Tình cảnh trớ trêu của binh sĩ Ukraine khi nhận được hàng loạt vũ khí hiện đại
Kể từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine, các quốc gia thành viên NATO đã cam kết chuyển cho Ukraine nhiều vũ khí hiện đại, ví dụ như pháo phản lực phóng loạt của Mỹ và Anh.
Một đơn vị binh sĩ Ukraine đóng quân gần Kherson.
Tuy nhiên, huấn luyện các binh sĩ Ukraine sử dụng hiệu quả khí tài quân sự phương Tây là một thách thức lớn, theo báo Mỹ New York Times.
Đây là điều mà trung sĩ Dmytro Pysanka cùng các đồng đội gặp phải khi vận hành một khẩu pháo chống tăng đời cũ ở miền nam Ukraine.
Hơn một tháng trước, lực lượng của Pysanka nhận được một thiết bị hiện đại do phương Tây cung cấp. Đó là thiết bị đo khoảng cách tới mục tiêu bằng laser. Tuy nhiên, vấn đề là không ai biết cách sử dụng.
“Giống như được tặng một iPhone 13 và chúng tôi chỉ biết cách dùng để nghe gọi”, trung sĩ Pysanka nói.
Thiết bị mang tên JIM LR này có hình dạng như một ống nhòm với các cảm biến tối tân. Chúng có vẻ như là lựa chọn hoàn hảo bổ sung cho những khẩu pháo chống tăng được chế tạo từ năm 1985. Chúng có thể giúp pháo thủ nhìn thấy mục tiêu vào ban đêm và đưa ra thông số về khoảng cách, phương hướng cũng như tọa độ GPS của mục tiêu.
Một số binh sĩ Ukraine tự tìm hiểu cách sử dụng, nhưng sau đó lại được điều chuyển đến nơi khác, khiến các đồng đội ở lại loay hoay không biết dùng thế nào, New York Times cho biết.
Các binh sĩ Ukraine tham gia một cuộc họp ở căn cứ.
“Tôi đang nghiên cứu cách sử dụng bằng cách đọc hướng dẫn bằng tiếng Anh, sử dụng các cách khác nhau để hiểu được nghĩa”, trung sĩ Pysanka nói.
Gần đây, Mỹ thông báo sẽ chuyển giao cho Ukranie các hệ thống pháo phản lực phóng loạt M142 HIMARS và Anh cam kết cung cấp pháo phản lực M270.
Hôm 6.6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng mình hài lòng khi Anh thông báo sẽ cung cấp các hệ thống M270, tầm bắn 80km, vượt xa các vũ khí mà Ukraine đang sử dụng.
Nhưng ngoài vũ khí hiện đại, vấn đề là các binh sĩ Ukraine cần học cách sử dụng hiệu quả vũ khí hệ phương Tây. Nếu không được huấn luyện đầy đủ, các trường hợp như đơn vị của trung sĩ Pysanka xảy ra khá phổ biến.
Một số nhà phân tích cảnh báo, Mỹ có thể lặp lại sai lầm ở Afghanistan, khi cung cấp cho quân đội Afghanistan các vũ khí mà không thể duy trì vận hành nếu không có sự hỗ trợ hậu cần lớn.
“Người Ukraine rất háo hức sử dụng thiết bị phương Tây, nhưng họ cần được huấn luyện để bảo trì chúng”, Michael Kofman, giáo sư am hiểu về Nga tại trung tâm nghiên cứu C.N.A ở Arlington, Mỹ, nói. “Có những thứ không thể vội vàng được”.
Mỹ và các nước thành viên NATO từng cung cấp các khóa huấn luyện cho binh sĩ Ukraine, nhưng chưa từng hướng dẫn cách sử dụng các vũ khí hiện đại như pháo phản lực M142 HIMARS.
Một giải pháp khác là Mỹ có thể gửi các cố vấn quân sự tới Ukraine để trực tiếp theo sát và hướng dẫn các đơn vị quân đội Ukraine.
