Tịch thu tài sản tài phiệt Nga: Khó khăn, phức tạp

Sự kiện: Tin tức Nga

Không dễ tịch thu căn hộ sang trọng, siêu du thuyền, máy bay riêng của các nhà tài phiệt Nga bị Mỹ và các đồng minh áp lệnh trừng phạt.

Ngoài yếu tố chính trị, việc tịch thu tài sản có thể phức tạp hơn nữa bởi thực tế là quyền sở hữu hầu hết tài sản của các nhà tài phiệt Nga đều được che chắn bởi các công ty bình phong.

Năm 2008, các công tố viên Mỹ khởi kiện chủ sở hữu một tòa nhà văn phòng 36 tầng ở khu trung tâm Manhattan, thành phố New York mà họ cáo buộc có liên hệ với Chính phủ Iran, vi phạm các lệnh trừng phạt kinh tế đối với nước này. Mãi cho đến gần một thập kỷ sau, vào năm 2017, bồi thẩm đoàn mới kết luận rằng Chính phủ Mỹ có thể tịch thu tòa nhà. Hai năm sau, hội đồng phúc thẩm tuyên bố rằng, phán quyết của tòa cấp dưới “có sai sót đáng lo ngại”.

Vụ việc minh họa quá trình phức tạp và kéo dài liên quan việc thực sự tịch thu tài sản trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi thu giữ những ngôi nhà sang trọng ở Mỹ thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt Nga có mối liên hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin để đối phó chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine. “Chúng tôi đang tham gia cùng với các đồng minh châu Âu của mình để tìm và thu giữ du thuyền, căn hộ sang trọng, máy bay phản lực riêng (của các nhà tài phiệt Nga bị áp lệnh trừng phạt),” Tổng thống Mỹ Joe Biden nói.

Du thuyền của ông trùm dầu khí và kim loại Nga Roman Abramovich neo đậu ở Montenegro. Ảnh: AP.

Du thuyền của ông trùm dầu khí và kim loại Nga Roman Abramovich neo đậu ở Montenegro. Ảnh: AP.

Phong tỏa dễ, tịch thu khó

Trong khi việc phong tỏa tài sản là một nhiệm vụ tương đối đơn giản, việc tịch thu tài sản lại khó khăn, phức tạp hơn nhiều. Theo một số chuyên gia về chủ đề này, nó đòi hỏi một quy trình pháp lý kéo dài, mất nhiều năm trong nhiều trường hợp.

Bất kỳ cá nhân nào bị Bộ Tài chính Mỹ xử phạt đều bị phong tỏa tài sản, không cần vi phạm pháp luật cụ thể. Bất động sản trong tình huống đó sẽ bị đóng băng, không thể bán được và chủ sở hữu sẽ cần giấy phép từ Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài - Bộ Tài chính để làm bất cứ điều gì từ việc sửa chữa đường ống tới nộp thuế bất động sản.

Tuy nhiên, để thu giữ một tài sản, chính phủ phải cho thấy nó có liên quan đến hành vi phạm tội, khiến quá trình tịch thu trở nên khó khăn hơn, các chuyên gia nói.

Ông Michael Parker, người đứng đầu bộ phận chống rửa tiền và thực hành trừng phạt của công ty Ferrari & Associates, cho biết: “Mong muốn tìm kiếm và tịch thu tài sản không vượt qua các biện pháp bảo vệ của Tu chính án thứ tư chống lại việc khám xét và thu giữ bất hợp lý… Việc Mỹ nói ai đó là mục tiêu, là người sở hữu tài sản này tài sản kia là không đủ để tạo cơ sở tịch thu theo luật pháp Mỹ”.

Ở Manhattan có nhiều bất động sản hạng sang thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt. Một biệt thự ở khu Upper East Side được Len Blavatnik - "trùm" năng lượng và kim loại sinh ra ở Ukraine, người làm giàu từ các giao dịch kinh doanh hàng thập kỷ ở Nga - mua vào năm 2018 với giá 90 triệu USD. “Ông Blavatnik là một công dân Mỹ đã được gần 40 năm; ông sinh ra ở Ukraine… Ông ấy không dính líu đến chính trị Nga hay chính phủ Nga”, công ty Access Industries của tỷ phú Blavatnik tuyên bố.

Tại bang Florida, tỷ phú phân bón Dmitry Rybolovlev đã trả 95 triệu USD vào năm 2008 để mua một dinh thự khu Palm Beach thuộc sở hữu của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Thương vụ này nhiều hơn 50 triệu USD so với số tiền ông Trump đã trả khi mua dinh thự vào năm 2004.

Tỷ phú phân bón Nga Dmitry Rybolovlev bỏ ra 95 triệu USD để mua một dinh thự khu Palm Beach, bang Florida, Mỹ năm 2008. Ảnh: CNN.

Tỷ phú phân bón Nga Dmitry Rybolovlev bỏ ra 95 triệu USD để mua một dinh thự khu Palm Beach, bang Florida, Mỹ năm 2008. Ảnh: CNN.

