TikTok kiện chính quyền ông Trump: Liệu có thể thắng?
Truyền thông Trung Quốc đưa tin, hành động pháp lý của công ty Trung Quốc ByteDance (chủ quản của TikTok) với chính quyền Tổng thống Trump ngay trên đất Mỹ nhận được nhiều lời khen ngợi nhưng các chuyên gia cho rằng khả năng giành chiến thắng rất khó nói.
ByteDance (công ty chủ quản của TikTok) đệ đơn kiện chính quyền ông Trump hôm 24/8 (giờ Mỹ). Ảnh: ET
Tờ Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) đưa tin, công ty công nghệ Trung Quốc ByteDance hôm 23/4 xác nhận sẽ đệ đơn kiện chính quyền Tổng thống Trump vào ngày 24/4 (giờ Mỹ) liên quan đến lệnh cấm mà Washington đưa ra áp dụng với ứng dụng TikTok.
"Để đảm bảo quy định pháp luật không bị loại bỏ và công ty cũng như người dùng của chúng tôi được đối xử công bằng, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đấu tranh pháp lý đến cùng với Mỹ về lệnh cấm TikTok", công ty ByteDance, có trụ sở tại Bắc Kinh, xác nhận với Hoàn cầu hôm 23/8.
Các nhà phân tích Trung Quốc cho biết động thái pháp lý của ByteDance được xem là tiên phong trong chiến dịch của các tập đoàn Trung Quốc phản đối việc "chèn ép" tới từ chính quyền Mỹ. Các công ty khác của Trung Quốc, nhất là Tencent (chủ quản của ứng dụng Wechat), có thể "học theo" cách làm của ByteDance.
Đại diện của TikTok cho biết đã cố gắng làm việc với chính quyền Mỹ trong gần một năm, nhưng TikTok chỉ nhận lại "sự thờ ơ" của Washington.
Các luật sư và chuyên gia pháp lý Trung Quốc cho biết vụ kiện của ByteDance diễn ra khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 đang cận kề. Vì vậy, vụ kiện sẽ được truyền thông thế giới theo dõi chặt chẽ. Ngoài ra, lượng người dùng TikTok khổng lồ ở Mỹ (ước tính khoảng 100 triệu) cũng được xem là yếu tố thu hút sự chú ý.
Các nhà phân tích cho rằng, dù hành động pháp lý của ByteDance nhận được nhiều lời khen ngợi nhưng kết quả vụ kiện rất khó lường.
Ngay cả khi một tòa án liên bang đưa ra phán quyết có lợi cho TikTok, chính quyền ông Trump vẫn có thể đưa vấn đề này lên Tòa án tối cao Mỹ, theo Zhou Shijian, cố vấn của Hiệp hội luật sư toàn Trung Quốc chuyên về các vụ kiện liên quan đến Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Ông Zhou trích dẫn một số trường hợp trước đây liên quan đến lệnh cấm đi lại của ông Trump năm 2018 với một số quốc gia (chủ yếu là các nước Hồi giáo).
Ông Zhou, người có hơn 10 năm kinh nghiệm xử lý kiện tụng tại WTO, cho rằng ByteDance không nên xem thường sức mạnh của khách hàng và các đối tác kinh doanh của TikTok ở Mỹ. Cố vấn của Hiệp hội luật sư toàn Trung Quốc "mách nước" cho ByteDance nên thuê các luật sư giỏi nhất và thường xuyên cập nhật các diễn biến của vụ kiện trên các phương tiện truyền thông Mỹ với các tài liệu được chuẩn bị kỹ lưỡng.
"Một thực tế mà TikTok không nên lãng phí trong vụ kiện này là 100 triệu người dùng của họ ở Mỹ. Hiện tại, đám đông này vẫn trong trạng thái bị phân tán và giữ im lặng", Zhou nói và lưu ý ByteDance nên thuê luật sư để lấy ý kiến người dùng TikTok và hỗ trợ theo hình thức của một lá thư tập thể để đưa ra tiếng nói ủng hộ của số đông.
"Tiếng nói càng lớn, kết quả vụ kiện sẽ càng có lợi cho TikTok", Zhou nói thêm.
Ngoài 100 triệu người dùng ở Mỹ, TikTok còn có khoảng 1.500 nhân viên và hàng nghìn đối tác ở Mỹ, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông.
"Việc để chính người dùng và các đối tác kinh doanh Mỹ nói về quyền riêng tư hoặc an ninh quốc gia của Mỹ - 2 vấn đề được Nhà Trắng viện dẫn trong lý do cấm TikTok - là vô cùng quan trọng. Tiếng nói của người dùng và các đối tác Mỹ sẽ có trọng lượng gấp 10 lần những gì TikTok phát ngôn", cố vấn của Hiệp hội luật sư toàn Trung Quốc nhận định.
Tầm quan trọng của các đối tác Mỹ đã được chứng minh trong thỏa thuận WeChat. Khi một số công ty lớn của Mỹ như Apple, Ford, Walmart và Disney - đều là đối tác của Tencent - bày tỏ lo ngại về lệnh cấm của ông Trump với WeChat, chính quyền Mỹ được cho đã phải "nhượng bộ" khi tuyên bố rằng việc hợp tác của các công ty này với Tencent sẽ không bị ảnh hưởng.
"Dù cơ hội thắng kiện là rất nhỏ nhưng những nỗ lực này là một thử thách táo bạo và có thể làm trì hoãn việc thực hiện lệnh hành pháp trong lệnh cấm của ông Trump", Hao Junbo, luật sư trưởng tại Công ty luật HAO ở Bắc Kinh, chia sẻ với Hoàn cầu hôm 23/8 nhưng nhấn mạnh chính phủ Mỹ có thể tác động đến kết quả phán quyết.
Việc ByteDance đệ đơn kiện là vụ kiện thứ 2 chống lại chính quyền ông Trump trong chưa đầy một tuần.
Một liên minh người dùng Wechat ở Mỹ đã đệ đơn kiện chính quyền ông Trump hôm 21/8, liên quan đến lệnh cấm WeChat của ông chủ Nhà Trắng.
Ngoài ra, một vụ kiện của nhân viên TikTok phản đối lệnh cấm ứng dụng này, tách biệt với đơn kiện của ByteDance, đang được tài trợ bởi một chiến dịch huy động vốn từ cộng đồng.
Ngày 6/8, Tổng thống Trump ban hành một lệnh cấm bất kỳ giao dịch nào của Mỹ với công ty ByteDance, có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ban hành lệnh cấm. Ngày 14/8, ông Trump ký tiếp một lệnh khác yêu cầu ByteDance nhượng lại các lợi ích của công ty Trung Quốc này ở Mỹ trong vòng 90 ngày kể từ ngày lệnh được ban bố.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hồi đầu tháng 8 cho biết họ kiên quyết phản đối lệnh cấm của Washington với các ứng dụng WeChat và TikTok của các công ty Trung Quốc, gọi đây là "hành động bá quyền" của Washington.
Nguồn: [Link nguồn]
Theo các nhà quan sát ngành công nghiệp casino, lệnh cấm của Tổng thống Mỹ Donald Trump với ứng dụng WeChat của Trung Quốc...