Thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn tác động ra sao tới khu vực?

Theo chuyên gia, cuộc họp thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn mở ra những cơ hội đối thoại cho phép ba quốc gia thúc đẩy lòng tin lẫn nhau và giải quyết những bất đồng.

Ngày 27-5 tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc), Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Fumio Kishida tổ chức thượng đỉnh đầu tiên sau hơn 4 năm.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Lý nói rằng các cuộc đàm phán “là sự khởi đầu mới” và kêu gọi nối lại toàn diện hợp tác giữa ba cường quốc Đông Á.

Thúc đẩy hợp tác ba bên

Theo tuyên bố chung được công bố sau thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn, các nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như kinh tế và thương mại, phát triển bền vững, các vấn đề y tế, khoa học và công nghệ, quản lý an toàn và thiên tai, và giao lưu nhân dân.

(từ trái sang) Thủ tướng Nhật Fumio Kishida, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Lý Cường tại cuộc họp báo chung hôm 27-5 tại Hàn Quốc. Ảnh: YONHAP

(từ trái sang) Thủ tướng Nhật Fumio Kishida, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Lý Cường tại cuộc họp báo chung hôm 27-5 tại Hàn Quốc. Ảnh: YONHAP

Về hợp tác ba bên, ba nước sẽ cố gắng tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên và các cuộc họp cấp bộ trưởng một cách thường xuyên, đồng thời nỗ lực đảm bảo rằng người dân ở ba nước “có thể được hưởng những lợi ích thực chất bắt nguồn từ sự hợp tác này”. Nhật sẽ là nước tổ chức hội nghị thượng đỉnh tiếp theo.

Về kinh tế, ba nước nhất trí ủng hộ thảo luận nhằm đẩy nhanh đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) Trung-Nhật-Hàn, đồng thời tái khẳng định sự ủng hộ đối với một hệ thống thương mại đa phương mở. Ba nước cũng tái cam kết duy trì thị trường mở và thúc đẩy hợp tác chuỗi cung ứng. “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc để đảm bảo một sân chơi bình đẳng toàn cầu nhằm thúc đẩy một môi trường đầu tư và thương mại tự do, cởi mở, công bằng, không phân biệt đối xử, minh bạch, toàn diện và có thể đoán định được” - theo tuyên bố chung.

Ba bên cũng đặt mục tiêu tăng quy mô giao lưu nhân dân giữa ba nước lên 40 triệu người vào năm 2030 thông qua trao đổi về văn hóa, du lịch và giáo dục.

Về phát triển bền vững, cả ba đều nhận ra sự cần thiết phải hợp tác cùng nhau trong quá trình hướng tới mức phát thải khí nhà kính bằng không và trung hòa carbon. Trung-Nhật-Hàn nhất trí hợp tác để giảm bụi và bão cát ở Đông Á, cũng như sẽ thúc đẩy bảo tồn biển và nỗ lực hoàn thiện một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế về ô nhiễm nhựa, và hạn chế đánh bắt cá bất hợp pháp.

Về các vấn đề khu vực, ba nhà lãnh đạo Trung-Nhật-Hàn khẳng định “việc duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trên Bán đảo Triều Tiên và ở Đông Bắc Á phục vụ lợi ích chung và là trách nhiệm chung” của ba nước. “Chúng tôi nhắc lại quan điểm về hòa bình và ổn định trong khu vực, phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và vấn đề bắt cóc".

Dấu hiệu nồng ấm quan hệ

Theo chuyên gia, cuộc gặp giữa ba nhà lãnh đạo Trung-Nhật-Hàn sau hơn 4 năm là dấu hiệu cho thấy sự ấm lên trong quan hệ giữa ba nước láng giềng Đông Á cũng như sự can dự mang tính xây dựng, theo hãng tin Reuters.

(từ trái sang) Thủ tướng Nhật Fumio Kishida, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Lý Cường hôm 27-5 tại Hàn Quốc. Ảnh: YONHAP

(từ trái sang) Thủ tướng Nhật Fumio Kishida, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Lý Cường hôm 27-5 tại Hàn Quốc. Ảnh: YONHAP

Ba quốc gia này đang cố gắng giải quyết sự mất lòng tin lẫn nhau trong bối cảnh cạnh tranh giữa Bắc Kinh và Washington, căng thẳng về vấn đề Đài Loan và chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Tại hội nghị, Tổng thống Yoon nhấn mạnh rằng “sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau” là trọng tâm của hợp tác ba bên.

“Hội nghị thượng đỉnh ba bên nhằm giảm bớt xung đột hơn là định hình lại địa chính trị” - GS Leif-Eric Easley tại ĐH Ewha (Hàn Quốc) nhận định.

Theo tờ Japan Times, khía cạnh đáng chú ý nhất của cuộc họp là nó cung cấp một phương tiện để thúc đẩy liên lạc và quản lý căng thẳng giữa ba nước.

PGS Misato Matsuoka tại Đại học Teikyo (Nhật) cho biết hội nghị thượng đỉnh ba bên “mang lại một số hy vọng cho sự hợp tác khu vực”, đặc biệt khi các nước đồng ý tổ chức các cuộc họp thường xuyên và nỗ lực thể chế hóa hợp tác. “Điều này cho thấy sự nghiêm túc trong cam kết của họ đối với việc xây dựng lòng tin" - PGS Matsuoka nói.

Hội nghị thượng đỉnh cũng diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc và Nhật đang tìm cách cân bằng quan hệ khu vực trước viễn cảnh khó đoán định về mối quan hệ tương lai của hai nước này với Washington sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Trong khi đó, đối với Trung Quốc, việc duy trì mối quan hệ thương mại chặt chẽ với các nước láng giềng trở nên quan trọng với nước này.

“Bằng việc đồng ý quay trở lại hình thức hợp tác ba bên, các nhà lãnh đạo khu vực đã thể hiện nỗ lực bảo đảm và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ kinh tế, từ đó tăng cường khả năng phục hồi trước kịch bản một cuộc chiến thương mại mới có thể xảy ra nếu [cựu Tổng thống Mỹ] Donald Trump quay lại Nhà Trắng” - ông Sebastian Maslow, chuyên gia quan hệ quốc tế và PGS tại ĐH Tokyo (Nhật), cho hay.

Triều Tiên chỉ trích thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn về chuyện phi hạt nhân

Vài giờ sau khi Hội nghị thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn kết thúc, Bộ Ngoại giao Triều Tiên ra tuyên bố chỉ trích việc thảo luận về vấn đề phi hạt nhân hoá Bán đảo Triều Tiên tại hội nghị, gọi việc này là "sự khiêu khích chính trị nghiêm trọng" và vi phạm chủ quyền của Bình Nhưỡng, theo hãng thông tấn KCNA.

“Việc thảo luận về phi hạt nhân hóa… cấu thành một hành động khiêu khích chính trị và vi phạm chủ quyền nghiêm trọng” - KCNA dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên.

Theo người phát ngôn này, những điều như “phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên" đã chết về mặt lý thuyết, thực tế và thực tiễn.

Bên cạnh đó, Triều Tiên cũng cáo buộc Hàn Quốc là nguyên nhân sâu xa gây ra "cuộc khủng hoảng an ninh nghiêm trọng" trong và ngoài bán đảo bằng cách "đẩy mạnh liên minh quân sự".

Triều Tiên ngày 27-5 chỉ trích Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trong hội nghị thượng đỉnh hiếm hoi ở Seoul.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨNH KHANG ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN