Thụy Điển đưa tàu chiến vào căn cứ ngầm khổng lồ trước mối đe dọa từ Nga
Giới lãnh đạo quân sự Thụy Điển đã ra lệnh chuyển lực lượng hải quân đến căn cứ tối mật ngầm dưới lòng đất trước mối đe dọa quân sự từ Nga.
Tàu chiến Thụy Điển hoạt động ở vùng biển Baltic.
Theo Express, căn cứ ngầm khổng lồ tồn tại từ thời Chiến tranh Lạnh ở Muskö, cách thủ đô Stockholm khoảng 40km. Căn cứ có mạng lưới các bãi neo đậu cho phép tàu chiến vào trú ẩn.
Căn cứ có hàng km đường hầm, văn phòng, bệnh viện và có thể chống được bom hạt nhân. Căn cứ tối mật hoàn thiện vào năm 1969 và đã không được sử dụng trong 25 năm qua.
Nhưng giới lãnh đạo Thụy Điển cho rằng đã đến lúc khôi phục lại căn cứ này trước mối đe dọa từ Nga. Việc đưa các tàu chiến vào trú ẩn ở căn cứ cũng giúp tránh được những sự nhòm ngó không cần thiết và dễ dàng hơn trong việc triển khai các hoạt động quốc phòng hàng hải.
Rebecca Landberg, người đứng đầu bộ phận truyền thông của hải quân Thụy Điển nói: “Căn cứ Muskö rất đặc biệt vì nó nằm bên trong mạng lưới hầm ngầm lớn như thành cổ ở Stockholm.
“Bộ chỉ huy hải quân cần phải sống sót trong chiến tranh nên Muskö là lựa chọn tốt nhất’, Landberg nói. “Quân đội cần phải thay đổi hoạt động để phù hợp với những thách thức từ thế lực bên ngoài”.
Thụy Điển đã giảm mạnh ngân sách quốc phòng từ mức 2,5% GDP vào năm 1990 xuống còn gần 1% vào năm 2010.
Căn cứ ngầm dưới lòng đất của Thụy Điển có nơi neo đậu đặc biệt cho tàu chiến.
Niklas Granholm, nhà phân tích tại Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Thụy Điển, nói việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 “đã thay đổi tất cả”.
“Sự kiện cho thấy những gì Nga có thể làm với các nước láng giềng nhỏ bé hơn. Chính phủ có thể nhận thấy mối đe dọa từ Nga mà chỉ có căn cứ Muskö mới có thể tạo ra mạng lưới phòng vệ an toàn nhất”, Granholm nói.
Quá trình nâng cấp và khôi phục căn cứ hải quân ngầm của Thụy Điển dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2021 hoặc 2022.
Tuần trước, hạm đội Baltic của Nga đã tập trận quân sự rầm rộ với các trực thăng Ka-27PL làm nhiệm vụ săn ngầm, trực thăng vận tải Ka-29 và trực thăng tấn công Mi-24.
Các trực thăng tiếp cận mục tiêu từ nhiều địa điểm khác nhau, với tốc độ và độ cao hợp lý để tung đòn tấn công tiêu diệt tàu chiến đối phương.
Không chịu áp lực, chỉ tiêu hay bị cấp trên mắng mỏ, đơn giản chỉ cần ngồi không và nhận lương đều đặn, nghe có...