Tiết lộ loại UAV khác của Iran còn nguy hiểm hơn Shahed-136
Ukraine cáo buộc Nga đang mua thêm một loại UAV hiện đại hơn từ Iran, đó là Arash-2. Một số nhà quan sát quân sự Ukraine còn cho rằng các chuyên gia Iran đang có mặt trên thực địa để cố vấn Nga sử dụng UAV.
Ukraine đã cáo buộc Nga đang mua thêm một loại máy bay không người lái (UAV) hiện đại hơn từ Iran, đó là Arash-2. Một số nhà quan sát quân sự Ukraine còn cho rằng các chuyên gia Iran đang có mặt trên thực địa để cố vấn Nga sử dụng UAV, theo trang The EurAsian Times.
Nga được cho là đã sử dụng hiệu quả UAV Shahed-136 của Iran để tấn công các cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự có liên kết với quân đội Ukraine.
Iran mới đây cũng thừa nhận nước này đã cung cấp UAV cho Nga, song khẳng định việc cung cấp diễn ra trước cuộc xung đột Nga-Ukraine. Ngoại trưởng Iran, ông Hossein Amir-Abdollahian cho hay nước này đã cung cấp một số lượng nhỏ UAV cho Nga vài tháng trước khi Nga phát động tấn công nước láng giềng Ukraine hôm 24-2. Ông cũng phủ nhận chuyện Iran cung cấp tên lửa cho Nga.
Iran cũng đã làm rõ rằng nước này sẽ không bán UAV Arash-2 cho Nga do lo ngại công nghệ của UAV này sẽ rơi vào tay Mỹ. Phía Nga cũng chưa có phản ứng gì với cáo buộc của Ukraine về việc mua UAV Arash-2 của Iran.
UAV Arash-2 tiên tiến hơn UAV Shahed-136 như thế nào?
Giới bình luận trên mạng xã hội Nga mô tả UAV Arash-2 là tên lửa hành trình “theo nghĩa đen” nhưng có tốc độ bay thấp hơn, cho phép UAV này tuần tra phía trên mục tiêu.
UAV Arash-2 của Iran. Ảnh: The EurAsian Times
Hiện không có nhiều thông tin về UAV Arash-2 song có thông tin cho rằng loại UAV này có thể đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách lên tới 2.000 km và mang được đầu đạn lớn hơn đáng kể loại đầu đạn của UAV Shahed-136.
UAV Arash-2 được trình làng chỉ mới trong tháng 9, và giới quan sát cho rằng UAV này được thiết kế để tấn công các mục tiêu của Israel ở Tel Aviv và Haifa.
“Các hệ thống phòng không của Israel như Iron Dome (Vòm Sắt) ít khả năng ngăn chặn được loại UAV này của Iran một cách dễ dàng vì nó chủ yếu vận hành theo hướng chống lại các rocket dạng thô không dẫn đường của lực lượng Hamas. Loại UAV này của Iran có thể cơ động, chuyển hướng và bay thấp” – một công dân Nga chuyên bình luận về các vấn đề quân sự nói với The EurAsian Times.
“Có thể Nga đã đồng ý giúp Iran cải thiện công nghệ tên lửa và UAV để đổi lại việc Iran lấp vào khoảng trống của Nga về UAV sản xuất hàng loạt giá rẻ và tên lửa đạn đạo tầm trung” – nhà quan sát quốc phòng Nga nói tiếp.
Tuy nhiên, cựu phi công Ấn Độ - ông Vijainder K Thakur hoài nghi về khả năng cơ động của UAV Arash-2.
“Không có bằng chứng cho thấy UAV Arash-2 có thể cơ động, thay đổi hướng và bay thấp” - ông Thakur nói.
Cũng theo ông, khả năng cơ động và thay đổi hướng liên quan tới hệ thống điều hướng tinh vi làm tăng giá thành sản xuất. Trong trường hợp đó, UAV sẽ đắt như tên lửa Kalibr của Nga.
Phản ứng của Mỹ
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Ned Price hôm 19-10 nói rằng Mỹ cùng Anh và Pháp đưa vấn đề Iran bán UAV ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ).
Ông Price nói rằng việc Nga mua những vũ khí này đã vi phạm Nghị quyết 2231 của HĐBA LHQ. Tuy nhiên, tuyên bố này cũng đồng thời xác nhận hiệu quả của UAV Iran, đặc biệt là UAV cảm tử Shahed 136 (còn gọi là Geran-2).
Iran tổ chức tập trận UAV tại nhiều khu vực khác nhau của nước này hồi tháng 8. Ảnh: DAILY MAIL
Tướng Kenneth MacKenzie, cựu Tư lệnh Bộ chỉ huy Trung tâm của Mỹ (CENTCOM) đã công nhận tính hiệu quả của UAV Iran trong một cuộc trả lời phỏng vấn.
“Nếu bạn phóng các UAV này với số lượng đủ lớn thì về lý thuyết bạn sẽ áp đảo được phòng không đối phương bởi vì chúng bay ở độ cao thấp và có giá thành sản xuất rẻ” – Tướng MacKenzie nói.
Tướng Mỹ cho biết thêm Iran đã sản xuất hàng ngàn UAV như thế.
Trong khi đó, tên lửa hành trình Kalibr của Nga có giá khoảng 1 triệu USD, tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ có giá khảng 2 triệu USD, còn UAV Shahed-136 và Arash-2 có giá từ 10.000 USD đến 50.000 USD.
Trong khi các hệ thống phòng không như S-300, Buk và Osa gần như vô dụng trước những UAV này, thì các hệ thống của Nga như Strela-10, Tunguska và Tors vốn có trong tay quân đội Ukraine, có thể hiệu quả trước những UAV này.
Các hệ thống phòng không vác vai (MANPADS) cũng “bó tay” trước các UAV nói trên vì không bắt được mục tiêu UAV do chúng không phát ra tia hồng ngoại hoặc sóng radar.
Có thông tin cho rằng các pháo thủ phòng không vác vai của Ukraine đã phải bắn nhiều loạt tên lửa để cố hạ gục UAV Geran-2 nhưng điều này lại phải gây tốn kém nhiều rocket.
Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết, ông không tin tưởng vào tuyên bố chỉ cung cấp một số lượng “hạn chế” máy bay không người lái (UAV) cho quân đội Nga của Iran.
Nguồn: [Link nguồn]