Tiết lộ thương vong trong cuộc đụng độ mới nhất giữa Azerbaijan và Armenia
Hai quốc gia láng giềng vùng Caucasus leo thang đụng độ quân sự khiến Nga và Mỹ lên tiếng kêu gọi kiềm chế.
Đụng độ giữa Armenia và Azerbaijan bùng phát trở lại vào ngày 13/9.
Đụng độ quân sự ở vùng biên giới giữa Azerbaijan và Armenia đã khiến gần 100 binh sĩ thương vong, dấy lên nguy cơ giao tranh ác liệt quay trở lại, theo báo Anh Guardian.
Hôm 13/9, Armenia nói nước này tổn thất 49 binh sĩ còn phía Azerbaijan ghi nhận 50 binh sĩ thiệt mạng. Trong các cuộc đụng độ diễn ra vào đêm ngày 12/9 và rạng sáng 13/9, quân đội hai nước đã liên tục nã đạn pháo và phóng tên lửa.
Azerbaijan và Armenia đều đổ lỗi bên kia khiêu khích trước. Nga tuyên bố đã đạt thỏa thuận để Azerbaijan và Armenia ngừng giao tranh, dù các cuộc đụng độ nhỏ lẻ vẫn diễn ra dọc biên giới.
"Nga đã đứng ra làm trung gian ngừng bắn sau thỏa thuận mới nhất đạt được. Chúng tôi tin tưởng rằng các bên sẽ tuân thủ nghiêm túc và thực thi lệnh ngừng bắn một cách đầy đủ", bộ Ngoại giao Nga cho biết.
Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken nói Moscow nên tận dụng ảnh hưởng của nước này trong khu vực để hạ nhiệt căng thẳng. "Như chúng tôi đã nêu rõ, không có giải pháp quân sự cho xung đột. Chúng tôi yêu cầu các bên chấm dứt các hành động thù địch ngay lập tức", ông Blinken nói.
Thủ tướng Armenia, Nikol Pashinyan cáo buộc Azerbaijan tấn công trước nhằm kiểm soát toàn bộ vùng ly khai Nagorno-Karabakh.
"Tình trạng thù địch đã giảm nhưng Azerbaijan vẫn tấn công từ hai hướng", ông Pashinyan nói. "Hiện tại, chúng tôi đã tổn thất 49 binh sĩ và đáng tiếc rằng đây chưa phải con số cuối cùng".
Trong cuộc xung đột kéo dài 6 tuần vào năm 2020, Azerbaijan đã giành quyền kiểm soát hơn một nửa diện tích vùng Nagorno-Karabakh. Cuộc xung đột khi đó khiến 6.600 người chết và tạm dừng bằng một thỏa thuận ngừng bắn do Nga đề xuất.
Vùng Nagorno-Karabakh thuộc lãnh thổ Azerbaijan nhưng có số đông người Armenia sinh sống. Đầu những năm 1990, một cuộc xung đột nổ ra với việc Nagorno-Karabakh đơn phương tuyên bố ly khai khỏi Azerbaijan và được Armenia hậu thuẫn.
Thủ tướng Armenia – ông Nikol Pashinyan – đã triệu tập cuộc họp Hội đồng An ninh khẩn cấp trong bối cảnh quân đội Azerbaijan tấn công ở biên giới.
Nguồn: [Link nguồn]