Tiếc thương người bạn lớn của Việt Nam
Những năm dưới thời Thủ tướng Abe Shinzo, quan hệ Việt Nam và Nhật Bản phát triển nhanh chóng với nhiều cột mốc đáng chú ý
Ngay sau khi thông tin cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo qua đời do bị ám sát ở TP Nara, phía Tây Nhật Bản ngày 8-7, được xác nhận, ông Đoàn Xuân Hưng - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản giai đoạn 2011-2015 - cho biết ông rất sốc và đau buồn.
Tình cảm đặc biệt
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng đồng thời bày tỏ sự căm phẫn đối với kẻ đã ám sát ông Abe.
Theo ông Hưng, cựu Thủ tướng Abe là một chính khách lớn, một Thủ tướng tại vị lâu nhất của Nhật Bản - chứng tỏ được sự ủng hộ lớn của dân chúng và giới chính trị nước này dành cho ông. Ông Abe là người có khát vọng lớn lao khôi phục sự phồn vinh, uy tín và vai trò của Nhật Bản và ông đã làm được nhiều việc cho đất nước.
Đại sứ nhấn mạnh cựu Thủ tướng Abe là người bạn lớn của Việt Nam. Từ nhiệm kỳ đầu tiên ông Abe làm Thủ tướng, năm 2006, hai nước đã khởi sự xây dựng quan hệ Đối tác chiến lược với việc nhất trí đưa ra Tuyên bố chung "Hướng tới xây dựng quan hệ Đối tác chiến lược" trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Sau này, vào tháng 3-2014, hơn một năm sau khi ông Abe tái đắc cử Thủ tướng, hai nước đã thiết lập khuôn khổ "Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á" khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản.
Cựu Thủ tướng Abe Shinzo trong chuyến thăm Việt Nam tháng 1-2017, với sự đón tiếp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi ấy Ảnh: REUTERS
Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản hiện ở trạng thái tốt đẹp nhất: Tin cậy, hợp tác sâu rộng, toàn diện và hiệu quả. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Đến nay, Nhật Bản là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, là nước tài trợ ODA lớn cho Việt Nam.
Theo Đại sứ Đoàn Xuân Hưng, ông Abe có quan hệ tốt và rất đặc biệt với tất cả các vị lãnh đạo Việt Nam kể từ năm 2006, nhất là từ năm 2012 đến nay. Đó là nền tảng vững chắc cho quan hệ hiện nay của hai nước.
"Người dân, lãnh đạo Việt Nam rất quý trọng ông và đặc biệt sốc về việc ông bị sát hại đê hèn như thế. Xin chia buồn sâu sắc với đất nước và nhân dân Nhật Bản, với gia quyến ngài cựu Thủ tướng đáng kính, với bà Akie Abe mà chúng tôi rất ngưỡng mộ vì có nhiều dịp gặp gỡ" - Đại sứ Đoàn Xuân Hưng bày tỏ.
Người ghi dấu son
Ông Abe Shinzo là thành viên Đảng Dân chủ Tự do (LDP) và là người đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản với 4 nhiệm kỳ: Nhiệm kỳ I từ tháng 9-2006 đến 9-2007, nhiệm kỳ II từ tháng 12-2012 đến 12-2014, nhiệm kỳ III từ tháng 12-2014 đến 11-2017 và bắt đầu nhiệm kỳ IV từ ngày 1-11-2017 cho đến khi ông từ chức vào tháng 8-2020 vì lý do sức khỏe.
Trong những năm dưới thời Thủ tướng Abe Shinzo, quan hệ Việt Nam và Nhật Bản phát triển nhanh chóng. Nhật Bản dưới thời ông Abe là nước G7 (Nhóm 7 nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới) đầu tiên mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng vào tháng 5-2016.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 42 năm của G7, Việt Nam được mời tham dự G7 mở rộng. Đó là sự công nhận đối với "vị thế nâng cao của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế", theo chia sẻ của Thủ tướng Abe khi ấy.
Trên cương vị Thủ tướng Nhật Bản, ông Abe Shinzo đã 2 lần thăm chính thức Việt Nam vào năm 2013 và 2017 và 2 lần đến Việt Nam tham dự Hội nghị APEC 2006, 2017.
Trong các chuyến thăm, ông Abe luôn khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội thông qua nguồn vốn ODA cũng như thúc đẩy hợp tác các dự án hạ tầng chất lượng cao, cam kết cung cấp tàu tuần tra đóng mới cho Việt Nam nhằm nâng cao năng lực chấp pháp trên biển… Ông Abe cũng là người đưa ra chính sách tăng cường tiếp nhận lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam.
Cựu Thủ tướng Abe đã từng tiếp đón nhiều lãnh đạo cấp cao của Việt Nam sang thăm Nhật Bản, trong đó có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc năm 2017…
Tháng 8-2020, khi ông Abe tuyên bố từ chức Thủ tướng Nhật Bản, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: "Việt Nam đánh giá cao những đóng góp quan trọng của ngài Thủ tướng Abe Shinzo đối với sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, thịnh vượng, hợp tác và phát triển ở khu vực và quốc tế".
Con nhà nòi chính trị Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo sinh ngày 21-9-1954, trong một gia đình chính trị nổi tiếng tại thủ đô Tokyo. Theo trang Bussiness Insider, ông ngoại của ông là cựu Thủ tướng Nobusuke Kishi, tại nhiệm những năm 1957-1960. Cha ông là cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Abe Shintaro (nhiệm kỳ 1982-1986). Bác của ông là Eisaku Sato - Thủ tướng tại vị lâu thứ 2 của Nhật Bản (1964-1972). Bản thân ông Abe là Thủ tướng trẻ nhất của Nhật Bản sau Thế chiến thứ 2 khi lên nắm quyền vào năm 2006. Trong 4 giai đoạn giữ chức Thủ tướng, ông Abe được cho là đã mang lại mức độ ổn định cho Nhật Bản sau một thời kỳ kinh tế bất ổn và thay đổi các nhà lãnh đạo liên tục. Sau khi từ chức Thủ tướng vào tháng 8-2020, ông Abe vẫn có nhiều ảnh hưởng trong Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền. Trong thời gian làm Thủ tướng, ông Abe được biết đến với các chính sách "Abenomics" - sự kết hợp giữa chính sách tiền tệ, kích thích tài khóa và cải cách cơ cấu - nhằm phục hồi nền kinh tế bị giảm phát cũng như chính sách thúc đẩy ngoại giao. Những người ủng hộ ông Abe Shinzo cho biết di sản mà ông để lại là mối quan hệ mạnh mẽ hơn giữa Mỹ và Nhật Bản nhằm củng cố khả năng phòng vệ của Tokyo. Tuy nhiên, một trong số động thái gây tranh cãi nhất của ông Abe là việc ông thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp Hòa bình của Nhật Bản. Anh Thư |
Nguồn: [Link nguồn]
Cảnh sát Nhật Bản đã thành lập nhóm đánh giá vấn đề bảo đảm an ninh trong sự kiện khiến cựu Thủ tướng Abe Shinzo bị ám sát, trong khi Thủ tướng đương nhiệm Fumio Kishida...