Tình hình NATO khi xung đột Ukraine sắp bước sang năm thứ 3
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc, NATO phần lớn vẫn duy trì sự đoàn kết để đối phó Moscow, nhưng vẫn có những vết gợn chia rẽ mới.
Ông Zelensky (phải) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại một sự kiện vào tháng 9/2023. Ảnh: Reuters
Khi xung đột Ukraine sắp bước sang năm thứ 3, NATO đã phát triển với sự gia nhập của Phần Lan và rất có thể là Thụy Điển trong thời gian tới. Các nước thành viên của khối quân sự do Mỹ dẫn đầu đều thống nhất rằng, thắng lợi của Nga trong xung đột ở Ukraine có thể thay đổi trật tự địa chính trị quốc tế, gây tổn hại cho lợi ích của phương Tây.
Tuy nhiên, sự chia rẽ vẫn tồn tại trong NATO.
Khi các nước vùng Baltic kêu gọi sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn ở châu Âu cho Ukraine thì một số nước thành viên NATO như Hungary hay Slovakia lại tỏ ra hoài nghi về Kiev.
Kết quả của cuộc các cuộc bầu cử vào năm ngoái ở Hà Lan và Slovakia đã đặt ra câu hỏi về sự đoàn kết của NATO trong việc bảo vệ Ukraine.
Vào tháng 11/2023, đảng Tự do của ông Geert Wilders giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Hà Lan sau khi vận động ủng hộ việc cắt giảm hỗ trợ quân sự của Amsterdam cho Kiev.
Trước đó 2 tháng, đảng Dân chủ Xã hội Slovak của ông Robert Fico, người được cho là có tư tưởng "thân Nga", cũng giành được số phiếu bầu cao nhất.
Dẫu vậy, một số chuyên gia cho rằng, các kết quả bầu cử đó khó có thể làm suy yếu mục đích chung của NATO.
"Các cuộc bầu cử đó tạo cảm giác lo ngại vì những nhà lãnh đạo đó không chấp nhận một số chuẩn mực nhất định ở châu Âu", John Feffer, giám đốc tổ chức tư vấn Foreign Policy in Focus (Mỹ), nói. "Nhưng các cuộc bầu cử đó khó có thể gây chia rẽ trong khối. Như trường hợp của ông Wilders ở Hà Lan. Ông ấy không có đủ sự ủng hộ của đa số cử tri để có thể hoàn toàn phớt lờ chính sách trước đây của Hà Lan".
Matthew Bryza, phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu và Á Âu (2005-2009), cũng đồng quan điểm với ông Feffer, cho rằng các kết quả bầu cử ở Hà Lan và Slovakia không ảnh hưởng nhiều đến đường hướng của phương Tây trong vấn đề Ukraine.
Tại EU, Hungary gần đây đơn độc ngăn chặn khoản viện trợ kinh tế và quân sự bổ sung trị giá 50 tỷ euro của Brussels cho Ukraine, nhưng sau đó Thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng phải nhượng bộ.
"Thể chế của EU và NATO mạnh hơn một hoặc thậm chí một vài nhà lãnh đạo có quan điểm như Thủ tướng Hungary", ông Bryza nói.
Cũng theo vị phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu và Á Âu (2005-2009), dù chính phủ mới của Slovakia có xu hướng thân thiện với Nga, nhưng kể từ khi lên nắm quyền, chính phủ mới này cũng không có hành động nào làm ảnh hưởng đến cách xử lý của phương Tây, trong đó có NATO, trong các vấn đề liên quan đến Nga.
Sự mệt mỏi của phương Tây
Theo Al Jazeera, sự lạc quan của các chuyên gia về khả năng đoàn kết trong NATO không thể khỏa lấp thực tế, xung đột Nga - Ukraine vẫn tiếp tục và sự mệt mỏi đang lan rộng ở các nước phương Tây.
"Liều thuốc tốt nhất cho sự mệt mỏi đó là Ukraine thắng trên chiến trường. Điều đó đòi hỏi sự hỗ trợ nhiều hơn từ phương Tây về viện trợ quân sự", Christoph Schwarz, nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách An ninh và châu Âu (Áo), bình luận.
"Khi chiến thắng và kết quả dành cho Ukraine trên chiến trường càng lâu đạt được thì các phe phái không ủng hộ viện trợ quân sự cho Kiev ở các nước phương Tây càng có nhiều khả năng gia tăng ảnh hưởng và thậm chí giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử sắp tới. Điều đó làm trầm trọng thêm việc thiếu hỗ trợ quân sự cho Ukraine", ông Schwarz nói thêm.
Sự chia rẽ về vấn đề Ukraine vẫn tồn tại ở NATO. Ảnh minh họa: FT
Sự bất ổn ở Mỹ
Thật khó để diễn tả mức độ mà cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 sẽ tác động đến tương lai của Ukraine.
"Khi nói đến sự đoàn kết của NATO trong việc hỗ trợ Ukraine, ít nhất chúng ta có thể thấy nguy cơ từ cuộc đua đến chiếc ghế tổng thống Mỹ năm nay", Matthew Bryza, phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu và Á Âu (2005-2009), nói.
Silja Bara R Omarsdottir, giáo sư về các vấn đề quốc tế tại Đại học Iceland, tin rằng "sự đoàn kết của NATO đang bị đe dọa".
"Những tuyên bố gần đây của ông Trump về việc không muốn bảo vệ các nước thành viên NATO - không đáp ứng yêu cầu về tài trợ - là rất hung hăng", giáo sư Omarsdottir nói.
Theo Al Jazeera, có sự khác biệt rất lớn giữa cách ông Biden và ông Trump nhìn nhận về Ukraine và NATO.
Ông Biden đặt niềm tin lớn vào NATO trong khi ông Trump nhìn nhận khối quân sự này dưới góc độ giao dịch.
"Ông Trump không công khai ủng hộ Nga mà đúng hơn là đưa ra quan điểm rằng Mỹ không can dự vào xung đột ở Ukraine. Điều này gây ra một số tiếng vang trong cử tri Mỹ trước thềm bầu cử", John Feffer, giám đốc tổ chức tư vấn Foreign Policy in Focus (Mỹ), cho hay. "Tương lai của NATO đang bị đe dọa khi ông Trump tỏ ra không mấy xem trọng khối này"
Wolfgang Pusztai, cố vấn cấp cao của Viện Chính sách An ninh và châu Âu (Áo), cho rằng, nếu Washington ngừng hỗ trợ Kiev về tài chính và quân sự, các đồng minh của Ukraine ở châu Âu sẽ không thể tạo ra sự khác biệt vì "họ không đủ năng lực quân sự, tình báo và vũ khí cần thiết".
"Hậu quả là Ukraine phải tìm kiếm một lệnh ngừng bắn hoặc tiếp tục chiến đấu với Nga rồi thất bại. Điều này sẽ gây ra những hậu quả địa chiến lược tiêu cực với Mỹ và các đồng minh", ông Pusztai lưu ý.
Nguồn: [Link nguồn]
Một số quốc gia NATO công bố kế hoạch viện trợ Ukraine trong năm 2024, trong bối cảnh nước này sắp cạn kiệt khí tài, vũ khí.