Tiết lộ tình trạng đàm phán áp giá trần dầu Nga của EU
27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) hiện đang chia rẽ về đề xuất mới nhằm áp giá trần dầu Nga, sau những vòng đàm phán mới nhất của liên minh.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Ursula von der Leyen là người đi đầu trong các nỗ lực của EU nhằm áp giá trần dầu thô Nga.
Các quốc gia EU hiện chưa thể đạt được thỏa thuận về việc áp giá trần đối với dầu mỏ Nga. Ý tưởng này nhiều khả năng sẽ chỉ xuất hiện trong gói trừng phạt có quy mô lớn hơn, báo Mỹ Bloomberg ngày 26/9 cho biết.
Bloomberg dẫn nguồn tin am hiểu về các cuộc đàm phán của EU, cho biết đảo Síp và Hungary đang là hai quốc gia đi đầu trong việc phản đối áp giá trần dầu mỏ Nga. Đề xuất này chỉ có thể được thông qua nếu toàn bộ 27 nước thành viên tán thành.
Nguồn tin giấu tên nói với Bloomberg rằng giới chức Ủy ban châu Âu (EC) đã gặp quan chức các nước thành viên EU để cố gắng thuyết phục về một gói trừng phạt mới, bao gồm áp đặt giá trần dầu Nga.
Nhiều thông tin chi tiết được cho là vẫn cần phải được hoàn thiện, bao gồm cả mức giá trần mà các quốc gia EU sẽ áp đặt với dầu Nga.
Biện pháp mới phải có hiệu lực trước ngày 5/12, thời điểm EU cấm nhập khẩu dầu Nga qua đường biển và ngừng cung cấp dịch vụ vận chuyển dầu thô của Nga.
"EU đang đẩy mạnh nỗ lực áp giá trần dầu Nga, cùng với các nỗ lực của Mỹ nhằm kiểm soát giá dầu thô và hạn chế nguồn lợi nhuận khổng lồ mà Nga có thể thu được", Bloomberg cho biết.
Hồi đầu tháng này, nhóm G7 đã nhất trí sẽ áp giá trần đối với dầu Nga vận chuyển qua đường biển. Vào tháng 6, các nhà lãnh đạo phương Tây đã nhất trí tìm hiểu khả năng áp giá trần để giới hạn số tiền mà các nhà máy lọc dầu và thương nhân có thể trả để mua dầu thô của Nga.
Moscow đã phản đối ý tưởng này của phương Tây, khẳng định sẽ không tuân thủ, và thúc đẩy xuất khẩu dầu sang các nước không áp giá trần. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cảnh báo các nước áp giá trần sẽ không thể nhận được dầu thô Nga.
Nguồn: [Link nguồn]
Hungary tuyên bố sẽ tiếp tục cấp thị thực Schengen cho công dân Nga, bất chấp một số nước gây sức ép và khiến thủ tục cấp thị thực trở nên phức tạp hơn.