Tiêm kích F-16 chưa thể sớm xuất hiện tại Ukraine
Dù Mỹ và các đồng minh châu Âu bắt đầu tìm kiếm các đối tác có thể cung cấp tiêm kích F-16 cho Ukraine, vẫn có lý do khiến Kiev phải chờ đợi lâu trước khi có thể triển khai F-16 trên chiến trường.
Chưa kể thời gian chờ đợi tiêm kích F-16 được chuyển giao, việc đào tạo phi công Ukraine cũng cần nhiều thời gian. Ảnh minh họa: U.S. Air Force
Bloomberg ngày 25/5 đưa tin, các quốc gia cam kết hỗ trợ Ukraine đang ưu tiên đào tạo phi công tiêm kích F-16 cho Kiev, đồng thời sẽ phải cân nhắc chi phí cũng như mọi lỗ hổng an ninh có thể xảy ra trước khi quyết định có gửi tiêm kích này cho Ukraine hay không.
Cho tới nay, 4 quốc gia Anh, Đan Mạch, Hà Lan và Bỉ đã cam kết tham gia một liên minh giúp Kiev đào tạo phi công tiêm kích F-16. Tuy nhiên, chỉ Đan Mạch và Hà Lan mới có khả năng gửi tiêm kích F-16 cho Ukraine.
Anh không có tiêm kích F-16 trong biên chế quân đội. Trong khi đó, Bỉ cho biết, nhiều trong số 53 tiêm kích F-16 của nước này sắp hết tuổi thọ. Những chiếc còn lại cần cho các nhiệm vụ quốc gia và quốc tế.
"Trong tương lai gần, chúng tôi có thể cân nhắc khả năng chuyển giao tiêm kích F-16 cho Ukraine", một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hà Lan cho biết nhưng nhấn mạnh, đây không phải chuyện "một sớm một chiều". Phát ngôn viên này cho biết thêm, ưu tiên hàng đầu là lập kế hoạch chi tiết để đào tạo phi công. Kế hoạch này sẽ được hoàn thiện trong những tuần tới.
Theo một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đan Mạch, việc nước này có gửi F-16 cho Ukraine hay không vẫn là một câu hỏi để ngỏ.
Một quan chức Anh cho biết, dù không có tiêm kích F-16 trong quân đội, London có thể mua tiêm kích này từ nước khác rồi chuyển tới cho Ukraine. Anh đang thảo luận về một loạt phương pháp với các nước khác để đưa F-16 tới Ukraine và sẵn sàng giúp đỡ Kiev mọi thứ từ hậu cần, đào tạo hay gây quỹ.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cuối tuần qua cho biết, Washington sẽ làm việc với các đồng minh trong vài tháng tới để xác định khi nào F-16 được chuyển giao cho Ukraine và quốc gia nào sẽ thực hiện. Theo Bloomberg, kịch bản khả thi nhất lúc này là Mỹ sẽ không gửi F-16 cho Kiev mà kêu gọi các nước khác làm điều này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây cũng tuyên bố Washington sẽ ủng hộ nỗ lực đào tạo phi công Ukraine điều khiển tiêm kích F-16 của các đồng minh châu Âu. Việc huấn luyện diễn ra ở châu Âu nhưng vẫn cần sự cho phép của Mỹ vì nước này là nhà sản xuất của tiêm kích F-16. Hiện tại, chưa có quốc gia nào chính thức cung cấp tiêm kích F-16 cho Ukraine.
Gần đây, một số quan chức quân đội cấp cao của Mỹ đã đưa ra cảnh báo với Ukraine rằng, F-16 không phải là vũ khí “thần kỳ” hay có thể “thay đổi cuộc chơi”, vì Nga cũng có nhiều máy bay tương tự hoặc hiện đại hơn. Ngoài ra, các hệ thống phòng không của Nga cũng có khả năng đối phó hiệu quả với F-16.
Nguồn: [Link nguồn]
Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall thừa nhận rằng cung cấp chiến đấu cơ Mỹ sản xuất cho Ukraine "không phải là giải pháp thay đổi cuộc chơi".