Tiêm kích MiG-29 mà Ba Lan và Slovakia gửi cho Ukraine có vô dụng như Nga nói?
Ukraine đã nhận 4 chiếc MiG-29 đầu tiên từ Slovakia. Dù thứ Kiev thật sự mong muốn là tiêm kích F-16, nhưng MiG-29 vẫn có những ý nghĩa nhất định về chính trị và quân sự cho nước này.
Đầu tháng này, Ba Lan và Slovakia đã cam kết viện trợ tiêm kích MiG-29 cho Ukraine, trở thành 2 thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đầu tiên gửi máy bay chiến đấu cho Kiev.
Ngày 23-3, 4 chiếc MiG-29 đầu tiên từ nước láng giềng Slovakia đã đến Ukraine. Nói về đợt chuyển giao các tiêm kích, Thủ tướng Slovakia - ông Eduard Heger cho biết nước này sẽ “đứng về lẽ phải của lịch sử” và nhấn mạnh “những lời hứa phải được giữ vững”.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngay cả khi các nước NATO đang vượt qua “lằn ranh đỏ” đối với máy bay chiến đấu, thì những chiếc tiêm kích MiG-29 vẫn không đáp ứng được nhu cầu của Ukraine. Kiev nhiều lần bày tỏ mong muốn được nhận tiêm kích F-16 từ phương Tây.
“MiG sẽ không giải quyết được các nhiệm vụ, chúng tôi cần tiêm kích F-16. Nhưng MiG thực sự sẽ giúp tăng cường khả năng của chúng tôi” - Phát ngôn viên Lực lượng không quân Ukraine - ông Yuriy Ignat nói khi cảm ơn sự hỗ trợ của tiêm kích MiG-29 Warsaw.
Tiêm kích MiG-29 của quân đội Slovakia. Video: QUÂN ĐỘI SLOVAKIA
Các chuyên gia nói với tờ Newsweek rằng mặc dù một số người đánh giá động thái của 2 nước Đông Âu đang làm leo thang xung đột tại Ukraine nhưng thực tế những chiếc MiG-29 không làm thay đổi cuộc chiến ở phương diện quân sự. Điều mà các tiêm kích mang đến cho Ukraine là lợi thế về mặt chính trị bởi vì nó có thể tạo nên “hiệu ứng domino” trong viện trợ quân sự.
Cựu Thiếu tướng Không quân Anh - ông Andrew Curtis nói: “Hành động này mang tính biểu tượng nhiều hơn là giúp Ukraine cải thiện khả năng chiến tranh trên không với Nga”.
Về phía Nga, Moscow nói rằng kế hoạch của Ba Lan và Slovakia gửi MiG-29 tới Ukraine giống như nỗ lực thanh lý các thiết bị lỗi thời mà 2 nước này không cần nữa. Câu hỏi đặt ra là phải chăng tiêm kích MiG-29 thực sự vô dụng trên chiến trường?
MiG-29 sẽ rất hữu ích cho Ukraine
Dù MiG-29 không phải là thứ Ukraine thực sự muốn, nhưng phương tiện này vẫn sẽ mang lại rất nhiều lợi ích ngắn hạn cho Kiev nếu được cung cấp với số lượng lớn.
Trước khi chính thức gửi các tiêm kích này, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã nhấn mạnh rằng MiG là “máy bay phản lực các phi công Ukraine có thể vận hành ngay lập tức mà không cần bất kỳ khóa đào tạo bổ sung nào”.
Các chuyên gia cho rằng đây là một trong những lợi thế thực sự của MiG-29.
Ông David Jordan, đồng Giám đốc của Viện Hàng không và Vũ trụ Freeman tại Đại học King's College London (Anh) nói với Newsweek rằng Kiev có “những phi công có kinh nghiệm vận hành loại máy bay này ngay lập tức” đặc biệt là trong bối cảnh nhạy cảm về thời gian đối với Ukraine.
Trợ lý giám đốc của nhóm nghiên cứu Quốc phòng và An ninh tại Trung tâm nghiên cứu RAND Corporation (Mỹ) - ông James Black nhận định: “Thời gian nhận máy bay đặc biệt cấp bách đối với Kiev vì lợi thế trên không sẽ giúp ích rất nhiều trong các cuộc tấn công dự kiến vào mùa xuân và mùa hè”.
Ông nói thêm rằng các máy bay này sẽ giúp tạo ra một “bước đột phá quân sự quyết định trong thời gian tới”.
Theo ông Black, việc cung cấp thêm máy bay MiG-29 “chắc chắn có lợi” vì nó làm tăng độ hiện diện trên không và giúp giảm bớt áp lực bảo trì cho quân đội Ukraine.
Nhà nghiên cứu cấp cao về không quân và công nghệ Justin Bronk của viện nghiên cứu Royal United Services Institute (Anh) nhận xét: “Về cơ bản, các máy bay này sẽ rất hữu ích trong việc kéo dài khả năng chiến đấu cho lực lượng Ukraine”.
Ông cho biết MiG-29 sẽ giúp hỗ trợ các máy bay tuần tra phòng thủ, đánh chặn tên lửa và máy bay không người lái, cũng như tấn công vào các mục tiêu của Nga.
Ngoài ra, các chuyên gia cho biết MiG-29 dễ sử dụng và bảo trì hơn so với máy bay chiến đấu F-16. MiG-29 cũng là loại máy bay phản lực chắc chắn hơn, sở hữu thiết bị hạ cánh rắn chắc, phù hợp hơn với các đường băng gồ ghề ở Ukraine.
Cựu sĩ quan quân đội Anh Frank Ledwidge kết luận rằng chiếc MiG-29 cũ kỹ này là “thứ phù hợp với Ukraine hiện tại, đơn giản là vì phi hành đoàn và nhân viên mặt đất của Ukraine có thể làm việc và sử dụng chúng ngay bây giờ”.
Lợi thế của MiG-29 so với F-16
Máy bay chiến đấu F-16 (trái) và MiG-29. Ảnh: NEWSWEEK
Ưu thế của MiG-29 cũng chính là nhược điểm của F-16 khi triển khai ở Ukraine.
Theo các chuyên gia, F-16 đến Ukraine sẽ tạo nên sự phức tạp cho phi công Ukraine trong việc vận hành và đặt ra thách thức về điều kiện môi trường để F-16 có thể hoạt động tốt.
Tiêm kích F-16 sẽ phải vật lộn với tình trạng thiếu đường băng phù hợp ở Ukraine dẫn tới tình trạng hao mòn và các tai nạn tiềm ẩn. Ngoài ra, F-16 cần được triển khai từ các sân bay lớn hơn nên dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa của Nga.
F-16 cũng không quen thuộc với binh sĩ Ukraine. Quân đội Kiev, không chỉ riêng phi công, sẽ cần trải qua quá trình huấn luyện để sử dụng được dòng tiêm kích này. Bên cạnh đó, các vấn đề về chuỗi cung ứng, bảo trì và cơ sở hạ tầng,... đều cần có thời gian để giải quyết.
Dù vậy, F-16 vẫn là vượt trội hơn MiG-29 ở nhiều mặt. F-16 được trang bị hệ thống điện tử hàng không tiên tiến hơn, cảnh báo các tình huống cho phi công và phù hợp mang theo các hệ thống vũ khí do NATO cung cấp.
Sau cùng, các chuyên gia kết luận rằng việc cung cấp cho Ukraine máy bay chiến đấu tiên tiến của NATO không có nghĩa là Kiev có thể tận dụng sức mạnh không quân theo cách mà các nước phương Tây đã làm.
Dù F-16 sẽ là một “bản nâng cấp đáng kể” so với MiG-29, nhưng quân đội Ukraine không thể khai thác toàn bộ tiềm năng của F-16 như cách họ làm với MiG-29 mà cần thời gian dài và “sự trợ giúp đáng kể từ bên ngoài”.
Nguồn: [Link nguồn]
Video quay cảnh một sân bay quân sự Ukraine với các máy bay bị hư hại sau đợt không kích của Nga.