Công ty bình phong

Hầu hết, nếu không phải tất cả, các bất động sản này đều được mua thông qua các công ty trách nhiệm hữu hạn để bảo vệ danh tính chủ sở hữu. “Tài sản sẽ không đứng tên một nhà tài phiệt Nga, mà đứng tên một tập đoàn được thành lập ở Quần đảo Virgin thuộc Anh - nơi mà tính minh bạch của người sở hữu tài sản là hoàn toàn mờ mịt. Và những người thụ hưởng ủy thác sở hữu tài sản bao gồm con gái ba tuổi của cháu gái ông ta”, ông Stefan Cassella, cựu công tố viên liên bang Mỹ, chuyên gia về tịch thu tài sản và rửa tiền, nói. Ông Cassella lưu ý rằng, chính phủ cần phải chứng minh có hành vi phạm tội và mối liên hệ giữa tài sản và tội ác.

Trong trường hợp của tòa tháp văn phòng ở khu trung tâm Manhattan (số 650 Đại lộ số 5), một tòa án phán quyết vào năm 2013 rằng Mỹ có thể tịch thu tòa nhà. Tòa án phát hiện ra rằng Tập đoàn Assa (sở hữu 40% tòa nhà văn phòng), là bình phong cho Ngân hàng Melli Iran do nhà nước Iran kiểm soát. Tòa án cũng phát hiện ra rằng, Assa và Quỹ Alavi (sở hữu 60% tòa nhà), đã rửa tiền. Tuy nhiên, vào năm 2016, một tòa phúc thẩm ra phát quyết tạm dừng việc tịch thu tòa nhà, đưa một phần của vụ án trở lại xét xử.

Một vụ việc chống lại Phó tổng thống Guinea Xích đạo Teodoro Nguema Obiang Mangue, chỉ kết thúc sau cuộc dàn xếp năm 2014. Theo đó, ông Mangue từ bỏ tài sản trị giá 30 triệu USD mà các công tố viên Mỹ cáo buộc ông đã mua bằng tiền tham nhũng. Nhưng trước đó, một thẩm phán bác bỏ một phần yêu cầu của Bộ Tư pháp Mỹ, nói rằng họ thiếu bằng chứng về một dinh thự ở thành phố Malibu, bang California thuộc sở hữu của ông Mangue và các tài sản khác có được thông qua các khoản tiền bất chính.

Ông Cassella trích dẫn một số vụ việc liên quan tịch thu tài sản thuộc sở hữu của cựu Thủ tướng Ukraine Pavlo Lazarenko, Tướng Sani Abacha của Nigeria… kéo dài hơn chục năm.

“Vụ việc có thể kéo dài hàng thập kỷ nếu nó bị tranh chấp. Nếu chúng ta đang nói về du thuyền hoặc máy bay của một tỷ phú Nga, hoặc ba căn hộ mà ông ấy sở hữu trong Tháp Trump, thì gần như chắc chắn sẽ có tranh cãi vì bây giờ bạn đang nói về tiền thật và rất khó chứng minh”, ông Cassella nói.

Solaris, siêu du thuyền trị giá 600 triệu USD có liên hệ với nhà tài phiệt người Nga Roman Abramovich, mới đây cập cảng Bodrum của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters.

Solaris, siêu du thuyền trị giá 600 triệu USD có liên hệ với nhà tài phiệt người Nga Roman Abramovich, mới đây cập cảng Bodrum của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt vẫn có ý nghĩa. Khi các cá nhân bị đưa vào danh sách trừng phạt, bất kỳ tài sản nào kết nối với họ sẽ tự động bị phong tỏa.

Ông Dj Wolff, một đối tác của công ty Crowell & Moring chuyên về các biện pháp trừng phạt kinh tế, cho biết: “Tài sản của bạn vẫn bị đóng băng cho đến khi bạn nhận được giấy phép để gỡ phong tỏa, nhưng bạn sẽ không nhận được giấy phép đó đâu, hoặc khi tên bạn được loại khỏi danh sách trừng phạt, và điều này thường đòi hỏi phải thay đổi hành vi. Và vì vậy, mọi người ở trong danh sách này trong nhiều năm, cho đến khi có sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ”.

Nhưng quyền sở hữu ẩn đối với những tài sản này cũng có thể làm phức tạp thêm việc phong tỏa tài sản. “Nếu bạn kiểm soát tài sản, nhưng vợ bạn, con trai bạn hoặc bạn cùng tập Judo của bạn sở hữu nó, thì về mặt kỹ thuật, không thể trừng phạt họ”, ông Wolff nói. Lúc đó, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài sẽ xác định xem tài sản đó có thực sự được kết nối với một nhà tài phiệt cụ thể hay không.

Theo báo Mỹ New York Post, một số tỷ phú Nga đang cố gắng bán bớt bất động sản, như Alexey Kuzmichev gần đây niêm yết bán căn hộ ở khu Upper East Side với giá 41 triệu USD. “Nếu tôi có 20 tỷ USD và hộ chiếu Nga, tôi sẽ chuyển tất cả tài sản của mình ra khỏi mọi khu vực pháp lý này nhanh nhất có thể”, ông Wolff nói.

Quốc gia NATO chào đón các tài phiệt Nga bị phương Tây trừng phạt

Giới tài phiệt Nga đang tìm kiếm một nơi để né tránh các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia thành viên NATO, lập tức có những tín hiệu cho thấy...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái An (theo Politico, New York Post) ([Tên nguồn])
Tin tức Nga Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN