Thủy thần nửa người nửa rắn và 3 trận đại chiến kinh thiên động địa trong thần thoại Trung Hoa
Thủy thần Cộng Công trong thần thoại Trung Hoa không chỉ là hiện thân của sức mạnh thiên nhiên mà còn đại diện cho những cuộc xung đột khốc liệt giữa thần linh và con người, giữa người dân và giai cấp thống trị.
Cộng Công trong thần thoại Trung Hoa gắn liền với hình tượng hung bạo.
Hình tượng thủy thần Cộng Công được người Trung Quốc xây dựng với ba câu chuyện kinh điển: Mối thù không đội trời chung với hỏa thần Chúc Dung, trận chiến cam go với Đại Vũ - vị vua gắn liền với hành trình trị thủy và cuộc đối đầu định mệnh với Chuyên Húc – một trong Ngũ Đế. Tam Hoàng và Ngũ Đế gắn liền với thời kỳ lịch sử đầu tiên của Trung Quốc, ngay trước thời nhà Hạ. Mô tả về thời kỳ này mang tính truyền thuyết, huyền thoại nhiều hơn là thực tế lịch sử.
Mối thù không đội trời chung với hỏa thần Chúc Dung
Cộng Công, thủy thần với hình dạng thân nửa người, nửa rắn, được xem là hiện thân của nước và sức mạnh hoang dại. Trong khi đó, Chúc Dung – vị thần lửa với sức mạnh thiêu đốt – lại đại diện cho ánh sáng và sức nóng. Mối thù "nước lửa không đội trời chung" đã tạo nên một trong những trận chiến nổi tiếng nhất trong thần thoại Trung Hoa.
Câu chuyện bắt đầu khi Cộng Công và Chúc Dung bất đồng về quyền kiểm soát thiên nhiên. Trong trận chiến đỉnh điểm, Cộng Công kêu gọi sức mạnh của sông, hồ, và biển cả, tạo ra những đợt sóng thần và lũ lụt nhấn chìm mọi thứ trên đường đi. Chúc Dung đáp trả bằng cách triệu hồi ngọn lửa khổng lồ, đốt cháy cả đất trời, khiến cuộc chiến trở nên vô cùng khốc liệt.
Đỉnh điểm của trận chiến diễn ra tại núi Bất Chu – ngọn núi được xem như trụ cột chống trời. Sau khi thất bại trước sức mạnh của Chúc Dung, Cộng Công trong cơn giận dữ lao đầu vào núi. Cú va chạm này khiến núi Bất Chu gãy đôi, bầu trời nghiêng về phía tây bắc, đất đai trũng xuống phía đông nam. Từ đó, các dòng sông Trung Hoa chảy dồn về biển Hoa Đông.
Hành động phá núi của Cộng Công không chỉ làm thay đổi diện mạo đất trời mà còn khiến thiên nhiên rơi vào hỗn loạn. Để sửa chữa hậu quả, thần Nữ Oa phải luyện đá ngũ sắc để vá trời, lập lại trật tự cho thế giới.
Trận chiến với Đại Vũ trong hành trình trị thủy
Ảnh minh họa thủy thần Cộng Công trong thần thoại Trung Hoa.
Thủy thần Cộng Công cũng nổi danh qua cuộc đối đầu với Đại Vũ – vị vua anh hùng huyền thoại dẫn dắt người dân chống lại nạn hồng thủy.
Khi Đại Vũ được giao nhiệm vụ trị thủy, ông đã gặp không ít khó khăn bởi sự cản trở của Cộng Công. Vị thần nước này không ngừng gây ra các trận lũ lụt, điều khiển dòng chảy làm ngập lụt nhà cửa, đồng ruộng. Trong mắt người dân, Cộng Công trở thành hiện thân của sự tàn phá và hỗn loạn.
Đại Vũ, với sự kiên trì và trí tuệ, không chùn bước trước sức mạnh của Cộng Công. Ông hợp lực với các vị thần thiện chí như Thanh Long, Bạch Long và quần thể người dân để chống lại thủy thần. Cuộc chiến diễn ra khốc liệt trên cả mặt đất và dưới lòng nước. Cuối cùng, Đại Vũ đã đánh bại Cộng Công, buộc vị thần thượng cổ này phải rút lui và thề không tiếp tục gây tai họa cho nhân gian.
Chiến thắng này không chỉ là minh chứng cho ý chí bền bỉ của con người mà còn đặt nền móng cho hệ thống thủy lợi, giúp con người kiểm soát thiên tai và phát triển nông nghiệp.
Mâu thuẫn với hoàng đế Chuyên Húc
Ngoài các trận chiến với Chúc Dung và Đại Vũ, Cộng Công còn vướng vào cuộc đối đầu với Chuyên Húc – một trong Ngũ Đế nổi tiếng trong truyền thuyết Trung Hoa cổ đại với sự cai trị nghiêm khắc. Chuyên Húc là cháu nội Hiên Viên Hoàng Đế - người được xem là thủy tổ của người Hán.
Khác với hai câu chuyện dân gian trên, câu chuyện thứ ba phác hoại Cộng Công là một thủ lĩnh bộ tộc đối đầu với giai cấp thống trị.
Cộng Công được xem là nguồn cơn gây ra thảm họa lũ lụt ở Trung Quốc. Ảnh minh họa.
Trong câu chuyện, Cộng Công được xem là người đã mang lại nhiều cải tiến trong nông nghiệp, đặc biệt là hệ thống thủy lợi. Tuy nhiên, những thành tựu này lại khiến Chuyên Húc cảm thấy quyền lực bị đe dọa. Vị vua này không muốn bất kỳ ai vượt qua quyền lực của mình và cho rằng mọi sự tôn kính chỉ nên dành cho bản thân.
Xung đột nổ ra khi Cộng Công lên kế hoạch san bằng núi để mở rộng đất canh tác. Chuyên Húc phản đối kịch liệt, cáo buộc rằng hành động này sẽ chọc giận thần linh. Nhà vua lợi dụng sự mê tín của người dân, tuyên truyền rằng việc san núi sẽ mang lại tai họa.
Khi không thể thuyết phục dân chúng, Cộng Công quyết định tập hợp lực lượng bộ tộc để chống lại Chuyên Húc. Cuộc chiến nhanh chóng bùng nổ, kéo dài từ mặt đất lên thiên giới. Ban đầu, lực lượng của Cộng Công giành được lợi thế nhờ sức mạnh của nước, nhưng quân của Chuyên Húc liên tục nhận được viện trợ, khiến tình thế đảo ngược.
Khi bị dồn đến chân núi Bất Chu, Cộng Công cùng những chiến binh cuối cùng quyết định tử chiến. Trong cơn tuyệt vọng, Cộng Công biến thành quái vật nửa người, nửa rắn khổng lồ và lao đầu vào núi. Ngọn núi to lớn sụp đổ làm thay đổi dòng nước của sông ngòi.
Theo các học giả Trung Quốc, câu chuyện này có thể đã được lan truyền trong tầng lớp bình dân thời xa xưa với mong muốn dù phải hi sinh tính mạng thì ai đó nếu có đủ quyết tâm vẫn có thể làm thay đổi trật tự thế giới.
Để ghi nhận sự kiên định không lay chuyển của Cộng Công, người dân đã tôn thờ ông là “thủy thần" còn con trai Hầu Đô – người cũng bỏ mạng trong trận chiến quyết định – được tôn vinh là “địa thần” (thần cải quản đất đai).
Có thể nói, dù bị xem là kẻ gây ra nhiều tai họa, Cộng Công vẫn người xưa được tôn thờ như một vị thần. Ông đại diện cho sức mạnh thiên nhiên – vừa hủy diệt vừa nuôi dưỡng. Những truyền thuyết về ông không chỉ nhắc nhở con người về sự cần thiết của việc hài hòa với thiên nhiên mà còn truyền cảm hứng về ý chí kiên cường, không khuất phục trước quyền lực tuyệt đối của vua chúa.
Hình tượng Cộng Công cũng phản ánh xung đột giữa con người và thiên nhiên, giữa tầng lớp bình dân và giai cấp thống trị trong thời phong kiến. Dù thất bại, ông để lại bài học sâu sắc về việc đấu tranh cho niềm tin và lý tưởng, ngay cả khi phải đối mặt với nghịch cảnh.
___________________________
Thần thoại Hy Lạp có đề cập Hydra - một con quái vật có nhiều đầu, khi một cái đầu bị chặt, hai cái khác sẽ mọc lên hay trong truyền thuyết Nhật Bản, Yamata no Orochi là một con rắn tám đầu, tám đuôi, cũng mang sức mạnh siêu nhiên. Thần thoại Trung Hoa cũng có một phiên bản hung thần chín đầu từng tác oai tác quái. Hung thần này có gì đặc biệt, mời độc giả đón đọc bài kỳ 3 xuất bản 10h ngày 28/1.
Nguồn: [Link nguồn]
-27/01/2025 08:51 AM (GMT+7)