Tìm ra cách người Ai Cập cổ ướp xác, giữ gìn tử thi gần như nguyên vẹn đến tận ngày nay

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Từ di tích của một xưởng ướp xác, các nhà khoa học đã phát hiện ra những chất và công thức tạo ra hỗn hợp thảo mộc mà người Ai Cập cổ đại dùng để ướp xác.

Những chiếc bình cổ chứa chất ướp xác được khai quật (ảnh: CNN)

Những chiếc bình cổ chứa chất ướp xác được khai quật (ảnh: CNN)

Phân tích phân tử hữu cơ tìm thấy trong nhiều chiếc bình cổ được khai quật từ Saqqara (khu nghĩa trang Ai Cập cổ đại thuộc tỉnh Giza) đã xua tan mơ hồ về công thức mà người Ai Cập cổ sử dụng để ướp xác, CNN hôm 1/2 đưa tin.

Tổng cộng có 121 chiếc bình cổ được phát hiện trong một xưởng ướp xác tại Saqqara. Chúng được sử dụng vào khoảng thế kỷ thứ 7, thứ 6 TCN để chứa các chất ướp xác người, động vật.

Trong nghiên cứu được công bố trên Tạp chí khoa học Nature hôm 1/2, các nhà khoa học đến từ Đức và Ai Cập cho biết, họ đã phân tích dư lượng chất hữu cơ trong chiếc 31 bình cổ.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, người Ai Cập cổ đại đã biết cách sử dụng nhiều loại thảo mộc khác nhau để bảo vệ thi thể khỏi nấm, vi khuẩn, sự thối rữa và mùi hôi. Các loại thảo mộc để ướp xác bao gồm cây bách xù, cây bách, cây tuyết tùng, cây hồ trăn, mỡ động vật và sáp ong.

Trên một số chiếc bình, các nhà khoa học còn phát hiện dòng chữ “tẩy rửa” hoặc “dùng cho phần đầu”. Họ cho rằng những chiếc bình này chứa hợp chất dùng riêng cho việc tẩy rửa xác chết và ướp phần đầu của thi thể.

“Tôi bị cuốn hút bởi kiến thức hóa học của người Ai Cập cổ”, Philipp Stockhammer – giáo sư khảo cổ học tại Đại học Ludwig Maximilian (Đức) – nói về phát hiện mới.

“Họ biết cần phải bôi thứ gì lên da thi thể, chất kháng khuẩn, kháng nấm, để bảo vệ da khỏi các vi sinh vật. Thời điểm đó, khái niệm về vi khuẩn còn chưa tồn tại. Kiến thức về ướp xác của người Ai Cập phải được tích lũy qua hàng thế kỷ”, ông Stockhammer nói.

Thời cổ đại, khả năng ướp xác của người Ai Cập được xem là tiên tiến nhất thế giới (ảnh: DW)

Thời cổ đại, khả năng ướp xác của người Ai Cập được xem là tiên tiến nhất thế giới (ảnh: DW)

Các nhà khoa học cho biết, hỗn hợp thảo mộc mà người Ai Cập sử dụng rất đa dạng và không chỉ đến từ Ai Cập. Một số loại thảo mộc có nguồn gốc từ vùng Địa Trung Hải, Đông Nam Á và vùng có khí hậu nhiệt đới châu Phi.

“Đây là bằng chứng cho thấy người Ai Cập từng giao thương với những khu vực ở rất xa. Câu hỏi vì sao người Ai Cập cổ biết về công dụng của các loại thảo mộc dùng trong ướp xác cũng được đặt ra”, CNN dẫn lời Salima Ikram – giáo sư Ai Cập học tại Cairo.

Người Ai Cập cổ đại quan niệm rằng, bằng cách ướp xác, họ có thể bảo vệ linh hồn người chết ở thế giới bên kia. Nếu thi thể bị phân hủy, linh hồn của người chết cũng không toàn vẹn. Quá trình ướp xác và những nghi lễ cúng tế người chết ở Ai Cập thường kéo dài khoảng 70 ngày.

Năm 2017, các nhà khảo cổ đã phát hiện 17 xác ướp trong một khu mộ ở tỉnh Minya, cách thủ đô Cairo khoảng 250 km. Các xác ướp này ở trạng thái gần như nguyên vẹn dù đã được chôn cất cách đây khoảng 1.500 năm.

Tháng 11/2018, Bộ Cổ vật Ai Cập thông báo, 8 quan tài chứa xác ướp được tìm thấy ở khu nghĩa trang Dahshur, gần kim tự tháp vua Amenemhat II. Các xác ướp bên trong quan tài ở trong tình trạng tốt. Đặc biệt, một số quan tài còn khá nguyên vẹn từ màu sơn đến xác ướp bên trong. Các xác ướp này có niên đại khoảng 2.300 năm. Đây là minh chứng cho thấy trình độ ướp xác của người Ai Cập cổ xưa.

Phát hiện mới về xác ướp ”cậu bé vàng” Ai Cập: 49 bùa hộ mệnh quý giá

Xác ướp thiếu niên Ai Cập với 49 loại bùa hộ mệnh được giới khảo cổ đặt tên là “cậu bé vàng” vì chiếc mặt nạ vàng đặc trưng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – CNN ([Tên nguồn])
Bí ẩn xác ướp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN