên gia nhận định khả năng Trung Quốc có ý định cắt đứt mọi quan hệ với Úc bằng cách giữ im lặng và phớt lờ rất khó xảy ra. Nhưng động thái giữ im lặng hiện tại lại là một phần trong nghệ thuật chiến tranh của Bắc Kinh.
Thủ tướng Úc Scott Morrison (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Politicom
Kể từ khi Trung Quốc áp thuế với lúa mạch và cấm nhập khẩu thịt bò từ 4 nhà cung cấp lớn của Úc, Bộ trưởng Thương mại Úc, Simon Birmingham, đã cố gắng liên lạc với người đồng cấp Trung Quốc, Zhong Shan nhưng bất thành.
Điều này tạo ra một tình huống bất thường giữa 2 quốc gia vốn có quan hệ thương mại mạnh mẽ với nhau. Nó cũng khiến Úc - nước có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc - có cơ sở để tin rằng việc áp thuế và các lệnh cấm là "sự trừng phạt" đối với Canberra vì đã kêu gọi một cuộc điều tra độc lập nguồn gốc dịch Covid-19, bùng phát đầu tiên tại Trung Quốc.
Sau các động thái áp thuế lúa mạch và cấm nhập thịt bò, Bắc Kinh còn đưa thêm 2 lệnh trừng phạt thương mại nhằm vào Canberra. Cuối tuần trước, Bộ Văn hóa và Du lịch cảnh báo người dân Trung Quốc không nên tới Úc du lịch vì số vụ tấn công phân biệt chủng tộc, kỳ thị "người Trung Quốc và châu Á" gia tăng kể từ sau đại dịch Covid-19. Hôm 9/6, Bộ Giáo dục Trung Quốc cũng cảnh báo tương tự với các sinh viên muốn tiếp tục việc du học tại Úc.
Trong cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh hôm 8/6, ông Birmingham một lần nữa bày tỏ thất vọng khi không thể trao đổi với ông Zhong dù đã nhiều lần gọi điện. Không có gì khó hiểu khi cuộc gọi điện của ông Birmingham không được Trung Quốc đáp ứng lúc này, theo SCMP.
"Các yêu cầu của chúng tôi về một cuộc thảo luận đến nay đều không nhận được phản hồi. Điều đó thật đáng thất vọng", ông Birmingham nói.
"Như tôi đã nhấn mạnh công khai, hết lần này tới lần khác, Úc sẵn sàng thảo luận để giải quyết bất đồng với các quốc gia khác theo cách tôn trọng, cẩn thận và điềm tĩnh. Nhưng việc các nước khác không có phản hồi thật không hay chút nào", Bộ trưởng Thương mại Úc nói thêm.
Thực tế, các chuyên gia nhận định khả năng Trung Quốc có ý định cắt đứt mọi quan hệ với Úc bằng cách giữ im lặng và phớt lờ rất khó xảy ra. Nhưng động thái giữ im lặng hiện tại lại là một phần trong nghệ thuật chiến tranh của Bắc Kinh.
Cách tiếp cận hòa nhã của chính phủ Trung Quốc với các mối quan hệ ngoại giao dưới thời ông Đặng Tiểu Bình giờ chỉ còn là lịch sử, theo Zhiqun Zhu, giáo sư Khoa học chính trị và Quan hệ quốc tế tại Đại học Bucknell (Mỹ).
Sự thay đổi trong thái độ của chính phủ Trung Quốc bắt đầu năm 2010 khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vượt Nhật Bản và sau khi Bắc Kinh tổ chức thành công Thế vận hội Mùa hè 2008. Sự thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc đã dẫn đến cuộc tranh luận nội bộ kéo dài một thập kỷ về việc liệu Bắc Kinh có nên tiếp tục hòa nhã hay không. Tuy nhiên, hiện tại, câu trả lời phần nào được hé lộ bởi hành động của các quan chức và học giả Trung Quốc, theo giáo sư Zhu.
"Việc khiến Úc mất mặt là một phần của chính sách ngoại giao cứng rắn này. Đó là biểu hiện cho sự thay đổi thái độ của Bắc Kinh với Canberra. Thuế quan không phải là vấn đề duy nhất giữa 2 nước. Rõ ràng, Trung Quốc không hài lòng với các động thái gần đây của Úc khi Canberra trở thành một phần chiến dịch chống Trung Quốc của ông Trump", giáo sư Zhu nói thêm.
Trung Quốc có một danh sách dài các khiếu nại về chính sách của Úc, bao gồm việc hải quân Úc tham gia tập trận quân sự với Mỹ tại Biển Đông; Canberra cấm Huawei triển khai mạng 5G; phản đối luật an ninh mới của Bắc Kinh ở Hong Kong; và ủng hộ chính trị cho lời kêu gọi của Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio về việc thành lập liên minh chống Trung Quốc.
"Theo quan điểm của Trung Quốc, chính phủ Úc hiện tại đã quá nhiệt tình ủng hộ cách đối phó của chính quyền Tổng thống Trump với Trung Quốc. Vì vậy, Bắc Kinh không thể giao thương bình thường với Canberra như trước", giáo sư Zhu lý giải.
"Nhiều điều không hay đang xảy ra ở Trung Quốc cùng lúc nên quan điểm của Bắc Kinh là phải giải quyết triệt để tình trạng này. Và việc Trung Quốc khiến Úc bẽ mặt là một thông điệp đủ mạnh và rõ ràng cho Canberra: 'Đừng tỏ ra quá thân với chính quyền của ông Trump nếu không muốn quan hệ Trung - Úc rơi vào bế tắc. Trung Quốc và Úc đều có lợi ích riêng trong mối quan hệ năng động của mình và mỗi bên nên quản lý mối quan hệ để không bị ảnh hưởng hay tác động bởi bên ngoài", ông Zhu nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Luật đầu tư nước ngoài tại Úc sẽ được sửa lại hoàn toàn sau một loạt vụ mua lại gây tranh cãi gần đây liên quan...