Thông tin đáng chú ý về CEO Telegram sau khi ra nước ngoài sống

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc
Nữ miền Bắc

Nhà sáng lập kiêm CEO Telegram, Pavel Durov từng hơn 60 lần trở lại Nga kể từ khi chuyển ra nước ngoài sinh sống vào năm 2014, một tổ chức dẫn đầu phong trào phản đối sử dụng Telegram ở Ukraine, hôm 27/8 cho biết.

Nhà sáng lập kiêm CEO Telegram, Pavel Durov. Ảnh: AOP.Press/Corbis.

Nhà sáng lập kiêm CEO Telegram, Pavel Durov. Ảnh: AOP.Press/Corbis.

CEO Telegram Pavel Durov bị nhà chức trách Pháp bắt giữ vào cuối tuần trước đã gây chấn động. Durov sinh ra ở Nga, lấy quốc tịch Pháp năm 2021 và chủ yếu sống ở Dubai.

Đầu tuần này, nhà chức trách Pháp công bố 12 cáo buộc hình sự nhằm vào Durov, bao gồm các tội liên quan đến buôn bán ma túy, rửa tiền và che giấu thông tin quan trọng.

Durov sở hữu khối tài sản khoảng 15,5 tỷ USD, rời Nga vào năm 2014 sau khi từ chối yêu cầu của nhà chức trách đối với hoạt động của mạng xã hội VK (còn gọi là Facebook Nga). Durov được phép rời Nga sau khi đồng ý bán mạng xã hội VK.

Theo tờ Kyiv Independent, Kremlingram, tổ chức dẫn đầu phong trào phản đối sử dụng Telegram ở Ukraine, công bố dữ liệu cho thấy Durov hơn 60 lần quay về Nga trong giai đoạn từ năm 2015 - 2021.

"Các dữ liệu mà chúng tôi thu thập cho thấy thông tin Durov bị trục xuất hay sống lưu vong ở nước ngoài là không chính xác", tổ chức trên cho biết.

Tổ chức nhấn mạnh đây là dữ liệu của Cơ quan An ninh Nga (FSB). "Theo dữ liệu, Durov đã 125 lần nhập cảnh và xuất cảnh ở Nga trong giai đoạn từ năm 2015 - 2021", tổ chức cho biết.

"Durov có mối quan hệ rất tốt với chính quyền Nga. Tỷ phú này không hề lo ngại khả năng bị Nga bắt giữ", tổ chức nhấn mạnh.

Theo truyền thông Nga, vấn đề pháp lý giữa Nga và Durov bắt đầu từ năm 2017, khi FSB yêu cầu Telegram cung cấp cách giải mã nội dung trên nền tảng truy bắt tội phạm. Durov đã từ chối yêu cầu này. Tháng 11/2017, Telegram bị phạt 800.000 rúp vì không cung cấp dữ liệu theo yêu cầu của FSB.

Từ năm 2018 đến năm 2020, nhà chức trách Nga có động thái hạn chế truy cập Telegram ở Nga. Đến tháng 6/2020, Nga dỡ bỏ các biện pháp hạn chế với Telegram sau khi đánh giá "Durov sẵn sàng hỗ trợ nhà chức trách trong các vấn đề chống khủng bố".

Đầu năm nay, cơ quan giám sát truyền thông Nga Roskomnadzor cho biết, Telegram đã xóa hơn 256.000 bài đăng vi phạm quy định pháp luật theo yêu cầu của cơ quan kể từ năm 2021. Đây là cơ sở để Telegram hoạt động bình thường ở Nga, Roskomnadzor cho biết.

Dữ liệu xuất nhập cảnh của Durov trùng hợp với giai đoạn Telegram vướng phải rắc rối pháp lý ở Nga. Không rõ những năm gần đây CEO Telegram có lần nào quay về Nga hay không.

Telegram hiện là mạng xã hội phổ biến nhất ở Nga và Ukraine, được các quan chức và quân đội hai nước sử dụng rộng rãi. Theo khảo sát năm 2023, 44% người Ukraine được hỏi nói có sử dụng Telegram để đọc tin tức và nhắn tin.

"Nhiều người nói đùa việc Pháp bắt giữ Pavel Durov tương đương bắt người đứng đầu cơ quan liên lạc của Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga. Nhiều hoạt động của quân đội Nga ngày nay có liên hệ mật thiết với Telegram", Alexey Rogozin, cố vấn Ủy ban Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) về Chính sách kinh tế, Công nghiệp và Phát triển đổi mới, cho biết.

Nguồn: [Link nguồn]

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cùng loạt quan chức Nga lên án việc Pháp bắt ông Pavel Durov - người sáng lập kiêm giám đốc điều hành (CEO) Telegram.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nhật Minh - Kyiv Independent ([Tên nguồn])
Pháp bắt CEO Telegram Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN