Tiết lộ về tàu sân bay thứ ba 80.000 tấn của Trung Quốc
Đã gần hai năm kể từ khi Tân Hoa Xã tiết lộ rằng Trung Quốc đang đóng tàu sân bay thứ ba và thông tin mới đăng tải trên tờ Thời báo Hoàn Cầu cho thấy con tàu 80.000 tấn sắp được hạ thủy.
Tàu sân bay mới của Trung Quốc sẽ có những tính năng tương tự tàu sân bay Mỹ.
Theo nguồn tin trên tờ Thời báo Hoàn Cầu, tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc sẽ được hạ thủy ngay trong cuối năm năm nay, muộn nhất là đầu năm 2021.
Dựa vào bức ảnh do người dân địa phương chụp được và ảnh vệ tinh thương mại được lưu hành công khai, tạp chí Công nghiệp Khoa học Công nghệ Trung Quốc có trụ sở ở Tây An, hôm 11.9 cho biết các phần thân tàu đã được đưa đến xưởng đóng tàu ở Giang Nam, Thượng Hải để lắp ráp thành tàu sân bay hoàn chỉnh.
Dựa vào bức ảnh chụp đầu tháng 9, hình dạng tổng thể của tàu sân bay mới đã lộ rõ, chỉ còn thiếu phần mũi tàu. Nếu mọi chuyện diễn ra theo đúng kế hoạch, tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc sẽ được hạ thủy vào tháng 11 hoặc 12 và sau đó đến công đoạn lắp ráp thiết bị.
Chuyên gia hải quân Trung Quốc Li Jie nói trên tờ Hoàn Cầu, rằng thời điểm hạ thủy cần được quyết định dựa trên quá trình đóng tàu thực tế và ông cho rằng rất có khả năng tàu sẽ được hạ thủy vào năm 2021.
Không giống như tàu Sơn Đông, tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc sử dụng phương pháp đóng tàu hiện đại hơn, rất giống với cách đóng tàu của Mỹ.
Đó là các bộ phận thân lớn được chế tạo đồng thời ở nhiều nơi khác nhau rồi được chuyển tới nơi lắp ráp cuối cùng để tạo thành thân tàu hoàn chỉnh, giúp giảm đáng kể thời gian đóng tàu.
Theo tờ Hoàn Cầu, tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc có thể sẽ dài 320 mét, dài hơn 15 mét so với tàu Sơn Đông. Tàu cũng có lượng giãn nước lớn hơn đáng kể, hơn 80.000 tấn và sẽ là tàu sân bay lớn nhất của Trung Quốc cho đến nay.
Tàu Sơn Đông được đóng theo nguyên mẫu tàu sân bay Liêu Ninh nên cả hai chỉ có lượng giãn nước 60.000 tấn.
Một chuyên gia quân sự giấu tên khác nói trên tờ Hoàn Cầu, rằng tàu sân bay thứ ba lớn hơn nhiều vì được tích hợp các công nghệ hiện đại nhất, bao gồm máy phóng điện từ.
Theo chuyên gia này, thời gian đóng tàu nhanh nhưng thời gian để lắp ráp toàn bộ thiết bị và đưa tàu ra biển thử nghiệm toàn diện sẽ lâu hơn tàu Sơn Đông.
Về công đoạn đóng tàu cuối cùng, chuyên gia này nói công việc vẫn đang rất trôi chảy.
Hồi tháng 6, tàu sân bay thế hệ mới USS Gerald R. Ford của Mỹ đã gặp sự cố khi ra biển thử nghiệm, khiến máy phóng điện từ ngừng hoạt động trong 5 ngày.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng phàn nàn về hệ thống máy phóng điện từ và cho rằng hải quân Mỹ “nên quay trở lại với thiết bị phóng bằng hơi nước”.
Nguồn: [Link nguồn]
Tàu tấn công đổ bộ Type 075 của Trung Quốc đã hoàn thành đợt chạy thử ngoài biển lần đầu tiên và dự kiến sẽ được...