Tuy nhiên, do muốn tránh xung đột trực tiếp với Nga, chịnh quyền Tổng thống Joe Biden chưa muốn làm điều này, chủ yếu chỉ hướng dẫn các binh sĩ Ukraine ở quốc gia thứ ba như Ba Lan.
Một trung sĩ Ukraine tên Andriy Mykyta may mắn được cố vấn NATO hướng dẫn cách sử dụng vũ khí chống tăng NLAW. Hiện tại, Mykyta phải di chuyển khắp tiền tuyến để hướng dẫn lại cho các đồng đội về cách sử dụng.
Các binh sĩ Ukraine sử dụng lựu pháo M777 do Mỹ cung cấp.
NLAW và tên lửa chống tăng Javelin của Mỹ có cơ chế bảo vệ người bắn, trong đó nếu khai hỏa quá gần mục tiêu thì có nguy cơ khiến người sử dụng bị thương do sức công phá lớn hoặc bị các mảnh vỡ va phải. Trong trường hợp này, đầu đạn tên lửa chưa được kích hoạt, do đó không thể phá hủy được mục tiêu. Nhưng không phải lúc nào các binh sĩ Ukraine cũng lưu ý đến khoảng cách tối thiểu, nhất là trong điều kiện chiến đấu ác liệt.
Mykyta nói một số binh sĩ Ukraine có thể tự học cách sử dụng tên lửa chống tăng vác vai. “Nhưng các vũ khí phức tạp hơn như hệ thống tên lửa phòng không, lựu pháo, pháo phản lực thì không thể tự học được”, Mykyta nói. “Chúng tôi cần có cách khóa huấn luyện chính thức”.
Đơn vị của trung sĩ Pysanka hiện đóng quân ở ngoại ô thành phố Kherson do quân đội Nga kiểm soát. Đợt phản công của Ukraine ở khu vực này đã chậm lại đáng kể khi các lực lượng Nga phá hủy một cây cầu chiến lược.
Các binh sĩ Ukraine thiếu pháo tầm xa để có thể gây thiệt hại cho các lực lượng Nga nhằm tạo thời cơ vượt sông.
Đối với khẩu đội pháo của trung sĩ Pysanka, những gì họ có là 104 trang hướng dẫn sử dụng thiết bị đo khoảng cách mục tiêu của phương Tây. Các đồng đội của Pysanka cần thời gian để học cách sử dụng, tìm hiểu xem các tổ hợp phím có chức năng gì, đồng thời tìm giải pháp cho việc thiếu giá ba chân gắn thiết bị và màn hình video.
“Thiết bị này cần được gắn cố định trên giá ba chân, vì nếu cầm bằng tay khi nhắm tới mục tiêu ở khoảng cách xa, thông số cho ra sẽ không hoàn toàn chính xác”, Pysanka nói về kinh nghiệm rút ra sau một thời gian sử dụng.
Đối với các lựu pháo M777 nặng 4,5 tấn do Mỹ viện trợ, vấn đề còn phức tạp hơn nhiều.
Lựu pháo M777 sử dụng hệ thống đo lường của Mỹ, nghĩa là các binh sĩ Ukraine luôn phải ghi nhớ cách quy đổi sang hệ mét khi sử dụng các thiết bị bảo trì, nếu sai sót có thể dẫn tới nguy cơ làm hỏng thiết bị.
Thiếu tá Vadim Baranik, phó chỉ huy một đơn vị bảo trì của quân đội Ukraine, nói rằng Mỹ sau đó mới chuyển cho đơn vị các hộp công cụ chuyên dụng.
Nhưng các dụng cụ này rất dễ bị thất lạc hay phá hủy, dễ khiến lựu pháo M777 trở nên vô dụng.
Nguồn: [Link nguồn]
Mỹ và phương Tây ngày càng chia rẽ về việc có nên tiếp tục cung cấp cho Ukraine các vũ khí mạnh mẽ hơn để đối phó Nga hay không, trong bối cảnh xung đột đã kéo dài 100 ngày...