Thụy Điển chia rẽ nội bộ về vấn đề xin gia nhập NATO
Thụy Điển là quốc gia Bắc Âu có lịch sử hơn 200 năm trung lập, luôn né tránh các cuộc xung đột kể từ năm 1814.
Thụy Điển đã có hơn 200 năm duy trì lập trường trung lập.
Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền ở Thụy Điển chia rẽ về vấn đề nộp đơn xin gia nhập NATO, khi một nhóm phụ nữ của đảng này kêu gọi quốc gia tiếp tục giữ lập trường trung lập, theo báo Nga RT.
Annika Strandhall, Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường Thụy Điển, nói trên tờ Stockholm Svenska Dagbalet rằng, nhóm phụ nữ của đảng cầm quyền phản đối việc gia nhập NATO.
Nhóm này “có truyền thống đấu tranh cho các vấn đề liên quan đến hòa bình, giải trừ quân bị và vấn đề hòa bình”, bà Strandhall nói.
Bà Strandhall là chủ tịch hội đồng của nhóm phụ nữ thuộc Đảng Dân chủ Xã hội, nói rằng Thụy Điển vẫn nên giữ lập trường trung lập, không gia nhập NATO, như theo quyết định của Quốc hội cho đến nay.
Bình luận của bà Strandhall đánh dấu sự rạn nứt đầu tiên trong nỗ lực gia nhập NATO của chính phủ Thụy Điển. Quốc gia này có thể đưa ra tuyên bố chính thức về việc gia nhập NATO hay không vào ngày 24.5.
Jimmie Akesson, lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội Thụy Điển, nói ông sẽ khuyên đảng đối lập đồng ý gia nhập NATO nếu quốc gia láng giềng Phần Lan cũng làm điều tương tự.
Ông Akesson và đại bộ phận người dân Thụy Điển, từ lâu có quan điểm cho rằng quốc gia này giữ lập trường trung lập về quân sự.
Nhưng dư luận Thụy Điển đang ủng hộ gia nhập NATO, đánh dấu sự thay đổi kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Tháng trước, một cuộc khảo sát chính thức cho thấy 51% người dân Thụy Điển ủng hộ gia nhập NATO. Một khảo sát tương tự ở Phần Lan cho thấy có 61% người được hỏi ủng hộ Phần Lan gia nhập NATO.
Thụy Điển là quốc gia Bắc Âu có lịch sử hơn 200 năm trung lập, luôn né tránh các cuộc xung đột kể từ năm 1814. Phần Lan có quan điểm trung lập kể từ sau Thế chiến 2.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói liên minh sẽ đẩy nhanh các thủ tục nếu Thụy Điển và Phần Lan nộp đơn xin gia nhập. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói Washington sẵn sàng đảm bảo an ninh cho hai quốc gia Bắc Âu trong quá trình chờ xét duyệt.
Thụy Điển dự kiến đưa ra quyết định về việc có nộp đơn gia nhập NATO hay không ngay trong tháng này.
Nguồn: [Link nguồn]