Tiết lộ lý do Nga chuyển vai trò của hệ thống S-300 từ phòng không sang tấn công mặt đất ở Ukraine
Ukraine nói Nga đã sử dụng hệ thống phòng không S-300 được trang bị hệ thống định vị GPS để tấn công các mục tiêu mặt đất ở nước này. Cựu binh Mỹ đã tiết lộ một số lý do Nga có thể đã chuyển vai trò của S-300 từ phòng không sang tấn công mặt đất.
Gần đây, một quan chức Ukraine tuyên bố rằng Nga đang sử dụng hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa S-300 để tấn công các mục tiêu mặt đất ở Ukraine.
Kiev nói Nga sử dụng hệ thống phòng không S-300 để tấn công các mục tiêu mặt đất ở Ukraine
Theo trang The EurAsian Times, ông Vitaly Kim, tỉnh trưởng tỉnh Mykolaiv của Ukraine hôm 8-7 viết trên trang Twitter rằng lực lượng Nga đang tiến hành các cuộc tấn công tên lửa thường xuyên và sử dụng tên lửa S-300 được trang bị hệ thống định vị GPS để tấn công các mục tiêu mặt đất ở Ukraine.
Tên lửa đất đối không tầm xa S-300. Ảnh: Defense Express
Bên cạnh đó, ông Kim nói thêm 12 tên lửa được phóng từ hệ thống S-300 đóng vai trò tấn công trên bộ. Đồng thời, ông Kim nhấn mạnh mặc dù tên lửa được trang bị GPS nhưng không đánh trúng chính xác mục tiêu.
Ông Kim không tiết lộ phiên bản S-300 nào được lực lượng Nga sử dụng cho mục đích tấn công mặt đất. Cả Nga và Ukraine đều đang vận hành dòng S-300P đặt trên khung gầm bánh lốp 8x8 và dòng S-300V sử dụng khung gầm bánh xích trong cuộc xung đột đang diễn ra.
Dù thông tin trên có thể gây bất ngờ nhưng hệ thống S-300 thực sự có khả năng đất đối đất, điều mà rất ít người biết đến.
Những lần Nga sử dụng S-300 trong vai trò tấn công mặt đất
Trong quá khứ, đã có một số trường hợp quân đội Nga sử dụng hệ thống S-300 để tấn công mặt đất trong các cuộc tập trận. Thậm chí quân đội Belarus cũng được cho đã thực hành sử dụng hệ thống này để tấn công các mục tiêu mặt đất cố định.
Trường hợp gần đây nhất là vào tháng 5-2017, khi đó Lực lượng phòng không thuộc Quân khu phía Đông của Nga đã sử dụng hệ thống S-300 trong một cuộc tập trận tại TP Khabarovsk để tiêu diệt các mục tiêu mô phỏng xe bọc thép đối phương, theo hãng tin RIA Novosti.
Binh sĩ Belarus và hệ thống tên lửa đất đối không S-300P trong cuộc tập trận quân sự chung Zapad 2009 giữa Nga và Belarus. Ảnh: VIKTOR DRACHEV/ GETTY IMAGE
“Khi cần, hệ thống phòng không S-300 có khả năng thực hiện các vụ phóng tên lửa nhằm vào mục tiêu mặt đất, nhận tọa độ từ các đơn vị trinh sát của lực lượng mặt đất” – theo RIA Novosti.
Trước đó, Quân khu miền Nam của Nga cũng đề cập khả năng tấn công mặc đất của hệ thống S-300 trong một thông cáo báo chí hồi tháng 8-2011. Thông cáo báo chí này liên quan tới một cuộc tập trận chiến thuật của lữ đoàn phòng không vũ trụ thuộc Quân khu miền Nam của Nga tại thao trường Ashuluk thuộc vùng Astrakhan.
Theo thông cáo báo chí, các kíp chiến đấu của hệ thống phòng không S-300 đã thực hiện 14 vụ phóng tên lửa dẫn đường, đánh trúng các mục tiêu mặt đất ở khoảng cách đáng kể.
Hai tháng sau, tức tháng 10-2011, một báo cáo chi tiết hơn về vai trò tấn công mặt đất của S-300 được truyền thông Belarus tiết lộ. Trang Naviny của Belarus khi đó cho hay các nhà phát triển ban đầu đã tích hợp khả năng tấn công các mục tiêu mặt đất cố định vào trong thiết kế của hệ thống phòng không S-300 được đưa vào hoạt động năm 1979 cũng như tất cả phiên bản sửa đổi tiếp theo của hệ thống này.
Hệ thống S-300PS của Nga. Ảnh: Russian Ministry of Defense
Lúc đó, Belarus vận hành phiên bản S-300PS được giới thiệu giữa những năm 1980, và hệ thống này sử dụng tên lửa 5V55R có tầm bắn tối đa lên tới 90 km chống lại các mục tiêu trên không.
Cũng theo Naviny, phạm vi tác chiến tối đa của S-300PS nhằm vào các mục tiêu mặt đất là 120 km.
Bài cáo của Naviny cũng mô tả rằng đối với hầu hết đường bay của tên lửa hướng tới mục tiêu, tên lửa S-300 dựa vào hệ thống quán tính sử dụng tọa độ của mục tiêu trước khi phóng tên lửa và được cập nhật trong suốt hành trình bay thông qua liên kết vô tuyến. Ngược lại, tên lửa sử dụng radar bán chủ động dẫn đường trong giai đoạn cuối hành trình bay.
Khả năng tiêu diệt các mục tiêu mặt đất thậm chí vẫn được giữ lại ở hệ thống phòng không S-400, theo trang Naviny.
Lý do Nga chuyển vai trò của S-300 từ phòng không sang tấn công mặt đất
Hiện chưa rõ tại sao Nga sử dụng hệ thống S-300 để tấn công các mục tiêu mặt đất ở Ukraine.
Trả lời The EurAsian Times, Đại tá về hưu David Shank, cựu chỉ huy Trường Pháo phòng không Lục quân Mỹ, cho biết S-300 là một trong những hệ thống phòng không lâu đời nhất trong biên chế vì Nga có thể có dư thừa các loại đạn cũ vốn sẽ thích hợp để chống lại các mục tiêu mặt đất cố định hơn là dùng để tấn công các mục tiêu trên không.
Tên lửa đất đối không tầm xa S-300VS. Ảnh: Defense Express
“Nga coi S-300 là một hệ thống tên lửa đất đối không cũ hơn, ít có khả năng hơn khi S-400 đã được đưa vào sử dụng. Nga rất có thể còn có một lượng lớn tên lửa S-300 trong kho vũ khí, chi phí thấp hơn và có thể được sử dụng để tấn công các khu vực chứ không phải mục tiêu điểm” – ông Shank nói.
Cựu binh Mỹ nói thêm quân đội Nga có thể sắp hết tên lửa đất đối đất dẫn đường chính xác.
Một lý do khác khiến Nga có thể đã quyết định chuyển vai trò của S-300 từ phòng không sang mục đích tấn công mặt đất là do Không quân Ukraine thiếu khả năng tiến hành các cuộc không kích, theo ông Shank.
“Nga cũng có thể đang chấp nhận rủi ro với hoạt động khiêm tốn của Không quân Ukraine. Các đợt xuất kích máy bay hàng ngày của Ukraine cực kỳ thấp, chỉ ở mức một con số mỗi ngày” – cựu binh Mỹ cho biết.
Nguồn: [Link nguồn]
Truyền thông Nga ngày 2.6 đăng tải video về hoạt động chiến đấu của hệ thống tên lửa phòng không S-300 trong chiến dịch quân sự ở Ukraine.