Tiêm kích Su-27 của Nga và của Kiev cùng đọ sức trên chiến trường Ukraine
Cả Nga và Ukraine đều triển khai tiêm kích Su-27 tham gia các hoạt động tác chiến. Tuy nhiên, phiên bản của Ukraine không được nâng cấp và hiện đại hóa nhiều như phiên bản của Nga.
Theo trang tin Business Insider, cả Nga và Ukraine đều triển khai tiêm kích Su-27 tham gia các hoạt động tác chiến. Tuy nhiên, phiên bản Su-27 của Ukraine không được nâng cấp và hiện đại hóa nhiều như phiên bản Su-27 của Nga. Các phi công Ukraine phải dựa vào sự ứng biến và kỹ năng của họ để bắt kịp Su-27 của Nga.
Su-27 của Nga và Su-27 của Ukraine
Ukraine đang vận hành phiên bản Su-27 có từ sau khi Liên Xô tan rã năm 1991. Tiêm kích Su-27 của Ukraine vẫn có khả năng cơ động và nhanh nhẹn như Su-27 Nga, nhưng cảm biến, hệ thống điện tử hàng không và vũ khí trên Su-27 của Nga tốt hơn.
Tiêm kích Su-27 của Nga. Ảnh RAF
Người Nga hiện sử dụng tên lửa mới R-37M để lắp trên Su-27, hiện đại hơn tên lửa R-27 mà Ukraine sử dụng. Tên lửa R-37M có tầm bắn gấp 5 lần so với tầm bắn của R-27. Bên cạnh đó, R-37M còn có thể bay với tốc độ Mach 6 (7.350 km/giờ) và là một trong những tên lửa không đối không tốt nhất được triển khai hiện nay.
Su-27 của Ukraine đang chịu tổn thất lớn
Các tiêm kích Su-27 của Ukraine còn tụt hậu hơn so với Su-27 của Nga ở nhiều khía cạnh khác.
Theo trang Military Watch, Su-27 của Nga sử dụng tên lửa radar chủ động dẫn đường, hệ thống tác chiến điện tử, buồng lái màn hình hiển thị và có lẽ quan trọng nhất là hệ thống liên kết dữ liệu tác chiến… Tất cả điều đó đem lại cho Su-27 lợi thế cực kỳ lớn.
Phiên bản Su-27 của Ukraine được cho đã bị tên lửa đất đối không S-400 hay tiêm kích Su-35 của Nga bắn hạ. Theo giới chuyên gia, Su-27 của Ukraine đang bị tụt hậu hơn ba thập niên về mặt công nghệ. Những máy bay này cũng đòi hỏi mức độ bảo dưỡng cao để duy trì hoạt động trên không.
Thêm vào đó, Ukraine còn gặp khó khăn trong việc mua phụ tùng thay thế từ hãng Sukhoi kể từ năm 2009. Việc tìm kiếm phụ tùng thay thế càng khó khăn hơn trong bối cảnh xung đột hiện nay. Trước khi Nga phát động tấn công Ukraine hồi tháng 2, Ukraine chỉ có 19 tiêm kích Su-27 sẵn sàng hoạt động.
Tiêm kích Su-27 cất cánh từ một căn cứ không quân ở Ukraine năm 2018. Ảnh: US Air National Guard
Dù vậy, trả lời tạp chí Air and Space Magazine, ông Oleksandr Oksanchenko, Đại tá đã nghỉ hưu của Ukraine cho rằng Su-27 vẫn gây ấn tượng mạnh trên bầu trời.
“Chúng mạnh mẽ và tăng tốc tốt, đặc biệt là khi cất cánh” – ông Oksanchenko nhận định.
Su-27 (NATO đặt tên mã là Flanker) là máy bay chiến đấu hai động cơ, có khả năng cơ động cao cung cấp ưu thế trên không. Tiêm kích Su-27 do Cục thiết kế Sukhoi thiết kế và được tập đoàn Irkut sản xuất. Phiên bản xuất khẩu của loại chiến cơ này Su-27SK. Su-30M Flanker, Su-33 và Su-35 là các phiên bản tiên tiến của tiêm kích Su-27, theo trang Airforce Technology.
Yếu tố con người
Do các tiêm kích Su-27 của Ukraine kém hơn về công nghệ và trang bị nên chất lượng phi công đóng vai trò quan trọng trong chiến đấu. Lỗi của con người có thể dẫn tới thảm họa.
Tuy nhiên, các phi công tiêm kích Su-27 của Ukraine đã đạt được mục tiêu quan trọng nhất, đó là đảm bảo không phận Ukraine không bị Nga kiểm soát hoàn toàn. Người Nga có thể sở hữu máy bay phiên bản cải tiến hơn, song các phi công của Ukraine có sự can trường và quyết tâm.
Sự thành công của các phi công Ukraine là điều gây bất ngờ với nhiều nhà phân tích, những người trước nay tin rằng Nga sẽ nhanh chóng áp chế không quân Ukraine. Trong một số trường hợp, các phi công Ukraine đã tận dụng rất tốt các biện pháp đối phó như sử dụng pháo sáng và mồi nhử để đánh lừa tên lửa đối phương.
Phi công Ukraine vẫn còn gặp nhiều thách thức. Họ thường nhận được rất ít thông tin để chuẩn bị nhiệm vụ và phải nhảy lên máy bay với rất ít cảnh báo và không được nghỉ ngơi nhiều. Nhiều sân bay ở miền đông Ukraine đã bị phá hủy, vì thế máy bay phải cất cánh từ đường băng ngắn hơn ở miền tây Ukraine.
Ukraine có thể tiếp tục đối đầu với tiêm kích Su-27 trong bao lâu, điều này hiện rất khó đánh giá. Tiêm kích Su-27 của Ukraine sẽ đóng vai trò quan trọng vì đây vẫn được coi là một máy bay chất lượng dù không được nâng cấp nhiều như phiên bản của Nga.
Nguồn: [Link nguồn]
Lực lượng quân sự Nga thông báo đã bắn rơi máy bay chiến đấu Su-25 của Ukraine ở tỉnh Mykolaiv.