Thụy Điển chính thức ký đơn xin gia nhập NATO
Ngoại trưởng Thụy Điển – bà Ann Linde – đã chính thức ký đơn xin gia nhập NATO và cho rằng, đây là tuyết định có lợi nhất cho Stockholm.
Ngoại trưởng Thụy Điển – bà Ann Linde – ký vào đơn gia nhập NATO (ảnh: RT)
“Có vẻ như chúng tôi đã đưa ra quyết định tốt nhất cho Thụy Điển vào khoảnh khắc này”, bà Ann Linde phát biểu hôm 17.5, trước khi đặt bút ký vào đơn xin gia nhập NATO.
Bà Ann Linde cho biết, lá đơn của Thụy Điển sẽ sớm được gửi tới Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg để bắt đầu quá trình xét duyệt.
“Không biết sẽ mất bao lâu, nhưng chúng tôi tính toán rằng, lộ trình có thể mất tới một năm”, bà Ann Linde nói về thời gian Thụy Điển hoàn tất quá trình gia nhập NATO.
“Trong tuần này, lá đơn sẽ được nộp cùng với Phần Lan. Sau đó, NATO sẽ tiếp nhận và xử lý”, bà Ann Linde nói thêm.
Phát biểu hôm 17.5, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson cho rằng, nước này sẽ mất “không quá một năm” để gia nhập NATO. Tuy nhiên, bà Andersson nhấn mạnh, Thụy Điển không mong muốn NATO xây dựng căn cứ hay chuyển vũ khí hạt nhân tới lãnh thổ - một động thái nhiều khả năng sẽ dẫn tới phản ứng của Nga.
Theo bà Andersson, quy chế trung lập đã giúp ích nhiều cho Thụy Điển, tuy nhiên, đường lối này không còn phù hợp trong tương lai.
Theo CNN, việc Ngoại trưởng Thụy Điển ký đơn xin gia nhập NATO đã chính thức khép lại đường lối trung lập mà Stockholm đã duy trì hơn 200 năm.
Hôm 17.5, Quốc hội Phần Lan cũng bỏ phiếu nhất trí với kiến nghị gia nhập NATO của chính phủ. Với 188 phiếu thuận và 8 phiếu chống, Phần Lan được cho là sẽ sớm cùng Thụy Điển gửi đơn xin gia nhập NATO.
Sau khi hoàn thành các thủ tục trong nước, Phần Lan và Thụy Điển được cho là sẽ đối mặt với trở ngại kế tiếp trước khi chính thức trở thành thành viên NATO – Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ – ông Recep Tayyip Erdogan – kiên quyết phản đối việc Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO (ảnh: RT)
Hôm 17.5, RT đưa tin, Tổng thư ký NATO – ông Jens Stoltenberg – cho biết, khối này cần phải giải quyết mâu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ với Phần Lan và Thụy Điển.
“Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh quan trọng và mọi lo ngại an ninh cần được giải quyết. Chúng ta cần sát cánh cùng nhau vào thời điểm lịch sử này”, ông Stoltenberg viết trên Twitter và bày tỏ hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không làm trì hoãn quá trình gia nhập NATO của 2 quốc gia Bắc Âu.
Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, Ankara không ủng hộ nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan vì đây là 2 nước “chứa chấp khủng bố”.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, ngoài vấn đề trên, Thụy Điển và Phần Lan cần dỡ bỏ một số hạn chế thương mại với Ankara.
Nga ngày 17.5 đã tuyên bố rút khỏi Hội đồng các quốc gia Biển Baltic (CBSS) và cáo buộc tổ chức này đang trở thành “công cụ chống Nga”. Động thái trên được cho là biện pháp đáp trả việc Phần Lan, Thụy Điển quyết định gia nhập NATO.
“Chúng tôi cho rằng sự hiện diện của Nga trong Hội đồng các quốc gia Biển Baltic là không hiệu quả và phản tác dụng”, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết, nước này đã trục xuất 2 nhà ngoại giao Phần Lan, nhằm đáp trả động thái tương tự của Helsinki.
Nguồn: [Link nguồn]
Không chỉ nổi tiếng với điều 5 về quy chế phòng thủ chung, NATO – Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương – còn khiến nhiều nước, trong đó có Nga, lo ngại vì điều 10 với...