Tịch thu siêu du thuyền của tỷ phú Nga, Mỹ tốn "tiền tấn" mỗi năm
Mỹ muốn bán đấu giá siêu du thuyền của tỷ phú Nga vì chi phí bảo trí quá tốn kém.
Siêu du thuyền Amadea đang bị giới chức Mỹ tịch thu (ảnh: Reuters)
Hồi tháng 5/2022, giới chức Fiji (đảo quốc Thái Bình Dương) đã tịch thu siêu du thuyền Amadea của tỷ phú Nga Suleyman Kerimov (chủ nhân du thuyền do Mỹ xác định). Quyết định này thực hiện theo yêu cầu của Mỹ, Reuters hôm 13/2 đưa tin.
Du thuyền Amadea dài 106 mét, trị giá khoảng 300 triệu USD, theo Reuters.
Giới chức Mỹ muốn bán đấu giá du thuyền này, nhưng bị Eduard Khudainatov – cựu lãnh đạo công ty dầu khí Rosneft (Nga) phản đối. Khudainatov tuyên bố du thuyền Amadea là của ông và Mỹ không có quyền tịch thu vì ông không nằm trong danh sách trừng phạt.
Trong khi đó, tỷ phú Kerimov nằm trong danh sách trừng phạt do Bộ Tài chính Mỹ công bố. Mỹ cáo buộc ông Kerimov có liên quan đến hoạt động của quân đội Nga ở Syria và Ukraine.
Theo hồ sơ trình thẩm phán Dale Ho thuộc tòa án quận Manhattan (New York), các công tố viên Mỹ cho hay, chi phí bảo trì du thuyền Amadea là khoảng 600.000 USD/tháng, tương đương 7,2 triệu USD/năm.
Đây là chi phí cần thiết để đảm bảo giá trị của du thuuyền Amadea, đang neo tại cảng San Diego (Mỹ).
Phía công tố viên đề nghị tòa án cho phép bán đấu giá du thuyền Amadea, với lý do chi phí bảo trì là quá lớn.
Theo Reuters, các cuộc đàm phán nhằm yêu cầu ông Khudainatov trả tiền bảo trì du thuyền đã thất bại. Giới chức Mỹ cũng xác định tỷ phú Kerimov mới là chủ nhân thực sự của du thuyền.
Nếu chính phủ Mỹ bán đấu giá Amadea thành công, tiền có thể được chuyển cho Ukraine.
Các công tố viên cho biết, ông Khudainatov có hạn chót là ngày 23/2 để trả lời về việc có gửi tiền bảo trì du thuyền hay không. Luật sư của ông Khudainatov đã phản đối đề xuất bán đấu giá du thuyền Amadea.
Tỷ phú Kerimov và gia đình sở hữu khối tài sản hơn 10,7 tỷ USD, theo Forbes. Nguồn tiền chính của ông Kerimov đến tư các công ty khai thác vàng Polyus ở Nga.
Nguồn: [Link nguồn]
Những siêu du thuyền của giới tài phiệt Nga đang trở thành gánh nặng cho các nước tịch thu chúng vì chi phí vận hành và rắc rối pháp lý.