Tín hiệu vui từ vắc-xin Covid-19 chỉ 1 liều tiêm

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Mỹ và Trung Quốc đã cấp phép cho vắc-xin Covid-19 chỉ 1 liều tiêm, với giá rẻ, bảo quản và phân phối ở nhiệt độ tủ lạnh

Vắc-xin Covid-19 chỉ 1 liều tiêm của Công ty Johnson & Johnson (Mỹ) hôm 27-2 được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp và sẽ bắt đầu được tiêm tại quốc gia này trong vài ngày tới.

FDA khẳng định vắc-xin của Johnson & Johnson cung cấp sự bảo vệ mạnh mẽ để chống lại vấn đề quan trọng nhất: Các ca nhiễm nặng, phải nhập viện và tử vong. Quá trình thử nghiệm quy mô lớn ở Mỹ, Nam Phi và Brazil cho thấy sản phẩm của Johnson & Johnson có hiệu quả hơn 85% trong việc ngăn chặn các ca nhiễm nặng và 66% nếu bao gồm các ca nhiễm trung bình. Đáng chú ý, mức độ này ở các ca nhiễm phải nhập viện và tử vong là 100%. Nếu tính riêng Nam Phi và Brazil, nơi các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 bùng phát mạnh mẽ, khả năng bảo vệ chung của vắc-xin Johnson & Johnson là thấp hơn, song khả năng bảo vệ trước các ca nhiễm nặng và nguy kịch vẫn cao tương tự.

Vắc-xin Covid-19 của Công ty Johnson & Johnson (Mỹ) được vận chuyển đến sân bay quốc tế O.R Tambo, TP Johannesburg - Nam Phi, hôm 27-2 Ảnh: REUTERS

Vắc-xin Covid-19 của Công ty Johnson & Johnson (Mỹ) được vận chuyển đến sân bay quốc tế O.R Tambo, TP Johannesburg - Nam Phi, hôm 27-2 Ảnh: REUTERS

Vắc-xin Johnson & Johnson được xem là sản phẩm thay thế giá rẻ đối với các vắc-xin 2 liều tiêm của Công ty Pfizer (Mỹ) cùng đối tác BioNTech (Đức) và Công ty Moderna (Mỹ), bởi nó có thể được bảo quản và phân phối ở nhiệt độ tủ lạnh thông thường. "Vắc-xin của Johnson & Johnson có thể đóng vai trò cực kỳ quan trọng nếu chúng ta có đủ số lượng, bởi đây là sản phẩm 1 liều tiêm và điều này rất quan trọng với những nhóm người yếu thế, khó khăn" - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm William Schaffner của Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt (Mỹ) khẳng định.

Với Johnson & Johnson, Pfizer-BioNTech và Moderna, Mỹ đang trên đà nhận được 240 triệu liều vắc-xin Covid-19 đến cuối tháng 3, đủ để tiêm cho 130 triệu người. Những hãng dược này đã đồng ý bàn giao tổng cộng 700 triệu liều cho Mỹ đến cuối tháng 7, nhiều hơn số lượng cần thiết để tiêm cho toàn bộ người dân nước này. Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ đã phân phối hơn 90 triệu liều và khoảng 14% dân số của họ đã được tiêm ít nhất 1 mũi.

Trong khi đó, Cơ quan Quản lý Sản phẩm Y tế quốc gia Trung Quốc (CNMPA) hôm 27-2 thông báo cấp phép có điều kiện cho một loại vắc-xin Covid-19 mới. Theo Tân Hoa Xã, được phát triển bởi các nhà nghiên cứu đến từ Học viện Kỹ thuật Trung Quốc và Viện Quân y thuộc Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc, đây là vắc-xin Covid-19 đầu tiên được Trung Quốc phê duyệt dựa trên nhóm virus adeno gây bệnh hô hấp làm vật trung gian để đưa gien đột biến của virus SARS-CoV-2 vào cơ thể. Hướng đến nhóm người trên 18 tuổi, sản phẩm 1 liều tiêm này có thể được phân phối và bảo quản ở mức nhiệt 2-8 độ C. Theo truyền thông Trung Quốc, kết quả phân tích sơ bộ các cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 trên toàn cầu cho thấy vắc-xin có hiệu quả 65,7% trong việc ngăn chặn các ca nhiễm biểu hiện triệu chứng và 90,98% đối với các ca nhiễm nặng.

Tại Thái Lan, chương trình tiêm phòng Covid-19 được triển khai vào ngày 28-2, với những liều vắc-xin CoronaVac đầu tiên của Công ty Sinovac Biotech (Trung Quốc) đã được tiêm cho nhân viên, giới chức y tế và các bộ trưởng, trong đó có Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul. Thái Lan tuần rồi được bàn giao những liều vắc-xin đầu tiên từ 2 hãng dược, bao gồm 200.000 liều CoronaVac và 117.000 liều từ Công ty AstraZeneca (Anh). Trong khi CoronaVac đã được triển khai tại 13 tỉnh có nguy cơ lây nhiễm cao từ ngày 28-2, sản phẩm của AstraZeneca sẽ được sử dụng từ tuần thứ hai của tháng 3, sau quá trình kiểm tra chất lượng. 

Nguồn: [Link nguồn]

Tổng giám đốc WHO: ”Hết vắc-xin thì tiền nhiều để làm gì”

WHO đã chỉ trích một số nước giàu vì mua quá số lượng vắc-xin Covid-19 cần thiết, ảnh hưởng tới chương trình hỗ trợ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Lực ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN