Tiết lộ loại đá quý Càn Long yêu thích bậc nhất
Trong suốt 60 năm trị vì, Hoàng đế Càn Long của triều đại nhà Thanh đã thể hiện niềm đam mê sâu sắc với nghệ thuật và đặc biệt yêu thích một loại đá quý mang đậm tính biểu tượng trong văn hóa Trung Hoa.
Hình tượng Càn Long trong phim truyền hình Trung Quốc. Ảnh: SCMP.
Từ các lễ vật hoàng gia đến những món đồ thường nhật, loại đá quý này luôn giữ vai trò trung tâm trong đời sống Càn Long và rộng hơn là triều đình hoàng gia.
Niềm đam mê ngọc bích của Càn Long
Khi Càn Long lên ngôi vào năm 1735, ông thừa hưởng một triều đại đang ở đỉnh cao quyền lực và thịnh vượng. Niềm đam mê nghệ thuật của ông, kết hợp với ngọc bích – biểu tượng của lễ nghi và phẩm giá trong văn hóa Trung Hoa – đã giúp định hình phong cách hoàng gia thời kỳ này.
Càn Long không chỉ thu thập ngọc bích ở trong và ngoài nước, mà còn dựa vào đó để sáng tác thơ ca vinh danh những tác phẩm đặc biệt. Các bài thơ này thường được khắc trực tiếp lên hiện vật, biến mỗi món đồ chế tác từ ngọc bích trở thành tác phẩm nghệ thuật độc nhất.
Ngọc bích Hòa Điền: Tinh hoa từ dãy núi Côn Lôn
Vùng núi Côn Lôn ở Trung Quốc.
Theo China Daily, ngọc bích Hòa Điền, được khai thác từ khu vực Côn Lôn thuộc khu tự trị Tân Cương ngày nay, thực tế đã xuất hiện từ trước thời nhà Thanh và kéo dài qua nhiều triều đại lịch sử. Các di vật khảo cổ cho thấy ngọc bích khai thác từ vùng Tân Cương đã được vận chuyển tới miền trung Trung Quốc từ thời nhà Hán và trở thành nguyên liệu quan trọng trong nghệ thuật chế tác.
Tuy nhiên, đây là loại đá quý được Càn Long yêu thích nhất và được có vị thế hết sức đặc biệt trong triều Thanh.
Kể từ năm 1761, ngọc bích Hòa Điền trở thành lễ vật được các địa phương gửi về kinh thành mỗi năm vào mùa xuân và mùa thu, góp phần tạo nên "thời kỳ hoàng kim" trong văn hóa ngọc bích của Trung Quốc.
Hoàng Anh, người phụ trách triển lãm tại Tử Cấm Thành, Bắc Kinh (Trung Quốc) chia sẻ: “Ngọc bích Hòa Điền là trụ cột trong văn hóa ngọc bích Trung Hoa. Các nghệ nhân triều Thanh đã biến ngọc bích thành những tác phẩm vừa trang nhã vừa đầy tính nghệ thuật”.
Biểu tượng của giới trí thức
Chiếc bình chế tác từ ngọc bích là bản sao của cổ vật có nguồn gốc thời nhà Hán. Ảnh: China Daily
Dưới thời Càn Long, ngọc bích không chỉ là biểu tượng của sự giàu có mà còn phản ánh lối sống tao nhã của giới trí thức. Các dụng cụ văn phòng làm từ ngọc bích, như giá đỡ bút hay bình mực, được chạm khắc tinh xảo với hình ảnh truyền thống và thơ ca cổ điển.
Một tác phẩm nổi bật là giá đỡ bút khắc biểu tượng của các nhà thơ nổi tiếng thời Đường như Lý Bạch. Càn Long còn khắc thơ của mình lên tác phẩm này vào năm 1795 – thời điểm ông nhường ngôi để tập trung vào nghiên cứu học thuật.
Càn Long yêu thích ngọc bích đến mức từng ra lệnh chế tác hàng loạt bản sao cổ vật bằng loại đá quý này. “Việc sản xuất các bản sao mô phỏng bằng ngọc bích cổ vật cho thấy sự ngưỡng mộ của Càn Long với quá khứ. Điều này cũng phản ánh khát vọng vươn tới sự hoàn thiện đạo đức và nghệ thuật”, Hoàng Anh cho biết.
Những con dấu được làm từ ngọc bích. Ảnh: China Daily.
Ngọc bích Hòa Điền không chỉ xuất hiện trong các lễ vật mà còn được sử dụng rộng rãi trong đời sống hoàng gia, từ đồ dùng hàng ngày như bát đĩa, quân cờ đến chai đựng nước hoa. Năm 1780, vào dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của Càn Long, nghệ thuật chế tác ngọc bích đạt tới đỉnh cao.
Du Haijiang, phó giám đốc Bảo tàng Cố Cung ở Tử Cấm Thành, nhận định: “Ngọc bích Hòa Điền không chỉ đại diện cho sự gắn kết văn hóa dân tộc mà còn là minh chứng cho bản sắc quốc gia của Trung Quốc”.
Thu thập ngọc bích từ nước ngoài
Bên cạnh ngọc bích Hòa Điền, Càn Long còn yêu thích các tác phẩm ngọc bích ngoại nhập. Năm 1768, ông nhận được một cặp đĩa ngọc từ vùng Hindustan (Ấn Độ ngày nay) và ngay lập tức viết một bài thơ bày tỏ biểu cảm. Vì quá ưng cặp đĩa ngọc này, Càn Long đặt mua thêm nhiều hiện vật bằng ngọc bích tương tự từ Trung Á, Đế quốc Ottoman và thậm chí cả Đông Âu.
Xu Lin, chuyên gia nghiên cứu tại Bảo tàng Cố Cung, đề cập việc người Ấn Độ từng nhập khẩu ngọc Bích Hòa Điền để chế tác. “Các phân tích vật liệu cho thấy hầu hết ngọc bích Hindustan trong bộ sưu tập của Càn Long được chế tác từ ngọc bích khai thác ở Tân Cương. Điều này chứng tỏ ngọc bích Hòa Điền là cầu nối giao lưu văn hóa giữa Trung Quốc và thế giới”, Xu nói.
Triển lãm ngọc bích đã mở cửa từ ngày 7/1/2025 tại Tử Cấm Thành và sẽ kéo dài trong một năm. Triển lãm trưng bày hơn 200 hiện vật quý giá từ thời Càn Long, mang đến cái nhìn toàn diện về sự phát triển của văn hóa ngọc bích trong triều đại nhà Thanh. Những món đồ này không chỉ thể hiện kỹ thuật chế tác tinh xảo mà còn lưu giữ tinh thần kết nối và hội nhập văn hóa qua hàng nghìn năm lịch sử, theo China Daily.
Chiếc bình có niên đại từ thế kỷ 18 chỉ cao 25cm, nhưng đã khiến các nhà sưu tập giàu có tranh giành quyền sở hữu.
Nguồn: [Link nguồn]
-02/02/2025 06:50 AM (GMT+7)