Tiết lộ sốc về số lượng xe tăng Nga bị phá hủy trong cuộc xung đột với Ukraine
Báo cáo mới của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) đánh giá, Nga đã mất khoảng một nửa số xe tăng tốt nhất trong 1 năm xung đột ở Ukraine và đang chật vật bù vào, trong khi Kiev sắp nhận được những chiếc xe tăng hiện đại từ phương Tây.
Một xe tăng hỏng của Nga ở làng Dmytrivka, cách thủ đô Kiev của Ukraine khoảng 25km
Tuy nhiên, theo đánh giá này, Nga bảo toàn không quân của họ gần như nguyên vẹn và có thể triển khai lực lượng này nhiều hơn trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột.
Trong báo cáo Cân bằng quân sự thường niên để làm tài liệu tham khảo cho các chuyên gia quân sự, IISS viết rằng tỷ lệ tổn thất đối với một số mẫu xe tăng hiện đại nhất của Nga lên đến 50%, buộc Mátxcơva phải chuyển sang dựa vào các mẫu cũ từ thời Liên Xô.
“Họ đang sản xuất, nhưng không đủ để bù đắp tổn thất. Đội xe bọc thép của họ trên chiến trường giờ chỉ còn khoảng một nửa so với thời điểm xung đột bắt đầu”, Henry Boyd, một nhà nghiên cứu tại IISS, đánh giá.
Boyd ước tính Nga đã mất 2.000-2.300 xe tăng, còn Ukraine mất khoảng 700.
Ukraine được phương Tây hứa cung cấp khoảng 100 xe tăng hiện đại, bao gồm Abrams của Mỹ, Leopard của Đức và Challenger của Anh, các mẫu được đánh giá là vượt trội hơn xe tăng cũ của Nga.
Douglas Barrie, một chuyên gia về không quân làm việc tại IISS, đánh giá Nga đã bảo toàn hầu như nguyên vẹn không quân của mình, nhờ hoạt động từ xa để tránh hệ thống phòng không của Ukraine, trong khi Ukraine thiếu nguồn cung cấp tên lửa không đối đất tầm ngắn chiến thuật.
Tuy nhiên, Barrie cho rằng trong thời gian tới, Nga có thể sẽ tìm cách sử dụng không quân hiệu quả hơn và chấp nhận rủi ro lớn hơn để tấn công bất kỳ lực lượng tập trung nào của Ukraine trên mặt đất.
“Một trong những thách thức từ quan điểm của Ukraine là nếu phải đẩy lùi lực lượng lớn của Nga trên mặt đất hoặc bản thân họ tập hợp lực lượng lớn, Ukraine sẽ rơi vào thế mong manh nếu bị tấn công từ trên không. Khi đó, Nga có thể quyết định sẽ chấp nhận thiệt hại lớn hơn chỉ để gây thiệt hại lớn hơn cho đối phương”, Barrie nhận định.
Sau 1 năm xung đột, Ukraine đã lấy lại một số địa bàn nhưng Nga vẫn kiểm soát hầu hết 4 vùng ở miền Nam và Đông Ukraine. Từ nhiều tuần trước, Kiev đã cảnh báo về một chiến dịch tấn công mới của Nga.
Ngày 15/2, Nga tuyên bố đã chọc thủng 2 tuyến phòng thủ của Ukraine ở mặt trận miền Đông.
Barrie cho rằng, các lệnh trừng phạt của phương Tây đang cản trở Nga bổ sung kho vũ khí dẫn đường, vì những vũ khí này phụ thuộc vào thiết bị vi xử lý nhập khẩu.
Barrie cũng cho rằng, tốc độ phát triển vũ khí hạt nhân thế hệ mới nhất của Nga đang diễn ra chậm, dù Tổng thống Vladimir Putin tự hào về năng lực của Nga và nhiều lần hàm ý sẽ dùng đến vũ khí hạt nhân để bảo vệ những nơi mà Nga coi là lãnh thổ của mình.
Ben Barry, một chuyên gia về chiến tranh trên bộ của IISS, hoài nghi rằng Nga có thể đạt được tiến triển lớn.
“Tôi đánh giá họ sẽ khó tập trung đủ lực lượng mạnh để đẩy lùi Ukraine đáng kể”, Barry nhận định.
Tuy nhiên, chuyên gia này nói thêm: “Tôi không rõ Kiev có đủ sức mạnh chiến đấu để có thể nhanh chóng đánh bật Nga hay không… Chúng ta có thể nghĩ đến một năm đẫm máu nữa”.
M1 Abrams của Mỹ, K2 Black Panther của Hàn Quốc, Leopard 2 của Đức, T-14 Armata của Nga... được coi là những chiến tăng mạnh nhất trên thế giới.
Nguồn: [Link nguồn]