Thương vụ Thái Lan mua tàu ngầm TQ bế tắc: Giải quyết thế nào?
Năm 2017, Thái Lan ký hợp đồng trị giá 392 triệu USD để mua một tàu ngầm từ Trung Quốc. Đây được coi là bước tiến trong kế hoạch xuất khẩu quốc phòng của Bắc Kinh. Tuy nhiên, thương vụ đến nay rơi vào bế tắc bởi nhà sản xuất không thể mua được động cơ diesel của Đức để trang bị cho tàu ngầm.
Mô hình tàu ngầm S-26T.
Nguyên nhân là do Đức hạn chế xuất khẩu trang thiết bị công nghệ phục vụ mục đích quân sự cho Trung Quốc, theo quy định của Liên minh châu Âu (EU) từ năm 1989.
Trước đây, Trung Quốc vẫn có thể mua các thiết bị của châu Âu phục vụ mục đích quân sự, nhưng vài năm qua, các đối tác phương Tây ngày càng siết chặt quy định hơn.
Đại sứ quán Đức ở Thái Lan nói rằng, Bắc Kinh đã không thông báo với Berlin trước khi ký hợp đồng đóng tàu ngầm cho nước thứ ba vào năm 2017.
Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ bàn giao tàu ngầm S26T đóng mới cho Thái Lan vào năm 2024, và hai bên có thể ký thêm hợp đồng đóng 2 chiếc nữa. Tuy nhiên, các trục trặc khiến thương vụ có nguy cơ đổ bể.
Một số chính trị gia đối lập ở Thái Lan đã lên tiếng kêu gọi chính phủ hủy hợp đồng, cho rằng quyết định này đem lại lợi ích tốt nhất cho quốc gia trong bối cảnh hiện nay.
Theo các nhà quan sát, Thái Lan nhiều khả năng vẫn muốn giữ hợp đồng vì rất muốn sở hữu tàu ngầm, dù trục trặc này không làm ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước.
Thái Lan muốn sở hữu tàu ngầm để năng cao năng lực hải quân, bảo vệ lợi ích hàng hải ở vùng biển từ biển Andaman ở phía tây tới Vịnh Thái Lan ở phía đông. Ngoài ra, Thái Lan cảm thấy cần sở hữu tàu ngầm vì các quốc gia Đông Nam Á khác như Indonesia, Malaysia… đều có các hạm đội tàu ngầm.
Lý do Thái Lan chọn mua tàu ngầm Trung Quốc là vì mức giá tốt, theo hải quân Thái Lan. Theo hợp đồng ban đầu, Thái Lan có thể mua 3 tàu ngầm với giá tương đương 2 chiếc. Trung Quốc cam kết về chất lượng, lắp đặt sẵn hệ thống thông tin liên lạc và kiểm soát hỏa lực cho ngư lôi, tên lửa. Chương trình đào tạo thủy thủ Thái Lan cũng đã được tính vào chi phí ban đầu.
Hợp đồng mua 3 chiếc có giá 1,05 tỉ USD, được trả góp với thời hạn cho đến năm 2027. Năm ngoái, Quốc hội Thái Lan đã không phê duyệt ngân sách 659 triệu USD để chi trả cho hai tàu ngầm còn lại, do vấn đề dịch bệnh Covid-19.
Tàu ngàm Type 039A của Trung Quốc, gần giống tàu ngầm S-26T mà Thái Lan đặt mua.
“Cả Thái Lan và Trung Quốc đều rất muốn tiếp tục hợp đồng”, Ian Storey, chuyên gia tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, nói. “Đến Myanmar hiện nay cũng sở hữu hai tàu ngầm. Thái Lan không muốn tiếp tục đi sau các quốc gia Đông Nam Á”.
“Đối với Trung Quốc, Bắc Kinh muốn thỏa thuận được tiếp tục để thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng trong tham vọng xuất khẩu vũ khí ở châu Á”, ông Storey nói.
Hồi tháng 2, hải quân Thái Lan nói muốn giải quyết vướng mắc về vấn đề động cơ tàu ngầm với cơ quan đóng tàu nhà nước Trung Quốc. Tuy nhiên, hai bên đến nay chưa ấn định thời điểm gặp mặt để đàm phán.
Thái Lan vẫn muốn nhận tàu ngầm đóng mới sử dụng động cơ của Đức, đúng như theo các điều khoản trong hợp đồng. Nhưng Trung Quốc có thể đưa ra một số giải pháp khác, theo các nhà quan sát.
“Ngay cả khi Trung Quốc đề xuất đổi cho Thái Lan hai tàu ngầm cũ, Bangkok có thể không đồng ý vì muốn sở hữu tàu ngầm đóng mới”, ông Storey nói, theo SCMP.
“Một giải pháp khác là Trung Quốc đóng tàu ngầm mới cho Thái Lan sử dụng động cơ mới nhất, tương đương với các tàu ngầm Type 039A/041 của hải quân Trung Quốc”, ông Storey nói. “Trung Quốc chưa từng xuất khẩu động cơ mới này cho bất cứ quốc gia nào khác. Nhưng vì Thái Lan mà có thể có ngoại lệ. Bởi nếu Thái Lan hủy hợp đồng, phía Trung Quốc phải đền bù do không thực hiện đúng cam kết”, ông Storey giải thích.
Paul Chambers, chuyên gia an ninh Đông Nam Á tại Đại học Naresuan của Thái Lan, nhắc đến giải pháp khác, đặc biệt nếu “phía Trung Quốc giảm giá đóng tàu ngầm hoặc hỗ trợ thêm các trang thiết bị quân sự khác coi như đền bù”.
“Thái Lan rất muốn sở hữu tàu ngầm. Đây là quan điểm của quân đội và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha”, ông Chambers nhận định. “Thái Lan có thể đồng ý nhận tàu ngầm sử dụng động cơ cũ hơn nếu phía Trung Quốc giảm giá đáng kể và tặng thêm các thiết bị quân sự khác”.
Thương vụ mua tàu ngầm Trung Quốc của Thái Lan rơi vào bế tắc sau khi Đức từ chối cung cấp các động cơ trang bị cho tàu ngầm này.
Nguồn: [Link nguồn]