Tiết lộ người có vai trò quan trọng vụ Mỹ - Anh ném hơn 150 quả bom, tên lửa nhằm vào Houthi

Không lâu sau khi tái xuất chính trường trong vai trò Ngoại trưởng Anh, ông David Cameron đã tạo dấu ấn trong cuộc tập kích dữ dội của Mỹ - Anh nhằm vào lực lượng Houthi ở Yemen.

Ngoại trưởng Anh David Cameron.

Ngoại trưởng Anh David Cameron.

Tháng 11/2023, cựu Thủ tướng Anh David Cameron bất ngờ tái xuất, được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng. Hôm 11/1, ông Cameron tạo dấu ấn rõ rệt khi Mỹ - Anh tập kích lực lượng Houthi ở Yemen.

Theo tiết lộ của truyền thông Anh,ông Cameron đã dùng kinh nghiệm trong các cuộc tập kích ở Libya, Syria và Iraq khi còn làm Thủ tướng để giúp Anh và Mỹ tấn công Houthi, báo Nga RT đưa tin.

Ông Cameron đã trực tiếp lên kế hoạch, lựa chọn các địa điểm không kích ở Yemen cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Grant Shapps, Phó Thủ tướng Oliver Dowden và các quan chức Mỹ. Hôm 11/1, Mỹ và Anh đã tập kích dữ dội gần 30 mục tiêu của lực lượng Houthi ở Yemen bằng 150 quả bom và tên lửa hành trình Tomahawk.

Anh đã chứng minh sự táo bạo trong cuộc tập kích khi huy động 4 chiến đấu cơ Typhoon xâm nhập không phận Yemen để ném bom dẫn đường chính xác. Các máy bay này sau đó đã quay về căn cứ an toàn mà không gặp phải mối đe dọa từ Houthi.

Ông Cameron, người từng là ứng viên của Anh cho vị trí người đứng đầu liên minh quân sự NATO, được cho là đã “tham gia đầy đủ” vào các cuộc họp và phối hợp thường xuyên với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken. Ông Cameron cũng cảnh báo Iran, quốc gia được cho là đứng sau hậu thuẫn lực lượng Houthi.

“Chúng tôi sẽ làm những gì cần thiết để bảo vệ các tàu thuyền, bảo vệ quyền tự do hàng hải trên tuyến đường giao thương quan trọng”, ông Cameron nói với báo Mỹ NBC News. “Chỉ cảnh báo thôi là không đủ vì số lượng các cuộc tấn công tàu hàng của Houthi ngày càng tăng”.

“Căng thẳng leo thang hiện nay là do Houthi. Cuộc không kích của Mỹ và Anh là phù hợp và gửi thông điệp rõ ràng tới Houthi, cũng như Iran”, ông Cameron nói sau cuộc tập kích.

Năm 2011, Anh dưới thời Thủ tướng Cameron và Pháp dưới thời Tổng thống Nikolas Sarkozy đã dẫn đầu chiến dịch ném bom Libya.

Sau 7 tháng NATO thiết lập vùng cấm bay, lãnh đạo Libya khi đó là Muammar Gaddafi đã bị lật đổ. Lực lượng của nhà độc tài Gaddafi không bắn rơi được bất cứ máy bay NATO nào dù sở hữu tổng cộng hơn 400 hệ thống phòng không.

Ông Cameron cũng là người ra lệnh ném bom Iraq và Syria trong giai đoạn khủng bố IS trỗi dậy. Tuy nhiên, ông Cameron và cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã không thể lôi kéo sự ủng hộ của đồng minh để phát động chiến dịch lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Sau khi truyền thông Anh đưa tin, văn phòng Thủ tướng Sunak từ chối đưa ra bình luận về ảnh hưởng của ông Cameron trong cuộc tập kích. Ông Cameron dự kiến sẽ trả lời phỏng vấn truyền thông hôm 15/1, trước khi Quốc hội Anh tranh luận về cuộc can thiệp quân sự ở Yemen.

Mỹ và Anh vẫn đang để ngỏ khả năng tiếp tục tập kích lực lượng Houthi ở Yemen nhưng chưa tính đến khả năng phát động một chiến dịch trên bộ.

Lực lượng Houthi khẳng định sẽ đáp trả Mỹ và Anh “một cách quyết liệt, mạnh mẽ và hiệu quả”.

Nguồn: [Link nguồn]

Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc triển khai sứ mệnh hải quân trên biển Đỏ nhằm đối phó lực lượng Houthi ở Yemen .

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhật Minh - RT ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN