Tiến sĩ Mỹ đặt dấu hỏi về hiệu quả vắc xin Covid-19 do TQ sản xuất
Một trong nhiều loại vắc xin ngừa Covid-19 do Trung Quốc sản xuất đã được thử nghiệm trên 108 tình nguyện viên và kích hoạt phản ứng miễn dịch của họ. Tuy nhiên, tiến sĩ Peter Hotez – chuyên gia nghiên cứu về vắc xin hàng đầu tại Mỹ - đã bày tỏ nghi ngờ về hiệu quả của loại vắc xin nói trên.
Theo ông Peter Hotez, mặc dù kháng thể chống Covid-19 đã xuất hiện ở những người tham gia thử nghiệm nhưng vẫn còn quá sớm để chắc chắn rằng, vắc xin do Trung Quốc sản xuất thực sự có hiệu quả.
Mới đây, vắc xin ngừa Covid-19 do Trung Quốc sản xuất đã được tiêm thử nghiệm trên 108 tình nguyện viên từ 18 – 60 tuổi và cho kết quả khả quan.
Hầu hết những người được tiêm thử nghiệm vắc xin đều xuất hiện kháng thể chống Covid-19. Tuy nhiên, số lượng kháng thể chống virus được hình thành sau khi tiêm là tương đối thấp.
Một số tác dụng phụ khi tiêm vắc xin thử nghiệm cũng xuất hiện, chủ yếu là đau cơ và sốt. Những triệu chứng này giảm dần trong khoảng thời gian 28 ngày sau khi tiêm vắc xin và không có tác dụng phụ nào gây nguy hiểm tính mạng.
108 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vắc xin của Trung Quốc được chia thành 3 nhóm tương ứng với liều thấp, liều trung bình và liều cao.
Không người nào trong số tình nguyện viên bị nhiễm Covid-19 trước đó.
Chuyên gia Mỹ không đánh giá cao vắc xin ngừa Covid-19 do Trung Quốc sản xuất (ảnh: Daily Mail)
Mức độ xuất hiện kháng thể trung hòa (loại tế bào miễn dịch có thể liên kết với virus và chống lại sự lây nhiễm) là một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất khi tiến hành thử nghiệm vắc xin.
Vào tuần thứ 2 sau khi được tiêm vắc xin ngừa Covid-19, những tình nguyện viên tham gia thử nghiệm đều có kháng thể trung hòa trong máu.
Mật độ kháng thể trung hòa trong máu đạt đỉnh ở ngày thứ 28 sau khi các tình nguyện viên được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 do Trung Quốc sản xuất.
Những người được tiêm vắc xin liều cao có lượng kháng thể trung hòa cao gấp đôi so với người được tiêm vắc xin liều thấp.
Theo tiến sĩ Peter Hotez – chuyên gia nghiên cứu vắc xin tại Đại học Y Baylor, Texas (Mỹ) – mức độ xuất hiện kháng thể trung hòa có khả năng chống lại Covid-19 ở những tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vắc xin tại Trung Quốc là không mấy ấn tượng.
“Điều chúng ta thấy rõ là mật độ kháng thể trung hòa có trong cơ thể người được tiêm thử nghiệm vắc xin ngừa Covid-19 tại Trung Quốc là chưa cao”, ông Peter Hotez nhận xét.
“Câu hỏi đặt ra là liệu loại vắc xin nói trên có đủ để kích hoạt phản ứng miễn dịch hay không”, ông Peter Hotez bày tỏ nghi ngờ.
Các nhà khoa học trên toàn thế giới vẫn đang chạy đua với thời gian để sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 (ảnh: Daily Mail)
Theo ông Peter Hotez, vắc xin ngừa Covid-19 giúp tăng mạnh sự xuất hiện của tế bào T (tế bào chống nhiễm trùng do vi khuẩn, virus, nấm gây ra) thay vì tăng số lượng của kháng thể trung hòa – loại tế bào miễn dịch có nhiều hiệu quả khi đối phó với Covid-19.
“Sẽ cần nhiều thời gian hơn để xác định xem liệu vắc xin do Trung Quốc sản xuất có thể ngăn ngừa được Covid-19 trên thực tế hay không”, ông Peter Hotez nhận xét.
Hơn 80% người tham gia thử nghiệm vắc xin ngừa Covid-19 do Trung Quốc sản xuất gặp phải tác dụng phụ. Tuy nhiên, các triệu chứng họ gặp phải là không đáng lo ngại.
“Điều này là khá tốt”, tiến sĩ Hotez nhận xét.
“Các thử nghiệm vắc xin Covid-19 tại Trung Quốc đang đi trước nhiều đối thủ khác trên thế giới, nhưng khoảng cách là không quá xa. Điều quyết định nhất vẫn là kết quả thử nghiệm vắc xin ở giai đoạn 3”, ông Peter Hotez nói thêm.
Chính phủ Mỹ hôm 22-5 thông báo sẽ bổ sung 33 công ty, tổ chức Trung Quốc vào danh sách đen kinh tế.
Nguồn: [Link nguồn]