Tín hiệu đầy hy vọng về lối thoát cho cuộc xung đột vũ trang ở Ukraine

Bất chấp tình hình ở Ukraine vẫn diễn ra căng thẳng và các hoạt động ngoại giao chưa đem lại kết quả nhưng đã xuất hiện những tín hiệu cho thấy Nga và Ukraine đều muốn sớm thoát khỏi cuộc xung đột hiện nay.

Nhen nhóm hy vọng về lối thoát khỏi khủng hoảng

Cuộc hội đàm cấp cao giữa Nga và Ukraine với sự tham gia của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba tại thành phố Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa đem lại kết quả như mong đợi. Các nội dung chính như hành lang nhân đạo, lệnh ngừng bắn, an ninh hạt nhân và lập trường trung lập của Ukraine đều được nêu ra nhưng chưa đạt được sự nhất trí về vấn đề cụ thể nào.

Dòng người tị nạn Ukraine trên biên giới với Ba Lan

Dòng người tị nạn Ukraine trên biên giới với Ba Lan

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là cánh cửa hòa bình đã đóng lại. Những tuyên bố mà hai bên liên tục đưa ra vẫn nhen nhóm hy vọng về một lối thoát khỏi khủng hoảng. Mới đây, Điện Kremlin tuyên bố Tổng thống Nga Vladimir Putin không quan tâm đến việc thay đổi chính quyền Kiev mà mục tiêu chính là “phi quân sự hóa” Ukraine và bảo đảm sự “trung lập” của nước này. Chuyên gia Ivan Timofeev thuộc Hội đồng các vấn đề quốc tế (Nga) bình luận: “Những thay đổi là rất đáng chú ý. Lập trường của Nga đã dần trở về thực tế hơn”.

Ở chiều ngược lại, Ukraine cũng phát đi những tín hiệu sẵn sàng đàm phán và thỏa hiệp với Nga về những vấn đề nhạy cảm. Hôm 8-3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố sẵn sàng xem xét lại việc gia nhập NATO, miễn là phải có những đảm bảo an ninh ràng buộc pháp lý từ Nga lẫn phương Tây và tình trạng của những vùng lãnh thổ do Nga và phe ly khai thân Nga kiểm soát như Crimea, Donetsk và Lugansk. Theo ông Volodymyr Zelensky, cách duy nhất để thoát khỏi cuộc xung đột là lãnh đạo cao nhất của hai bên phải cùng ngồi đàm phán. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba thậm chí còn cho biết Ukraine sẵn sàng thảo luận về cách kết thúc cuộc xung đột.

Phát biểu trên kênh truyền hình TF1, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell thừa nhận: “Chúng tôi đã mắc một số sai lầm và chúng tôi đã đánh mất cơ hội nối lại mối quan hệ hữu nghị giữa Nga và phương Tây... Có những thời điểm chúng tôi có thể làm tốt hơn, có những điều chúng tôi đã đưa ra và sau đó không thể thực hiện được, chẳng hạn như lời cam kết rằng Ukraine và Gruzia sẽ trở thành một phần của NATO… Tôi nghĩ thật sai lầm khi đưa ra những lời cam kết mà bạn không thể thực hiện được”.

Dù tiếp tục tăng cường các biện pháp cấm vận kinh tế với Nga, nhưng nhiều nước châu Âu như Đức, Pháp đều nhấn mạnh đến sự cần thiết giải quyết cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine thông qua đàm phán. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, cả Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều kêu gọi ngừng bắn khẩn cấp tại Ukraine và nhất trí giữ liên lạc chặt chẽ với Nga trong những ngày tới.

Khác với sự nóng vội lúc đầu, châu Âu nay tỏ ra bình tĩnh hơn trong việc kết nạp Ukraine vào Liên minh châu Âu (EU). Hôm 10-3, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune tuyên bố “cần có thời gian” cho các cuộc tranh luận về việc có hay không để Ukraine nhanh chóng gia nhập EU. Trong EU, một số nước như Đức, Hungary vẫn phản đối lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Nga bởi các nước này phụ thuộc phần lớn vào năng lượng từ Nga.

Các hoạt động ngoại giao xung quanh cuộc chiến ở Ukraine cũng diễn ra dồn dập. Trong cuộc họp video với Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nêu rõ, Trung Quốc hy vọng sẽ chứng kiến giao tranh và xung đột chấm dứt sớm nhất có thể, đồng thời kêu gọi tất cả các bên bình tĩnh và tăng cường hành động ngăn chặn leo thang ở Ukraine.

Trên cương vị Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU), Tổng thống Senegal Macky Sall đã có cuộc trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin để kêu gọi thúc đẩy một lệnh ngừng bắn lâu dài ở Ukraine. Qua mạng xã hội Twitter, ông Macky Sall cho biết: “Tôi hoan nghênh Tổng thống Vladimir Putin đã lắng nghe và sẵn sàng duy trì đối thoại để đàm phán đạt kết quả giải quyết cuộc xung đột hiện nay”. AU đã ra tuyên bố hối thúc Nga và Ukraine thực hiện lệnh ngừng bắn ngay lập tức và mở các cuộc đàm phán dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc.

Các hoạt động nhân đạo được đẩy mạnh

Cùng với các hoạt động ngoại giao tìm giải pháp chấm dứt xung đột, các hoạt động trợ giúp người dân Ukraine cũng được đẩy mạnh. Trong ngày 10-2, 7 hành lang nhân đạo đã được mở để người dân sơ tán khỏi các thành phố xảy ra chiến sự, trong đó có cảng biển Mariupol ở miền Nam. Ở hướng Đông Bắc, hàng nghìn người đã bắt đầu rời khỏi thành phố Sumy qua “hành lang nhân đạo” sau một thỏa thuận ngừng bắn tại địa phương với Nga. Người dân cũng đang rời khỏi các khu dân cư Krasnopillya và Trostyanets gần đó.

Về phía Nga, Matxcơva cho biết hành lang nhân đạo sẽ được mở hàng ngày để người dân từ Ukraine sang Nga mà không cần thỏa thuận nào. Ông Mikhail Mizintsev, quan chức Bộ Quốc phòng Nga đã đề nghị Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế và Liên hợp quốc phối hợp chặt chẽ với giới chức Ukraine thông báo rõ với người dân nước này về kế hoạch trên của Nga. Cho đến nay, Nga đã sơ tán hơn 187 nghìn dân thường từ Ukraine sang Nga.

Để trợ giúp người Ukraine, Ủy ban châu Âu đã công bố khoản viện trợ bổ sung 500 triệu euro (tương đương 560 triệu USD) để hỗ trợ hoạt động nhân đạo tại Ukraine. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đã phê duyệt gói hỗ trợ tài chính khẩn cấp trị giá 1,4 tỷ USD cho Ukraine để tài trợ chi tiêu và củng cố cán cân thanh toán. Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố Chính phủ nước này cam kết viện trợ thêm 175 triệu bảng (230,28 triệu USD) cho Ukraine để hỗ trợ Kiev đối phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo đang ngày một gia tăng, trong đó 100 triệu bảng sẽ được cung cấp trực tiếp cho Chính phủ Ukraine. Khoản viện trợ bổ sung này nâng viện trợ của Anh cho Ukraine lên mức 400 triệu bảng.

Chính phủ Ba Lan cũng đề xuất một dự luật tạo điều kiện thuận lợi cho người tị nạn Ukraine ở lại nước này. Dự luật trên, đang chờ được Quốc hội thông qua, sẽ cho phép công dân Ukraine được ở lại một cách hợp pháp tại Ba Lan trong vòng 18 tháng và gia hạn giấy phép thêm 18 tháng nữa. Người dân Ukraine sẽ được phép làm việc và tiếp cận dịch vụ y tế và giáo dục. Ngoài ra, Chính phủ Ba Lan cũng đề xuất viện trợ tài chính cho người tị nạn, các gia đình tiếp nhận người tị nạn và chính quyền các địa phương hỗ trợ người Ukraine.

Israel thì đưa ra chính sách coi những người Ukrane sơ tán tới Israel là người nhập cư và được trợ cấp tài chính. Theo đó, những người nhập cư từ Ukraine sẽ được cấp quy chế đặc biệt cho phép họ được nhận một lần khoảng 1.800 USD/người hoặc 4.580 USD với một gia đình. Khoản tiền này nằm ngoài khoản trợ cấp đầu tiên cho mỗi người nhập cư tới Israel, khoảng 5.800 USD/người hoặc 10.995 USD một gia đình trong 6 tháng đầu tiên.

Một trật tự thế giới mới dần hé lộ từ xung đột Nga - Ukraine

Phương Tây đã đánh giá thấp quyết tâm của Nga trong nỗ lực giành lại vị thế chính trị trên trường quốc tế.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Sơn ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN