Giật mình dự báo về đại dịch toàn cầu của tình báo Mỹ từ 12 năm trước
Sự xuất hiện của một chủng virus mới, có khả năng lây nhiễm cao và không có phương thức chữa trị sẽ gây ra một đại dịch toàn cầu - đó là cảnh báo của Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ vào năm 2008. Cảnh báo này chính xác, nhưng vì sao không được các nước phương Tây quan tâm, chuẩn bị đối phó?
Theo RT, báo cáo hoạt động năm 2008 của Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ (NIC) cảnh báo rằng, một loại bệnh đường hô hấp rất dễ lây lan và không có phương thức ngăn chặn kịp thời sẽ dẫn đến một đại dịch toàn cầu.
Báo cáo tình báo cho biết, dịch bệnh mới sẽ bắt đầu bùng phát ở một số khu vực có mật độ dân số cao, nơi con người và động vật có tiếp xúc gần trong cùng một khu vực.
Khi virus bắt đầu lây lan, một phản ứng chậm sẽ cản trở việc nhận thức về sự nguy hiểm của vấn đề. Hàng tuần lễ có thể trôi qua trước khi kết quả trong phòng thí nghiệm xác nhận sự tồn tại của nó. Sau đó, những ổ dịch sẽ bắt đầu bùng phát trong các cụm dân cư.
Một binh sĩ đeo mặt nạ phòng độc đang phun thuốc khử trùng vào ban đêm (ảnh: Reuters)
Những khách du lịch nhiễm virus không biểu hiện triệu chứng có thể mang mầm bệnh đến những khu vực khác nhau trên khắp thế giới. Kịch bản tồi tệ nhất là hàng chục đến hàng trăm triệu người Mỹ có thể nhiễm bệnh, nội dung của báo cáo tình báo nói trên đề cập.
Một đại dịch cũng được cảnh báo trong một báo cáo khác của NIC vào năm 2004 và cho rằng dịch bệnh đó sẽ phá hủy xu hướng toàn cầu hóa.
Mặc dù những dự báo này nghe có vẻ khó tin vào thời điểm đó, tuy nhiên, thực tế thì những nhà virus học và các chuyên gia y tế đã đưa ra những cảnh báo tương tự từ nhiều năm trước. Chủ yếu nhấn mạnh về mối nguy hiểm của một đại dịch do virus gây ra và sự thiếu chuẩn bị của thế giới.
Năm 2005, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ - ông Michael Osterholm, đã viết trong cuốn sách “Kẻ thù nguy hiểm nhất” rằng, “thời gian không còn nhiều” để thế giới chuẩn bị cho một đại dịch tiếp theo và đã đến lúc phải hành động. Ông Michael Osterholm đã cố gắng gióng lên hồi chuông cảnh báo về mối đe dọa mới và vạch ra chiến lược để bảo vệ người dân.
Phun thuốc khử trùng cho tượng trong dịch Covid-19 (ảnh: Reuters)
Chuyên gia về bệnh cúm người New Zealand – ông Robert Webster, đã cảnh báo trong cuốn “Sát thủ cúm” của mình về “tình trạng hỗn loạn và thiệt hại về kinh tế khổng lồ”, bởi một đại dịch toàn cầu.
Năm 2012, Đức cũng nhận được cảnh báo đến từ Viện Robert Koch về mối đe dọa của một đại dịch. Trong cảnh báo này, Viện Robert Koch nhấn mạnh loại virus sẽ lây lan nhanh chóng và làm quá tải những đơn vị chăm sóc đặc biệt. Virus có nguồn gốc từ châu Á và có thể truyền từ động vật hoang dã sang người.
Viện Robert Koch cho rằng, sự lây lan của loại virus mới có thể bị ngặn chặn bằng các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, bao gồm xét nghiệm, truy vết tiếp xúc và tự cách ly. Ngoài ra, còn cần phải đóng cửa trường học và cấm tụ họp. Cảnh báo này không đưa ra ước tính cụ thể về thiệt hại kinh tế, nhưng dự báo rằng tác động sẽ là rất lớn.
Viện Robert Koch dự báo, loại virus mới sẽ lây lan khắp nước Đức trong 3 năm trước khi có vắc xin phòng ngừa và khoảng 7,5 triệu người sẽ tử vong.
Nghĩa trang tại New York (ảnh: SCMP)
Những cảnh báo liên tiếp được đưa ra từ sớm nhưng vì sao thế giới lại ít có sự chuẩn bị cho đại dịch?
Câu hỏi này có thể được trả lời một cách đơn giản rằng con người thường không thích chuẩn bị cho những điều có thể và những cuộc khủng hoảng mơ hồ trong tương lai. Thay vào đó, chính phủ các nước sẽ ứng phó theo kiểu “nước đến chân mới nhảy”.
Tuy nhiên, chuẩn bị cho chiến tranh lại là ngoại lệ. Chính phủ các nước có thể lập luận rằng họ không có tiền cho một đại dịch, nhưng lại luôn có rất nhiều tiền để chuẩn bị cho chiến tranh, thậm chí là chiến tranh giữa dịch bệnh.
Mặc dù đã có nhiều cảnh báo, nhưng phản ứng với sự lây lan của virus ở các nước phương Tây thường rất chậm chạp. Trong lịch sử, những quốc gia phương Tây cũng đã từng phải hứng chịu hậu quả khủng khiếp của dịch hạch hay đại dịch cúm Tây Ban Nha. Sự chủ quan cùng với một chút kiêu ngạo luôn khiến những nước phương Tây trả giá đắt trong dịch bệnh.
Alexandre Adler – một sử gia người Pháp từng nói: “Chỉ khi nào mọi người nhận ra rằng tất cả đều ngồi chung trong một chiếc thuyền đang chìm thì họ mới chịu chèo tiếp”.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Nguồn: [Link nguồn]
Giới chức Úc đang gấp rút điều tra một nhóm nhân viên y tế nhiều khả năng là nguyên nhân khiến số ca nhiễm Covid-19 tăng...