Thương vụ kỳ lạ: Nga bán vùng lãnh thổ hơn 1,7 triệu km2 cho Mỹ với giá "rẻ như cho"
Lý do nào khiến người Nga ở thế kỷ XVIII bán Alaska, vùng đất trù phú, có vị trí chiến lược quan trọng, cho Mỹ chỉ với giá 7,2 triệu USD?
Bản đồ Alaska (ảnh: Historyhit)
Năm 1725, Sa hoàng Peter Đại đế ra lệnh cho nhà thám hiểm nổi tiếng Vitus Bering khám phá vùng đất Alaska. Nguyên nhân là do các thương nhân Nga lúc bất giờ rất quan tâm đến ngà hải mã, da rái cá và hải cẩu ở vùng đất xa xôi thuộc vùng Tây Bắc lục địa Bắc Mỹ này, theo Historyhit.
Năm 1784, một số nhóm người Nga bắt đầu di cư đến Alaska sinh sống. Trước đó, khu vực này chỉ có thổ dân bản địa cư trú. Đến khoảng đầu thế kỷ 19, dân cư ở Alaska đã bắt đầu đông đúc hơn. Alaska trở thành một trung tâm thương mại nhỏ với thủ phủ là Sitka. Ở đây, người dân buôn bán vải vóc, da lông thú, cá với các thương nhân nước ngoài. Ngành đóng tàu và khai thác mỏ ở Alaska cũng khá phát triển.
Năm 1853, chiến tranh Crimea bùng nổ, Nga phải đối mặt với liên quân Anh, Pháp, Ottoman do Anh dẫn đầu. Năm 1856, Nga bại trận và rơi vào khủng hoảng kinh tế. Alaska trở thành gánh nặng đối với Nga trong việc phòng thủ lãnh thổ và có nguy cơ bị Anh xâm chiếm (lúc này Anh cũng đang mở rộng ảnh hưởng ở Canada). Để Alaska rơi vào tay Anh sẽ là điều không thể chấp nhận được với thể diện người Nga, Historyhit viết.
Liên quân do Anh dẫn đầu thắng trận trong chiến tranh Crimea (1853 - 1856) (ảnh: Opidia)
Trước tình thế khó khăn, Sa hoàng Nga Alexander II quyết định bán Alaska cho Mỹ. Vào những năm 1850, Mỹ bị Anh chèn ép và là đồng minh của Nga. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Mỹ sẵn sàng mua lại Alaska.
Đầu tháng 3.1867, Nga cử Công sứ Edouard de Stoeckl thương thuyết với Mỹ về việc bán lại Alaska. Lúc này, Mỹ vừa bước ra từ cuộc nội chiến, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn. Nhiều tờ báo Mỹ cũng không ủng hộ thương vụ Alaska.
“Chúng ta đang phải còng lưng xây dựng những khu vực bị bỏ hoang trong lãnh thổ. Người da đỏ khiến chúng ta gặp nhiều khó khăn. Lẽ nào, chúng ta, những người hoàn toàn không mù quáng, lại tự tăng thêm vất vả cho mình bằng cách mua thêm lãnh thổ cần coi sóc? Số tiền mua Alaska rất nhỏ, nhưng chi phí đầu tư cho kinh tế và phòng thủ khu vực này sẽ lớn hơn nhiều. Điều đó sẽ kéo dài mãi mãi”, tờ New York Times viết năm 1867.
Bất chấp những ý kiến trái chiều, Ngoại trưởng Mỹ khi đó – ông William H. Seward – quyết tâm theo đuổi thương vụ mua lại Alaska.
Sa hoàng Nga Alexander II – người quyết định bán Alaska cho Mỹ (ảnh: Historyhit)
Theo Opindiaa, trước khi trao đổi với Mỹ, Nga đã cử một nhóm khảo sát đến Alaska để định giá tài nguyên. Theo đó, Nga ước tính Alaska trị giá khoảng 10 triệu USD. Sau các cuộc đàm phán, Sa hoàng Alexander II quyết định bán Alaska – bán đảo rộng hơn 1,7 triệu km2 – cho Mỹ với giá 7,2 triệu USD (khoảng 100 triệu USD so với thời giá hiện nay).
Ngày 30.3.1867, tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ William H. Seward và Công sứ Nga Edouard de Stoeckl ký kết hiệp ước bán Alaska. Tháng 10.1867, Nga hoàn tất bàn giao Alaska cho Mỹ.
