Tình báo Na Uy: Tàu chiến Nga lần đầu ra khơi với vũ khí hạt nhân sau 30 năm
Sau ba thập kỷ, tàu hải quân Nga đã lần đầu tiên ra khơi và mang theo vũ khí hạt nhân chiến thuật.
2 tàu ngầm thuộc lực lượng hải quân Nga (ảnh: RT)
Báo cáo của Cơ quan Tình báo Na Uy (NIS) đã xác nhận động thái trên của Nga, APA (trang tin Azerbaijan) đưa tin hôm 14/2.
Theo NIS, trước khi Liên Xô tan rã, các tàu chiến thuộc Hạm đội phương Bắc với hải quân Nga là nòng cốt thường xuyên hoạt động trên biển cùng vũ khí hạt nhân. Nhưng sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Nga không có động thái này.
Kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra, tầm quan trọng của vũ khí hạt nhân đối với Nga đã tăng lên đáng kể, NIS cho hay.
“Các tàu ngầm và tàu nổi của Hạm đội phương Bắc đóng vai trò trung tâm trong tiềm lực hạt nhân của Nga”, báo cáo của NIS nêu.
Tình báo Na Uy nhận định, vũ khí hạt nhân trên các tàu chiến của Nga có khả năng răn đe mạnh mẽ đối với NATO.
Có trụ sở đặt tại huyện Severomorsk, vùng Murmansk (tây bắc Nga), Hạm đội phương Bắc được cho là mối uy hiếp đối với Na Uy (nước thành viên NATO) và Thụy Điển – nước đang làm thủ tục gia nhập NATO.
Hạm đội tàu chiến và tàu ngầm hạt nhân của Nga đủ mạnh để khiến Mỹ và NATO phải lo ngại, Sputnik cho hay. Hơn 500 đầu đạn hạt nhân (chiếm khoảng 1/3 tổng số đầu đạn hạt nhân của Nga) được lắp đặt trên tàu chiến và tàu ngầm.
Ngoài các đầu đạn hạt nhân thông thường, Nga còn phát triển siêu ngư lôi Status-6, có biệt danh Poisedon. Vũ khí hạt nhân này được gắn trên tàu ngầm không người lái (UUV) và có thể gây ra sóng thần. Về cơ bản, Status-6 là một quả bom nhiệt hạch nổ dưới biển.
Hôm 14/2, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, NATO ngày càng thể hiện sự thù địch với Nga và can thiệp sâu vào xung đột ở Ukraine.
“NATO là tổ chức thù địch với Nga và họ chứng minh điều đó mỗi ngày. Họ đang làm mọi thứ để can thiệp sâu vào cuộc xung đột ở Ukraine”, ông Peskov nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Các lực lượng vũ trang của Ukraine đã mất khả năng phòng thủ độc lập, rơi vào tình trạng phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ và NATO, chuyên gia quân sự Trung Quốc đánh giá.