Haiti ra sao khi băng đảng áp đảo lực lượng an ninh, đất nước không có người lãnh đạo?
Ở một thành phố bị các băng đảng chia nhau kiểm soát như Haiti, ai cũng chú ý đến tiếng trực thăng trong màn đêm tĩnh lặng. Đó là dấu hiệu cho thấy có những người may mắn bằng cách nào đó đã rời đi thành công.
Lực lượng an ninh Haiti làm nhiệm vụ ở thủ đô Port-au-Prince ngày 14/3/2024.
Phóng viên CNN hôm 15/3 may mắn có cơ hội đi theo một trực thăng của Mỹ đáp xuống thủ đô Port-au-Prince của Haiti – quốc gia đang chìm trong bạo lực băng đảng. Chuyến bay sơ tán này đòi hỏi các kế hoạch an ninh chi tiết và sự phê duyệt kỹ lưỡng.
CNN nhận thấy kể từ lần tới Haiti vào tháng trước, tình hình trở nên tồi tệ nhanh chóng. Thủ tướng Haiti Ariel Henry vài ngày trước đã tuyên bố từ chức. Nhưng đến chưa rõ khi nào và ai sẽ là người đảm nhận vị trí lãnh đạo bị bỏ trống.
Quá trình thành lập chính phủ chuyển tiếp chưa bắt đầu và khả năng Kenya – quốc gia ở châu Phi đưa lực lượng an ninh tới Haiti vẫn chưa rõ ràng.
Theo quan sát của phóng viên CNN, người dân Haiti ở thủ đô Port-au-Prince hiếm khi ra khỏi nhà trong những ngày này. Giao tranh giữa lực lượng cảnh sát và các băng đảng vẫn diễn ra hàng ngày. Những làn khói đen bốc lên hay tiếng súng vang lên ở các con phố là điều có thể dễ dàng nhận thấy.
Người dân Haiti ở Port-au-Prince thực tế cũng không biết phải đi đâu. Những con đường kết nối thủ đô Haiti với các khu vực khác đã bị các băng đảng phong tỏa. Bến cảng và sân bay vẫn đang ngừng hoạt động.
Tình trạng kéo dài khiến nhiều cửa hàng ở Port-au-Prince cạn kiệt thực phẩm. Trạm xăng thì không còn nhiên liệu để bán. Các bệnh viện rơi vào tình trạng thiếu lượng máu dự trữ.
Thủ đô Port-au-Prince của Haiti nhìn từ trực thăng. Ảnh chụp ngày 15/3/2024.
Tối ngày 15/3, có tiếng súng vang lên trên các ngọn đồi của thành phố. Ở phía dưới, cảnh sát tổ chức một cuộc đột kích nhằm vào lãnh thổ do Jimmy Cherizier, thủ lĩnh băng đảng khét tiếng nhất Haiti, kiểm soát.
Liên Hợp Quốc đang nỗ lực tạo cầu hàng không giữa Port-au-Prince và thành phố Santo Domingo ở nước Cộng hòa Dominica láng giềng để tiếp tế nhu yếu phẩm. Hiện tại, thứ duy nhất tới Port-au-Prince là trực thăng tư nhân.
Ước tính có hàng trăm người thông qua nhiều kênh khác nhau, đăng ký sơ tán khỏi Port-au-Prince bằng trực thăng. Đây là nhóm người nước ngoài giàu có sống ở Haiti và các nhà ngoại giao có thể sẵn sàng chi 10.000 USD/người để có một chỗ ngồi trên trực thăng.
Cư dân sống ở Port-au-Prince nói họ thường nghe thấy tiếng trực thăng vào ban đêm và lúc rạng sáng. Ngoài các chuyến bay tư nhân, một số quốc gia bao gồm Mỹ huy động trực thăng quân sự để tiếp tế cho các Đại sứ quán.
Ở thời điểm hiện tại, các băng đảng gây hỗn loạn ở Haiti chưa có dấu hiệu cản trở các cuộc sơ tán bằng trực thăng. Nhưng một phi công điều khiển trực thăng nói với CNN rằng họ đang ngày càng cảnh giác và không biết hoạt động này có thể kéo dài trong bao lâu.
Hai phi công giấu tên nói với CNN rằng họ nghe thấy tiếng súng bắn về phía trực thăng khi thực hiện chuyến bay sơ tán. “Khi nghe thấy tiếng ‘ping, ping’ do đạn va vào trực thăng, không ai muốn tiếp tục nhiệm vụ này nữa”, một phi công nói.
“Theo như tôi được biết, toàn bộ thành phố Port-au-Prince do các băng đảng kiểm soát”, một phi công khác nói, cho phóng viên CNN xem bản đồ những nơi có số đông dân cư tập trung sinh sống.
Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, 80% địa bàn ở Port-au-Prince do các băng đảng chia nhau kiểm soát. Haiti bắt đầu chìm trong bạo loạn vào đầu tháng 3, khi các băng đảng lên tiếng đòi Thủ tướng Henry từ chức, giải tán chính phủ.
Thành phố đang rơi vào cảnh thiếu lương thực và nhiên liệu do các băng đảng phong tỏa các lối ra vào.
Đây là lần đầu tiên các băng đảng ở Haiti áp đảo lực lượng an ninh trong nước, phân chia địa bàn hoạt động. Lực lượng an ninh Haiti chiến đấu kiên cường, nhưng có nguồn lực hạn chế. Họ không dàn trải lực lượng ở khắp nơi và đôi khi cũng bị các băng đảng tấn công trước.
Thủ tướng Henry nắm toàn bộ quyền lực vào năm 2021 sau khi Tổng thống Haiti khi đó là Jovenel Moise bị ám sát. Kể từ đó, bạo lực băng đảng ngày càng rộng. Tình hình lên đến đỉnh điểm vào tháng trước, khi ông Henry tuyên bố Haiti không thể tổ chức bầu cử.
Đầu tuần này, trước áp lực phải làm gì đó để ngăn chặn bạo lực ở Port-au-Prince, ông Henry đã tuyên bố từ chức. Ông nói rằng ông sẽ bàn giao quyền lực cho một hội đồng chuyển tiếp. Nhưng đến cuối tuần này, hội đồng vẫn chưa được thành lập.
Hi vọng hiện nay đối với Haiti là quân đội nước ngoài được triển khai. Nhiệm vụ này được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phê chuẩn và sẽ do Kenya lãnh đạo.
Khôi phục hòa bình trên đường phố sẽ là bước đầu tiên để Haiti tổ chức bầu cử và cuối cùng bầu ra chính phủ mới. Trước khi từ chức, ông Henry đã đến Kenya để ký thỏa thuận cho phép 1.000 thành viên lực lượng an ninh Kenya được triển khai ở Haiti.
Nhưng khi khủng hoảng trở nên tồi tệ hơn, Kenya tỏ ra chần chừ. Sau thông báo từ chức của ông Henry, Kenya cho biết kế hoạch triển khai lực lượng đã bị hoãn lại. Chưa có quốc gia nào sau đó bày tỏ ý định dẫn đầu lực lượng an ninh tới Haiti.
Nguồn: [Link nguồn]
Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Florida, Cory Mills gần đây đã tự lên kế hoạch và tham gia giải cứu 10 công dân Mỹ bị mắc kẹt ở Haiti - quốc gia vùng Caribe đang chìm trong khủng hoảng nghiêm trọng.