Tình hình ở Niger ra sao sau hơn 1 tháng đảo chính?

Hơn một tháng sau cuộc binh biến ở Niger, cuộc khủng hoảng chính trị chưa chấm dứt, để lại hậu quả rõ rệt.

Một khu chợ ở thủ đô Niamey, Niger. Ảnh: BMZ

Một khu chợ ở thủ đô Niamey, Niger. Ảnh: BMZ

Ousmane Hassan, doanh nhân người Niger, đang lo lắng không biết khi nào số tiền tiết kiệm sẽ hết. Ông bố 2 con cho biết, công việc kinh doanh của ông, liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa tới nước láng giềng Benin, không còn suôn sẻ vì các lệnh trừng phạt áp đặt lên Niger sau cuộc đảo chính quân sự ngày 26/7. 

Giống như những người dân ở quốc gia Tây Phi nghèo khó này, trong những tuần gần đây, Hassan chứng kiến giá thực phẩm tăng cao và nguồn cung cấp điện của Niger giảm mạnh. 

"Tôi muốn bất cứ điều gì có thể đưa mọi thứ trở lại bình thường", Washington Post dẫn lời Hassan cho hay. Vị doanh nhân Niger nói thêm rằng tiền tiết kiệm của ông trong ngân hàng không còn nhiều và ông rất lo về việc nuôi 2 con nhỏ. 

Hơn một tháng kể từ cuộc binh biến ở Niamey, cuộc khủng hoảng chính trị chưa kết thúc và để lại hậu quả rõ ràng. 

Tình trạng thiếu điện xảy ra sau khi nước láng giềng Nigeria quyết định cắt nguồn cung cấp điện cho Niger, nhằm gây áp lực tới chính quyền quân sự. Quyết định này chưa khuất phục được phe đảo chính nhưng các doanh nghiệp nhỏ Niger phải chịu hậu quả. Thực phẩm bị hư hỏng nhiều do mất điện, đẩy giá lương thực tăng cao. 

Việc Niger đóng cửa biên giới làm tê liệt các doanh nghiệp như của ông Hassan và gây khó khăn cho việc cung cấp viện trợ nhân đạo, bao gồm cả thực phẩm dinh dưỡng cho trẻ em. 

Các lãnh đạo dân sự, nhà hoạt động và những người khác ở Niamey cho biết trong các cuộc phỏng vấn rằng, càng để lâu, tình hình nhân đạo sẽ ngày càng tệ hơn. 

Theo Ủy ban Cứu hộ Quốc tế (IRC), trước khi xảy ra khủng hoảng chính trị, khoảng 13% dân số Niger, tương đương 3,3 triệu người, bị xem là không có đủ lương thực để sống. Sau cuộc đảo chính, Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS) đã áp lệnh trừng phạt nhằm vào Niger, khiến giá gạo tăng 17% trong tuần sau đó.

Vào một buổi chiều gần đây tại cửa hàng nhỏ, nơi Abbas Daouda từng kiếm sống rất tốt, anh phải vội vàng xay ngô và hạt kê trước khi mất điện. Ngày làm việc của Daouda bị rút ngắn kể từ khi Niger thiếu điện.

Daouda, người không đủ khả năng mua máy phát điện, chứng kiến lợi nhuận từ cửa hàng giảm xuống một nửa, từ mức tương đương 16 USD (gần 400.000 đồng)/ngày xuống còn 8 USD (gần 200.000 đồng)/ngày. Daouda cho biết vẫn đủ lương thực nuôi gia đình nhưng thi thoảng anh vẫn phải bỏ bữa. 

"Tôi hy vọng các lãnh đạo sẽ đạt được một thỏa thuận", Daouda nói.

 Người biểu tình ủng hộ chính quyền quân sự Niger. Ảnh: Reuters

 Người biểu tình ủng hộ chính quyền quân sự Niger. Ảnh: Reuters

Barmou Sahabi, một nông dân 54 tuổi ở ngoại ô Niamey, cho biết, giá một bao gạo tăng từ 23 USD (khoảng 550.000 đồng) lên 28 USD (670.000 đồng) trong những tuần gần đây. 

Ông Sahabi nói rằng tình trạng thiếu điện xảy ra khiến việc sạc điện thoại di động gặp khó khăn và quạt điện không còn được dùng để đuổi muỗi vào mùa mưa. 

Giờ đây, Niger còn phải đối mặt với nguy cơ bị các nước láng giềng can thiệp quân sự nhằm khôi phục trật tự hiến pháp ở nước này. ECOWAS đã tuyên bố cuộc đảo chính ở Niger là lằn ranh đỏ sau các cuộc đảo chính ở Mali, Burkina Faso và Guinea. 

Tuần trước, khối Tây Phi này vẫn sẵn sàng đối thoại với chính quyền quân sự nhưng cũng đã ấn định "ngày can thiệp" nếu các biện pháp thương lượng thất bại. 

Các cuộc đàm phán giữa ECOWAS và chính quyền quân sự do tướng Abdourahmane Tchiani lãnh đạo phần lớn bị đình trệ. 

Ông Sahabi, một nông dân Niger, cho biết, mối đe dọa can thiệp quân sự khiến tương lai của ông trở nên bất ổn. "Chúng tôi đều lo sợ", ông Sahabi nói. 

Nguồn: [Link nguồn]

Niger đặt quân đội trong tình trạng báo động cao nhất

Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Niger do phe đảo chính bổ nhiệm, tướng Moussa Salau Barmou hôm 26/8 đã đưa ra mệnh lệnh quan trọng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tâm Hoa - Washington Post ([Tên nguồn])
Đảo chính ở Niger Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN