Tiêm kích MiG-29 Ukraine đã phóng được tên lửa chống radar do Mỹ sản xuất?
Quân đội Ukraine có thể đã đối phó hệ thống phòng không Nga bằng cách huy động các tiêm kích MiG-29 phóng tên lửa chuyên tìm diệt radar do Mỹ sản xuất.
Tiêm kích MiG-29 của không quân Ukraine.
Theo tạp chí Forbes, đây là diễn biến gây bất ngờ vì tên lửa AGM-88 HARM chưa từng được sử dụng trên bất cứ mẫu chiến đấu cơ nào khác ngoài chiến đấu cơ của Mỹ và NATO.
Bằng một cách nào đó, các kỹ sư Ukraine và Mỹ có thể đã tích hợp thành công mẫu tên lửa nặng 360kg do hãng Raytheon của Mỹ sản xuất vào các chiến đấu cơ Ukraine có nguồn gốc từ thời Liên Xô.
Bằng chứng về việc quân đội Ukraine đã tấn công các hệ thống phòng không Nga bằng tên lửa AGM-88 HARM xuất hiện từ cuối tuần trước, với nhiều mảnh vỡ tên lửa xuất hiện rải rác trên chiến trường. Một số mảnh vỡ có in rõ các ký hiệu của tên lửa AGM-88, theo Forbes.
Theo Forbes, có khả năng chiến đấu cơ NATO phóng tên lửa AGM-88 trên bầu trời Ukraine, nhưng khả năng này là rất thấp vì rất dễ bị các lực lượng Nga nhận diện. Kể từ đầu cuộc xung đột, NATO luôn khẳng định không can thiệp trực tiếp vào xung đột ở Ukraine nhằm tránh leo thang căng thẳng.
Trong một tuyên bố vào tuần này, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Colin Kahl đã chấm dứt các đồn đoán, khi nói rằng "chúng tôi đã tích hợp một số tên lửa chống radar lên các chiến đấu cơ Ukraine, giúp đồng minh cải thiện các năng lực sẵn có trong việc tìm diệt radar và hệ thống phòng không Nga".
Ông Kahl cũng đưa ra gợi ý khi đề cập đến mẫu tiêm kích MiG-29. "Chúng tôi đã cung cấp các phụ tùng thay thế và hỗ trợ nhiều thứ khác để Ukraine tiếp tục sử dụng các tiêm kích MiG-29 trong khoảng thời gian dài", Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết.
Chiến đấu cơ F/A-18 của Mỹ phóng tên lửa AGM-88 phiên bản cải tiến.
MiG-29 là mẫu tiêm kích hai động cơ, một chỗ ngồi uy lực nhất trong biên chế không quân Ukraine hiện nay. Tính đến tháng 8/2022, không quân Ukraine vẫn còn khoảng 50 chiếc MiG-29 có thể sử dụng được.
Theo Forbes, chưa có bức ảnh nào chụp tiêm kích MiG-29 của Ukraine mang theo tên lửa AGM-88 do Mỹ sản xuất. Nhưng việc tích hợp là có thể.
Các chiến đấu cơ F-16 của Mỹ và NATO được tích hợp thêm thiết bị điều khiển hỏa lực HARM, trong đó có cảm biến có thể phát hiện chính xác vị trí tổ hợp phòng không của đối phương.
Hệ thống này chuyển dữ liệu cho tên lửa để tấn công mục tiêu từ khoảng cách khoảng 120km. Tên lửa thường mang theo đầu đạn phân mảnh nặng 90kg.
Việc tích hợp thiết bị HARM vào khung thân tiêm kích MiG-29 là điều không dễ dàng, vì còn liên quan nhiều hệ thống khác của máy bay.
Nhưng có một cách đơn giản hơn, đó là tận dụng cảm biến HARM trên chính các tên lửa AGM-88, trong đó tên lửa chủ động tìm kiếm mục tiêu, theo Forbes.
Phương pháp này có độ chính xác kém hơn khi lựa chọn mục tiêu, nhưng không cần tích hợp phức tạp. Các tiêm kích MiG-29 của Ukraine chỉ cần phóng được tên lửa AGM-88 và có hiển thị tên lửa trên màn hình trong buồng lái là được, báo Mỹ cho biết.
Forbes không loại trừ khả năng có kỹ sư Mỹ liên lạc từ xa để hỗ trợ kỹ sư Ukraine gắn tên lửa AGM-88 lên các tiêm kích MiG-29.
Cơ chế hoạt động cũng rất đơn giản. Cảm biến gắn trong tên lửa sẽ chủ động tìm kiếm mục tiêu, gửi tín hiệu về màn hình khoang lái để phi công bấm nút khai hỏa.
(PLO)- 26 nước phương Tây đã cam kết hỗ trợ Ukraine hơn 1,5 tỉ euro (1,55 tỉ USD), bao gồm tiền mặt, trang thiết bị và các hoạt động huấn luyện để tăng cường khả năng quân...
Nguồn: [Link nguồn]