Tiết lộ chiến thuật binh sĩ TQ sử dụng khi chặn sông, đụng độ với quân Ấn Độ
Quân đội Trung Quốc đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho vụ đụng độ đêm 15.6 khi cho binh sĩ dựng trại, chặn sông và mang theo vũ khí tự chế, truyền thông Ấn Độ đưa tin.
Binh sĩ Trung Quốc huấn luyện võ thuật (ảnh: Hoàn cầu)
Vụ đụng độ xảy ra vào đêm 15.6 ở thung lũng Galwan khiến ít nhất 20 quân nhân Ấn Độ thiệt mạng và 76 người khác bị thương. Mười binh sĩ Ấn Độ bị quân đội Trung Quốc bắt giữ trong vụ đụng độ cũng được thả về.
Trung Quốc tuyên bố, hiện tại họ không còn giữ bất kỳ binh sĩ Ấn Độ nào.
Trung Quốc cho rằng binh sĩ Ấn Độ “khiêu khích và tấn công trước” nên “không chịu trách nhiệm” về vụ đụng độ.
Hình ảnh vệ tinh ở thung lũng Galwan cho thấy quân đội Trung Quốc đã gia tăng hoạt động vào thời điểm trước khi xảy ra đụng độ, bao gồm việc xây đập nước chặn một con sông và điều động nhiều binh sĩ, máy móc.
Trước đó, Trung Quốc và Ấn Độ đã đạt được thỏa thuận quân sự và đồng ý cùng rút lui 2 km tính từ Đường kiểm soát thực tế (LAC) ở thung lũng Galwan, khu vực hồ Pangong.
Tuy nhiên, theo phía Ấn Độ, quân đội Trung Quốc không hề rút lui mà cho dựng lán trại ở khu vực được gọi là Điểm Tuần tra số 14. Trung đoàn Bihar 16 của Ấn Độ do đại tá Santosh Babu muốn phá hủy lán trại trong nỗ lực đẩy lùi quân đội Trung Quốc
Theo hãng tin The Hindu, khi Babu và nhóm binh sĩ của ông tiếp cận lán trại của quân đội Trung Quốc để phá dỡ, họ đã lọt vào ổ phục kích của đối phương.
Quân đội Trung Quốc đã phá đập nước xây trước đó, khiến dòng nước tràn xuống gây rối loạn đội hình binh sĩ Ấn Độ. Quân đội Trung Quốc cũng chiếm cứ các cao điểm và ném đá xuống, khiến nhiều binh sĩ Ấn Độ rơi xuống sông.
Xe quân sự Ấn Độ di chuyển ở khu vực biên giới (ảnh: India Today)
Hãng tin India Today cho rằng, các binh sĩ Trung Quốc đều được trang bị đồ bảo hộ và vũ khí như gậy gắn đinh, quấn dây thép gai, trong khi nhóm của đại tá Babu chiến đấu bằng tay không. Di chuyển của binh sĩ Ấn Độ cũng bị đối phương theo dõi trước bằng máy bay không người lái.
Sau khi nhóm của đại tá Babu bị áp đảo, quân tiếp viện Ấn Độ kéo đến thêm 600 người nữa. Hai bên chiến đấu từ 3 – 4 tiếng đồng hồ trong bóng đêm và giá rét.
Do địa hình hiểm trở, phải tới sáng hôm sau quân đội Ấn Độ mới tìm thấy thi thể của nhiều binh sĩ tử nạn. Nhiều người đã không thể qua khỏi vì bị thương nặng, mất máu trong điều kiện khí hậu lạnh lẽo, khắc nghiệt.
Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cho rằng, binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng là do quá lạnh chứ không phải bị đánh.
Một số thông tin cho rằng, binh sĩ Ấn Độ không được trang bị súng. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Độ Subrahmanyam Jaishanka khẳng định, binh sĩ Ấn Độ có mang súng nhưng quyết không dùng.
“Hãy để tôi nói sự thật. Tất cả binh sĩ Ấn Độ làm nhiệm vụ ở biên giới luôn mang theo súng, đặc biệt là khi rời đồn. Những người tham gia vụ đụng độ ở Galwan cũng vậy”, ông Subrahmanyam Jaishanka phát biểu.
Quân đội Ấn Độ xác nhận, hầu hết binh sĩ đụng độ với quân đội Trung Quốc đêm 15.6 có mang súng và đạn dược, nhưng đã không sử dụng dù tính mạng đang bị đe dọa.
Một người dân Ấn Độ trong biểu tình phản đối Trung Quốc sau vụ đụng độ (ảnh: CNN)
Theo Indian Express, binh sĩ Ấn Độ ở biên giới mang súng nhưng đều hướng nòng xuống đất để thể hiện thiện chí không muốn gây hấn và tránh bị đối phương hiểu lầm.
Một thỏa thuận song phương Trung - Ấn năm 1996 quy định, không bên nào được sử dụng súng, hóa chất nguy hiểm hay săn bắn bằng súng, chất nổ trong phạm vi 2 km tính từ Đường kiểm soát biên giới thực tế (LAC).
Truyền thông Ấn Độ dẫn nguồn quân sự cho biết, việc nổ súng ở biên giới là cấm kỵ đối với binh sĩ nước này. Tuy nhiên, trong tình huống nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến tính mạng bản thân và động đội, binh sĩ Ấn Độ có thể dùng súng.
Nguyên nhân của việc những quân nhân Ấn Độ quyết không dùng súng khi đụng độ với binh sĩ Trung Quốc chỉ có thể giải thích rằng họ thực sự không muốn làm phức tạp thêm tình hình, cho dù có phải đối mặt với cái chết.
Thung lũng Galwan thuộc khu vực Ladakh là nơi vụ đụng độ giữa quân đội Trung - Ấn đêm 15.6 nổ ra. Vùng đất này có khí...
Nguồn: [Link nguồn]