Tỉ phú công nghệ Trung Quốc dọn đường trở lại

Sự kiện: Tin tức Trung Quốc

Dù chưa ra mặt nhiều song một số ông chủ của giới công nghệ Trung Quốc bắt đầu nhắc nhở nhân viên rằng mình vẫn còn nắm quyền điều hành.

Hai năm qua là quãng thời gian im lặng hiếm thấy của giới tài phiệt công nghệ Trung Quốc.

Ông Trương Nhất Minh (Zhang Yiming), nhà sáng lập công ty công nghệ internet ByteDance, không xuất hiện trước công chúng; ông Wang Xing (Vương Hưng), chủ tịch công ty thương mại điện tử Meituan, không đăng bất cứ thông điệp công khai nào lên mạng xã hội trong năm 2022; còn chủ tịch công ty game và mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc Tencent - ông Pony Ma (Mã Hóa Đằng) và nhà sáng lập Tập đoàn Alibaba Jack Ma (Mã Vân) đều hạn chế xuất đầu lộ diện.

Tình hình này trùng hợp với việc Bắc Kinh muốn chấn chỉnh lĩnh vực công nghệ.

Bà Angela Zhang, chuyên gia về luật của Trường ĐH Hồng Kông, nhận định: "Cũng như nhiều lĩnh vực khác của Trung Quốc, toàn ngành công nghệ bị ảnh hưởng nặng nề do môi trường kinh tế vĩ mô, đặc biệt là chính sách "Không COVID-19".

Nhưng điều này có thể thay đổi sau khi Trung Quốc nới lỏng phòng dịch. Theo báo South China Morning Post (SCMP), tại hội nghị công tác kinh tế trung ương gần đây, Bắc Kinh đề nghị các "Big Tech" nước này đóng vai trò lớn hơn trong dẫn dắt tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và cạnh tranh quốc tế.

Ông Mã Hóa Đằng, chủ tịch Tencent Ảnh: REUTERS

Ông Mã Hóa Đằng, chủ tịch Tencent Ảnh: REUTERS

Dù chưa ra mặt nhiều song một số ông chủ của giới công nghệ bắt đầu nhắc nhở nhân viên rằng mình vẫn còn nắm quyền điều hành.

SCMP cho biết trong cuộc họp nội bộ hồi tháng trước của Tencent, ông Mã Hóa Đằng trách cứ một số giám đốc vì tham nhũng và không kịp thời cải thiện hiệu quả hoạt động của hãng. Trong khi đó, nhà sáng lập kiêm chủ tịch công ty thương mại điện tử JD.com, Lưu Cường Đông (Richard Liu) ra lệnh cắt giảm 20% lương của khoảng 2.000 quản lý cấp cao để giảm bớt gánh nặng cho công ty.

Ông Lưu, 49 tuổi, im hơi lặng tiếng kể từ khi bị tố cáo cưỡng hiếp một sinh viên Trung Quốc ở bang Minnesota - Mỹ vào năm 2018. Tháng 4 năm ngoái, ông từ chức giám đốc điều hành JD.com.

Trong lúc các tài phiệt công nghệ vẫn cẩn trọng "dò đường", bà Angela Zhang dự đoán: "Với việc cơ quan chức năng siết chặt quản lý và thị trường trong nước bão hòa, các tỉ phú này có thể mở rộng hoạt động ra nước ngoài để tìm cơ hội tăng trưởng mới".

Ngoài việc khuyến khích các đại gia công nghệ, Trung Quốc cũng điều chỉnh chính sách dành cho ngành công nghiệp chip. Theo hãng tin Bloomberg, Trung Quốc đang tạm dừng các khoản đầu tư lớn vì không mang lại kết quả như mong đợi, thay vào đó tìm kiếm những cách thay thế để hỗ trợ các nhà sản xuất chip trong nước, chẳng hạn giảm chi phí vật liệu bán dẫn.

Trương Nhất Minh, nhà sáng lập ByteDance Ảnh: BLOOMBERG

Trương Nhất Minh, nhà sáng lập ByteDance Ảnh: BLOOMBERG

Bắc Kinh đã rót hàng chục tỉ USD vào ngành công nghiệp được đánh giá là rất quan trọng này trong thập kỷ qua nhưng không tạo được thế cạnh tranh bình đẳng hơn với Mỹ.

Chủ tịch Tập Cận Bình gần đây kêu gọi bảo đảm khả năng tự cung tự cấp về các công nghệ quan trọng khi bị Mỹ cô lập để bảo vệ khả năng cạnh tranh kinh tế cũng như quân sự của Trung Quốc. Trong khi đó, Mỹ có những động thái ngày càng cứng rắn.

Trong năm 2022, nền kinh tế số 1 thế giới đẩy nhanh chiến dịch ngăn chặn nỗ lực sản xuất chip của Bắc Kinh bằng nhiều cách, gồm kiểm soát xuất khẩu để ngăn Trung Quốc phát triển các công nghệ mới nổi.

Các đồng minh chính của Mỹ gồm Hà Lan và Nhật Bản cũng đã nhất trí về nguyên tắc nhằm siết chặt kiểm soát xuất khẩu máy móc sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc.

Trên thực tế, SMIC và Yangtze - hai công ty bán dẫn tiên tiến nhất của Trung Quốc - bị ảnh hưởng nặng bởi những lệnh trừng phạt của Mỹ. Bắc Kinh đã tiến hành một loạt cuộc điều tra chống tham nhũng đối với các nhân vật hàng đầu trong ngành chip vào mùa hè năm ngoái khi cho rằng tham nhũng là nguyên nhân dẫn đến các khoản đầu tư lãng phí và kém hiệu quả.

Một vấn đề khác khiến Trung Quốc bận tâm là nền kinh tế của đặc khu Hồng Kông ước tính đã mất khoảng 27 tỉ USD về tiềm năng tăng trưởng do ảnh hưởng của COVID-19 và các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Theo Ngân hàng Đầu tư Natixis (Pháp), lẽ ra kinh tế Hồng Kông tăng trưởng trung bình 2,8%/năm trong 3 năm qua nếu không có COVID-19.

Nguồn: [Link nguồn]

Tài sản tỉ phú Elon Musk bốc hơi khủng khiếp, mất 200 tỉ USD

Tỉ phú Elon Musk là người thứ hai trên thế giới từng sở hữu khối tài sản cá nhân hơn 200 tỉ USD vào tháng 1-2021, vài tháng sau khi tỉ phú Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon, làm được...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hải Ngọc - Xuân Mai ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN