Tiêm kích Mãnh Long của Trung Quốc mạnh cỡ nào?
Mặc dù truyền thông trong nước nhiều lần ca ngợi J-20, nhưng năng lực thực sự của chiếc tiêm kích tàng hình “thế hệ 5” của Trung Quốc vẫn bị đặt dấu hỏi.
Được mệnh danh là Mãnh Long (rồng dũng mãnh), J-20 này là sản phẩm của chương trình chế tạo tiêm kích J-XX khởi động từ những năm 1990. J-20 bay lần đầu tiên vào tháng 1/2011 và gia nhập Không quân Trung Quốc từ năm 2017. Khoảng 230 chiếc đã được chế tạo và gần 150 chiếc đã được biên chế trong bốn trung đoàn không quân.
Nhà phân tích quân sự người Mỹ Peter Suciu cho rằng Trung Quốc đang “thổi phồng” khả năng của J-20 ngay cả khi nước này gặp khó khăn trong việc phát triển một động cơ cho loại máy bay “có vẻ tiên tiến” này. Tháng 6/2023, một chiếc J-20 mới cất cánh với hai động cơ WS-15 do Trung Quốc phát triển. Sự kiện đó được coi là một cột mốc quan trọng, vì J-20 cuối cùng cũng có thể xứng đáng với biệt danh Mãnh Long. Trước đó, chương trình J-20 phải phụ thuộc động cơ AL-31F của Nga vốn được trang bị cho dòng tiêm kích Su-27 nhỏ và nhẹ hơn (Su-27 nặng 17,3 tấn trong khi J-20 nặng 23 tấn).
J-20 cho đến nay chưa thực sự tham chiến
J-20 là kết quả của chương trình J-XX nhằm phát triển một tiêm kích chiếm ưu thế trên không với khả năng tấn công chính xác. Kết quả là chiếc tiêm kích "thế hệ 5" thứ ba trên thế giới ra đời, sau F-22 Raptor và F-35 Lightning II của Không quân Mỹ. J-20 có cánh mũi tam giác, thân máy bay tích hợp giúp giảm mức độ phản xạ radar, hai đuôi đứng góc nghiêng lớn.
“Bắn hạ 17 tiêm kích Rafale”
Theo ông Suciu, có lẽ muốn chứng minh điều gì đó với thế giới, Trung Quốc đã sử dụng J-20 Mãnh Long trong một cuộc tập trận mô phỏng trên máy tính năm 2020 chống lại tiêm kích Rafale của Không quân Ấn Độ.
Rafale được hãng sản xuất Dassault (Pháp) mô tả là máy bay thế hệ 4,5 đa năng có thể thực hiện chiếm ưu thế trên không, truy cản, trinh sát đường không, hỗ trợ mặt đất, tấn công thọc sâu, chống hạm và các nhiệm vụ răn đe hạt nhân. “Vậy mà kết quả không chiến mô phỏng cho thấy 17 tiêm kích Rafale bị J-20 bắn hạ”, ông Suciu viết.
Theo bản tin của EA Times, một phi công Trung Quốc thuộc Binh đoàn Không quân Vương Hải thuộc Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Đông của Quân đội Trung Quốc (PLA) cùng với các đồng nghiệp tuyên bố bắn hạ 17 tiêm kích Rafale trong cuộc tập trận mô phỏng trên máy tính. Binh đoàn Không quân Vương Hải là lực lượng đầu tiên được trang bị Mãnh Long, và do đó là lực lượng có kinh nghiệm sử dụng tiêm kích thế hệ 5 của Trung Quốc nhiều nhất.
Những mô phỏng quân sự như vậy có thể tái tạo các điều kiện mà một phi công có thể trải qua trong chiến đấu thực tế. Tuy nhiên, các chuyên gia hàng không độc lập cho rằng mô phỏng dù có chính xác đến đâu cũng không bao giờ có thể so sánh với thực tiễn chiến đấu, là vấn đề sinh tử, “anh sống thì tôi chết”.
Một chuyên gia của Không quân Ấn Độ nói với EA Times với điều kiện giấu tên rằng Không quân Trung Quốc có thể đã thiết lập các mô phỏng theo hướng trang bị cho chiếc J-20 tất cả các điểm mạnh quan trọng, điều không thể thực hiện được trong chiến đấu thực sự.
J-20 đã được đưa vào biên chế, tuy nhiên điểm yếu lớn nhất chúng là chưa chứng tỏ được khả năng chiến đấu, trong khi Rafale đã hoạt động gần 1/4 thế kỷ, tham chiến ở Afghanistan, Libya, Mali. Đó có thể không phải là những cuộc chiến không đối không, nhưng Rafale đã trải qua thực chiến, trong khi Mãnh Long thì chưa.
Mãnh Long mạnh cỡ nào?
Mãnh Long được thiết kế với mục tiêu là tiêm kích chiếm ưu thế trên không có khả năng tấn công chính xác. Tuy nhiên, theo ông Suciu, các công nghệ trên J-20 không phải hoàn toàn mới. Trên thực tế, đây là một bước phát triển của chương trình J-XX của Bắc Kinh những năm 1990.
Hơn nữa, có ý kiến cho rằng sự phát triển của Mãnh Long chỉ có thể thực hiện được nhờ nỗ lực của tin tặc Trung Quốc nhằm đánh cắp các thông tin quan trọng liên quan đến tiêm kích tàng hình F-22 Raptor và sau đó là F-35 Lightning II của Mỹ. Hình dáng bên ngoài không phải là điểm tương đồng duy nhất giữa các tiêm kích thế hệ 5 này. “Trên thực tế, quá trình phát triển J-20 chỉ bắt đầu một cách nghiêm túc sau khi F-22 ra mắt”, ông Suciu nhận định.
Bất chấp mọi lời quảng cáo, khả năng của J-20 vẫn là ẩn số. Mãnh Long được cho là có khả năng đạt tốc độ tối đa gần Mach 2, gần gấp đôi vận tốc âm thanh (trên dưới 2.400km, tùy độ cao).
J-20 có trần bay trên 18.000 m và tầm hoạt động khoảng 1.120 km. Các thông tin quan trọng khác chưa được công bố. Người ta suy đoán rằng máy bay có thể mang ít nhất 4 tên lửa không đối không tầm xa trong khoang vũ khí lớn bên trong thân, có thêm hai khoang bên, mỗi khoang có thể chứa một tên lửa tầm ngắn. Có thông tin nói rằng J-20 có thể có các giá treo bên ngoài để lắp thêm 4 tên lửa.
Vượt trội “Ó chiến Hàn Quốc”?
Tháng 7/2022, sau khi Hàn Quốc chính thức thực hiện bay thử nghiệm tiêm kích KAI KF-21 Boramae (Ó chiến), một số chuyên gia hàng không Trung Quốc nhanh chóng cho rằng J-20 vượt trội rất nhiều. Mặc dù các quan chức Hàn Quốc thừa nhận rằng KF-21 không thể so sánh được với J-20, nhưng họ vẫn lưu ý rằng nếu tiêm kích Hàn Quốc được sản xuất hàng loạt, chúng có thể làm thay đổi cán cân sức mạnh trên không ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
“Tất nhiên, cũng có thể J-20 đã được thổi phồng khả năng đến mức nhiều người Trung Quốc giờ đây tin rằng Mãnh Long mạnh hơn nhiều so với thực tế. Trong khi đó, nước này chưa thể phát triển một động cơ đáng tin cậy và đủ khả năng cho J-20. Do đó, khả năng của Mãnh Long có thể chỉ ngang với tiêm kích thế hệ 4 trở lên”, ông Suciu nói. Tạp chí 1945 của Mỹ dẫn lời một nhà phân tích quân sự ở Bắc Kinh tin rằng động cơ XA100 của Mỹ trang bị cho tiêm kích tàng hình F-35 vẫn đi trước động cơ WS-15 ít nhất một thập kỷ.
Tướng không quân Ấn Độ Anil Chopra (đã nghỉ hưu) hiện là Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sức mạnh Không quân ở New Delhi, cho rằng rất có thể J-20 chỉ là máy bay thế hệ 4,5.
Theo cựu phi công Chopra, hệ thống điện tử hàng không trên J-20 được nói là có thể mang lại cho phi công nhận thức tình huống cao thông qua các cảm biến tiên tiến. Rất ít thông tin về radar máy bay được tiết lộ, nhưng các nhà phân tích tin rằng đây là một biến thể mảng pha quét điện tử chủ động KLJ-5 với 2.000 - 2.200 mô-đun truyền/nhận.
Radar, cùng với hệ thống nhắm mục tiêu quang điện/hồng ngoại và thiết bị thông tin liên lạc tiên tiến, có thể được liên kết dữ liệu với các nền tảng trên không khác. 6 cảm biến quang thụ động hình cầu được cho là tương tự như thiết bị điện tử hàng không trên tiêm kích F-35 của Mỹ.
J-20 có buồng lái kính hiện đại và được trang bị hệ thống hiển thị gắn trên mũ bay (HMD), tạo điều kiện cho việc bắn tên lửa ở góc lệch hướng lớn. Góc lệch hướng (off-boresight angle) là góc giữa hướng trỏ chính (boresight) của một thiết bị và hướng tới mục tiêu. Khoang vũ khí chính bên trong có thể chứa các tên lửa không đối không tầm xa như PL-12, PL-15 và PL-21 và các loại đạn dẫn đường chính xác.
Có thể bố trí so le 6 quả PL-15 với các bệ phóng ray đang được phát triển. Hai khoang vũ khí bên nhỏ hơn phía sau cửa hút gió dành cho tên lửa không đối không tầm ngắn (PL-10). Không có pháo bên trong máy bay. J-20 còn có các mấu cứng bên ngoài để chứa thùng nhiên liệu phụ nhằm mở rộng tầm hoạt động hoặc mang thêm vũ khí cho nhiệm vụ không cần khả năng tàng hình.
Chiếc tiêm kích Trung Quốc có ngoại hình khá giống F-22 của Mỹ
Không quân Trung Quốc đã biên chế một số J-20 trong cả 5 chiến khu và đến năm 2026, mỗi khu sẽ có ít nhất một đến hai lữ đoàn J-20. Trung Quốc gần đây tuyên bố rằng J-20 sẽ được sửa đổi để mang vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, theo tướng Chopra, Trung Quốc thường thổi phồng khả năng của vũ khí để đe dọa kẻ thù. “Trong khi đó, quân đội Mỹ thường sử dụng thông tin phóng đại này để thuyết phục quốc hội tăng ngân sách quốc phòng”, ông viết trên EA Times.
“Trung Quốc từ lâu đã mô tả J-20 là đối thủ cạnh tranh với các tiêm kích F-22 và F-35. Thực tế cơ bản là Trung Quốc đã gấp rút phát triển J-20 vì các thách thức an ninh, trong khi nhiều hệ thống của máy bay vẫn chưa hoàn thiện”, tướng Chopra nhận định.
Những dấu hỏi
Nhiều người đã đặt ra nghi ngờ về khả năng của Mãnh Long vì đường viền sắc cạnh và cánh phụ tam giác ở mũi có kích thước lớn sẽ ảnh hưởng đến khả năng tàng hình. J-20 là máy bay hạng nặng, điều này làm tăng phản hồi radar, ảnh hưởng đến khả năng tàng hình.
Giới quan sát ghi nhận Trung Quốc vấp phải nhiều vấn đề khi phát triển động cơ WS-15. Năm 2015, một động cơ WS-15 đã phát nổ, khiến việc kiểm soát chất lượng các cánh turbine đơn tinh thể bị đặt dấu hỏi. Các cánh turbine trong động cơ WS-15 không chịu được điều kiện nhiệt độ cao, không đảm bảo để J-20 thể hiện hết khả năng cơ động của máy bay.
Có những câu hỏi khác về việc liệu động cơ máy bay có tạo ra đủ lực đẩy siêu hành trình (bay vượt tốc độ âm thanh mà không cần chế độ đốt sau) hay không? Theo tướng Chopra, động cơ máy bay của Trung Quốc hầu hết được thiết kế nhái động cơ của Nga, khả năng triệt tiêu phản xạ radar và hồng ngoại kém. Chương trình phát triển WS-15 liên tục chậm tiến độ, độ tin cậy, tuổi thọ cũng như khả năng bảo trì của động cơ sẽ vẫn là vấn đề.
Hiệu suất của hệ thống radar mảng quét điện tử chủ động (sử dụng nhiều ăng-ten nhỏ được sắp xếp thành một mảng, mỗi ăng-ten được điều khiển riêng bằng máy tính) và tổ hợp tác chiến điện tử trên J-20 cũng đang bị đặt dấu hỏi. “Trung Quốc rõ ràng thua xa phương Tây về hệ thống điện tử hàng không. Câu hỏi J-20 có thực sự là tiêm kích thế hệ 5 hay không vẫn còn bỏ ngỏ”, tướng Chopra nhận định.
Cho đến nay, J-20 chưa được xuất khẩu. Chuyên gia Trung Quốc khẳng định nước này không có kế hoạch bán Mãnh Long. Nhưng ngay cả Pakistan, bạn hàng quân sự truyền thống của Trung Quốc, cũng không hứng thú với J-20 cỡ lớn mà nghiêng về loại tiêm kích J-31 nhỏ hơn hay tiêm kích “Kaan” của Thổ Nhĩ Kỳ.
Việc đào tạo phi công cho J-20 cũng là một vấn đề. Khả năng cọ xát của phi công J-20 thấp: họ chưa từng tập trận với bất kỳ lực lượng không quân nước ngoài nào. Dù tuyên bố đã biên chế 150 máy bay và lên kế hoạch trang bị thêm 400 chiếc vào năm 2027, Không quân Trung Quốc chỉ hạn chế hoạt động của J-20 trong các cuộc tập trận nội bộ.
Mặc dù Hoàn cầu thời báo nói J-20 tham gia nhiều cuộc tập trận, chiếc máy bay này thậm chí còn chưa được giới thiệu với Không quân Pakistan trong đợt tập trận chung Shaheen lần thứ 10, diễn ra hồi tháng 9/2023 tại Tửu Tuyền, tỉnh Cam Túc.
“Nó cho thấy sự thiếu tự tin về cả hiệu suất và khả năng bảo trì”, ông Chopra viết.
Bộ NGoại giao Mỹ gần đây đã phê duyệt thương vụ bán thiết bị quân sự trị giá 500 triệu USD cho Đài Loan (Trung Quốc), trong động thái nhằm giúp hòn...
Nguồn: [Link nguồn]