Theo Grunge, nhiều người Mỹ ban đầu cho rằng, mua Alaska là thương vụ lãng phí tiền bạc và gọi quyết tâm của Ngoại trưởng Seward là “ngớ ngẩn”.
Trong gần 30 năm đầu sau khi mua lại Alaska, Mỹ gần như không ngó ngàng gì đến vùng đất này. Alaska không hoạt động dựa trên luật pháp Mỹ và chỉ được điều hành thông qua các quy tắc quân sự và tài chính. Mãi đến năm 1884, Mỹ mới thiết lập một chính quyền dân sự ở Alaska.
Năm 1996, cuộc sống của người dân Alaska bắt đầu thay đổi sau khi một mỏ vàng lớn được tìm thấy trong khu vực. Hàng trăm triệu USD thu được từ khai mỏ mỗi năm khiến Mỹ bắt đầu chú trọng đầu tư cho vùng đất này.
Tờ séc Mỹ dùng để mua Alaska (ảnh: Coolkidfacts)
Ngoài các mỏ vàng, Alaska còn sở hữu mỏ kẽm Red Dog lớn bậc nhất thế giới và mỏ đồng Kennecott dồi dào. Nguồn dầu khí ở Alaska cũng rất phong phú. Tuy nhiên, để bảo vệ các loài động vật quý hiếm của Alaska, Mỹ không mở động hoạt động khai thác khoáng sản ở đây. Ngày nay, Alaska là một trong những bang giàu có nhất nước Mỹ với GDP khoảng 55 tỷ USD/năm. Các sản phẩm nổi tiếng của bang này là dầu mỏ, vàng và cá, theo Historyhit.
Ý nghĩa địa chiến lược của Alaska đối với Mỹ còn vượt xa giá trị kinh tế. Alaska – bán đảo lớn nhất bán cầu Tây – giáp Canada ở phía Đông, giáp Bắc Băng Dương ở phía Bắc, giáp Thái Bình Dương ở phía Tây và đối diện với Nga qua eo biển Bering. Đây là vùng đệm quan trọng đối với Mỹ nhằm bảo vệ nước này khỏi nguy cơ bị các nước châu Âu, đặc biệt là đối thủ Nga tấn công.
Với việc bán Alaska, Nga đã đặt chấm hết cho sự hiện diện của nước này ở khu vực Bắc Mỹ và trao cho Mỹ “chìa khóa” mở ra vành đai phía Bắc Thái Bình Dương.
Trước giá trị kinh tế và ý nghĩa chiến lược của Alaska, một số ý kiến từ Nga cho rằng, tổ tiên của họ đã sai lầm khi bán vùng đất này.
Tháng 10.2014, Moscow Times dẫn lời của Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cho rằng, “đòi lại Alaska” là ý tưởng hoàn toàn nghiêm túc.
Quân đội Mỹ ở Alaska (ảnh: Historyhit)
Hôm 7.7, Vyacheslav Volodin – Chủ tịch Hạ viện Nga – tuyên bố, Moscow có thể đòi lại Alaska nếu Mỹ không dỡ lệnh đóng băng tài sản Nga ở nước ngoài.
“Nước Mỹ hãy luôn nhớ rằng, có một vùng lãnh thổ tên là Alaska”, ông Vyacheslav Volodin nói.
“Khi họ cố gắng quản lý các nguồn lực của chúng ta ở nước ngoài, họ hãy suy nghĩ trước khi hành động, rằng chúng ta cũng có thứ gì đó để lấy lại”, ông Volodin cảnh báo.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, việc Nga đòi lại Alaska từ Mỹ là vô cùng khó khăn.
Năm 2014, khi trả lời câu hỏi về việc Nga có thể sáp nhập Alaska giống như sáp nhập Crimea, Tổng thống Nga Putin đáp một cách hài hước: “70% lãnh thổ của chúng ta nằm ở Bắc bán cầu, thậm chí gần cực. Ở Alaska quá lạnh, chúng ta không nên tiến về phía đó nữa”.
Nguồn: [Link nguồn]
Ở Úc, một con Kangaroo to khỏe thừa sức hạ gục một người trưởng thành. Tuy nhiên, quân đội Úc chưa bao giờ phát động cuộc chiến nào nhằm vào loài thú có túi to lớn này....