Thượng đỉnh NATO: Nhiều nước tăng ủng hộ Ukraine, ông Zelensky vẫn chưa hài lòng

Nhiều nước thành viên NATO cam kết tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine, nhưng điều quan trọng nhất mà ông Zelensky cần thì dường như chưa được đề cập.

Ông Biden đại diện Mỹ tới dự Hội nghị thượng đỉnh NATO (ảnh: Reuters)

Ông Biden đại diện Mỹ tới dự Hội nghị thượng đỉnh NATO (ảnh: Reuters)

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius (Lithuania) hôm 11/7, Thủ tướng Na Uy – ông Jonas Gahr Store – tuyên bố, Na Uy sẽ cung cấp 960 triệu USD viện trợ quân sự cho Ukraine trong năm 2023.

“Ukraine có nhu cầu cấp thiết về hỗ trợ quân sự và thiết bị. Chúng tôi sẽ tăng hỗ trợ quân sự cho Ukraine từ 2,5 tỷ Krone Na Uy (khoảng 240 triệu USD) lên 10 tỷ Krone Na Uy (khoảng 960 triệu USD) trong năm 2023”, ông Store phát biểu tại hội nghị.

Cùng ngày 7/10, chính phủ Na Uy tuyên bố, nước này sẽ cung cấp hơn 7,2 tỷ USD viện trợ quân sự và dân sự cho Ukraine trong vòng 5 năm tới.

Ngoài cam kết viện trợ cho Ukraine, Na Uy cũng cam kết tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP – mức chi tiêu mà NATO đề nghị các nước thành viên đạt được.

Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh NATO, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo, Pháp sẽ viện trợ tên lửa tầm xa SCALP (Storm Shadow) cho Ukraine.

“Xem xét tình hình và cuộc phản công mà Ukraine đang tiến hành, chúng tôi quyết định tăng cường viện trợ vũ khí và thiết bị để Ukraine tăng cường khả năng tấn công tầm xa”, ông Macron nói, lưu ý rằng Pháp muốn Ukraine sử dụng tên lửa cho mục đích phòng thủ lãnh thổ.

“Điều quan trọng với chúng ta hôm nay là gửi đi các thông điệp ủng hộ Ukraine”, ông Macron nói thêm.

Phát ngôn viên Điện Elysee (Pháp) hôm 7/10 thông báo, một số tên lửa Storm Shadow của Pháp đã được gửi tới Ukraine.

Tổng thư ký NATO gõ búa thông báo cuộc họp của NATO bắt đầu (ảnh: Reuters)

Tổng thư ký NATO gõ búa thông báo cuộc họp của NATO bắt đầu (ảnh: Reuters)

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Đức tuyên bố, nước này cam kết gửi cho Ukraine gói viện trợ vũ khí mới trị giá 700 triệu euro (gần 770 triệu USD). Gói viện trợ mới bao gồm 2 hệ thống phòng không Patriot, 40 xe chiến đấu bộ binh Marder, 25 xe tăng chủ lực Leopard 1 A5 và nhiều loại vũ khí, đạn pháo khác.

Phát biểu từ Hội nghị NATO ở Vilnius, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace tuyên bố, Anh ủng hộ Ukraine gia nhập NATO sau khi xung đột kết thúc.

“Ukraine nên gia nhập NATO càng sớm càng tốt, nhưng chỉ sau khi xung đột chấm dứt”, ông Wallace nói.

Hôm 7/10, Tổng thư ký NATO Stoltenberg tuyên bố, Tổng thống Ukraine Zelensky được mời dự họp và sẽ có mặt.

“Ông Zelensky sẽ đến. Tôi vui mừng được chào đón ông ấy”, ông Stoltenberg nói.

Ông Stoltenberg cho biết, trong hội nghị này, ông mong các nước thành viên NATO sẽ thể hiện quan điểm rõ ràng về việc mời Ukraine gia nhập khối.

Hệ thống phòng không được bố trí bảo vệ Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius (ảnh: Reuters)

Hệ thống phòng không được bố trí bảo vệ Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius (ảnh: Reuters)

Trong một bài viết trên Telegram, ông Zelensky xác nhận sẽ tới Vilnius nhưng bày tỏ không hài lòng khi NATO đưa ra các “thông điệp yếu ớt”.

“Thật khó chấp nhận và vô lý khi khung thời gian không được ấn định, cả về lời mời lẫn tư cách thành viên của Ukraine”, ông Zelensky viết.

“Sự không chắc chắc sẽ là điểm yếu. Tôi sẽ nói thẳng thắn về vấn đề này tại hội nghị thượng đỉnh NATO”, ông Zelensky cho hay.

Bình luận về diễn biến của Hội nghị thượng đỉnh NATO, phát ngôn viên Điện Kremlin – ông Dmitry Peskov – cho rằng, hội nghị này thể hiện thái độ “chống Nga” rõ rệt.

Ông Peskov cảnh báo kịch bản Ukraine gia nhập NATO là “rất nguy hiểm đối với an ninh châu Âu”. Ông Peskov nhấn mạnh, Nga sẽ đáp trả nếu NATO mời Ukraine gia nhập khối.

Nguồn: [Link nguồn]

Mỹ quyết định gửi đạn chùm cho Ukraine: Trung Quốc lên tiếng

Trung Quốc cảnh báo việc chuyển giao đạn chùm một cách vô trách nhiệm có thể dẫn tới các nguy cơ về nhân đạo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – Moscow Times, RT ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN