Tìm thấy sừng kỳ lân biển dài 3m nguyên vẹn ở hòn đảo Bắc cực
Chiếc sừng của kỳ lân biển hiếm khi được tìm thấy trong tình trạng nguyên vẹn trên đảo như vậy vì sinh vật này khi chết thường chìm dưới đáy biển.
Kỳ lân biển có chiếc sừng nhọn hoắt để săn mồi.
Theo Express, các nhà khoa học làm việc tại căn cứ quân sự Nga trên đảo Franz Josef Land ở Bắc Cực mới đây đã tìm thấy chiếc sừng còn nguyên vẹn của một loài quái vật biển.
Chiếc sừng này dài khoảng 3m, nặng 20kg, chuyên được dùng để đâm xuyên, vô hiệu hóa con mồi.
“Chiếc sừng này nối liền với hộp sọ con vật, được tìm thấy trong tình trạng nguyên vẹn”, Darya Antufyeva, nhà khoa học môi trường Nga nói.
“Chúng tôi đã cẩn thận đưa chiếc sừng này về phòng thí nghiệm nghiên cứu”, Darya nói. Không rõ chiếc sừng chính xác dài bao nhiêu, nhưng nó có thể dài tới 3m.
Trên thực tế, kì lân biển thuộc họ nhà cá voi với kích thước nhỏ hơn. Gọi sừng chứ thực ra đó là một... chiếc răng khổng lồ, có vân dạng cuộn xoáy và nhọn hoắt lên như một búp măng.
Chiếc sừng nguyên vẹn được tìm thấy trên hòn đảo Bắc cực gần căn cứ quân sự Nga.
Chỉ kỳ lân đực mới có chiếc răng nhô ra vượt trội để săn mồi. Người ta hiếm khi tìm thấy sừng kì lân biển còn nguyên vẹn vì loài sinh vật này sống ngoài khơi Nga, Greenland, Canada và khi chết thường chìm xuống biển.
Các nhà sinh học và di truyền học đang kiểm tra chiếc sừng. Hiện vật sau đó sẽ được trưng bày tại bảo tàng công viên quốc gia ở Arkhangelsk.
Trong quá khứ, khi người Viking thống trị vùng biển Bắc vào thời Trung cổ, họ đã thẳng tay giết kì lân biển để lấy sừng. Họ thêu dệt thêm nhiều câu chuyện hấp dẫn để có thể bán chiếc sừng với giá cắt cổ.
Sừng kì lân biển trở thành 1 biểu tượng vô cùng nổi tiếng từ thế kỉ 12, là biểu tượng của giàu sang và quyền lực.
Con cá voi lưng gù được nhìn thấy ở ngoài khơi Colombia với vết thương khiến nhiều người chứng kiến cảm thấy kinh hãi.