Bất ngờ vụ chiến hạm Italia dùng cách mạo hiểm để bắn hạ UAV của Houthi ở Biển Đỏ
Hải quân Italia là lực lượng mới nhất bắn hạ một máy bay không người lái (UAV) của lực lượng Houthi ở Biển Đỏ và phương thức thực hiện vụ bắn hạ này đang gây chú ý.
Tàu khu trục Caio Duilio của hải quân Italia.
Theo trang mạng The Drive, tàu khu trục Caio Duilio, lớp Andrea Doriahôm 2/3 đã bắn một UAV của lực lượng Houthi ở Biển Đỏ. UAV bị bắn hạ ở khoảng cách khoảng 6km. Đây là lần đầu tiên một tàu chiến Italia ngăn chặn mục tiêu trên không trong chiến đấu kể từ Thế chiến 2.
Điều đáng chú ý là chiến hạm Italia đã chủ động để UAV của Houthi bay đến gần mới khai hỏa bằng pháo, tránh sử dụng tên lửa phòng không vốn có giá hàng triệu USD.
Bộ Quốc phòng Italia nói chiến hạm Caio Duilio hành động để tự vệ sau khi phát hiện UAV Houthi bay về phía con tàu. Theo truyền thông Italia, tàu Caio Duilio đã bắn 7 hoặc 8 phát đạn từ một trong 3 khẩu pháo OTO Melara Strales cỡ 76mm. Đây là pháo lưỡng dụng vừa có khả năng tấn công mục tiêu trên mặt đất hoặc trên biển, vừa có thể bắn hạ mục tiêu trên không.
Video minh họa cách hệ thống pháo OTO Melara Strales hoạt động.
Trong trường hợp cần ngăn chặn tên lửa hay UAV đối phương, chiến hạm Italia sử dụng đạn pháo đặc biệt được dẫn đường bằng sóng radio giúp tăng độ chính xác.
Pháo OTO Melara Strales được trang bị trên tàu chiến Italia sử dụng đạn cỡ 76mm, nặng 6,3kg/viên. Tốc độ khai hỏa 120 phát/phút. Viên đạn sau khi bắn ra khỏi nòng pháo có đạt tốc độ 900 mét/giây, nghĩa là mất khoảng 6,4 giây để bắn tới mục tiêu cách 6km.
Loại đạn đặc biệt mang tên DART được trang bị cánh giúp thay đổi quỹ đạo ở mức nhất định để nhắm tới các mục tiêu cơ động như tên lửa hay UAV.
Ngoài pháo lưỡng dụng, chiến hạm Caio Duilio có vũ khí chính là 48 bệ phóng tên lửa phòng không, có thể bắn tên lửa tầm ngắn Aster 15 hoặc tên lửa tầm trung Aster 30. Mỗi quả đạn tên lửa Aster 30 ước tính có giá khoảng 2 triệu USD.
Chiến hạm Anh nạp đạn tên lửa vào tháng trước tại căn cứ ở Gibraltar.
Ngoài vấn đề chi phí, đạn tên lửa mà mỗi tàu chiến có thể mang theo là có hạn. Tàu khu trục HMS Diamond của hải quân Anh từng phải quay về cảng ở Gibraltar để nạp thêm tên lửa sau khi bắn hạ 9 UAV của Houthi, theo The Drive.
Sử dụng pháo giúp tiết kiệm chi phí nhưng cũng đặt ra rủi ro. Nếu bắn trượt, UAV tự sát của đối phương có thể đâm vào chiến hạm gây thiệt hại nhất định.
Italia là một trong số các quốc châu Âu bên cạnh Đức, Hy Lạp và Pháp đã gửi tàu chiến tới Biển Đỏ làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh hàng hải. Ước tính một phần ba hàng hóa xuất khẩu của Italia đi qua kênh đào Suez ở Biển Đỏ.
Khinh hạm Hydra của hải quân Hy Lạp là chiến hạm mới nhất được châu Âu gửi đến Biển Đỏ. Con tàu đi qua kênh đào Suez để tới Biển Đỏ vào cuối tuần qua.
Nguồn: [Link nguồn]
Houthi (lực lượng kiểm soát miền Bắc Yemen) cảnh báo tàu Anh nếu tiếp tục di chuyển qua Biển Đỏ.