Thương chiến Mỹ-Trung: Tình thế liệu có đảo chiều?

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 sắp đến gần, cục diện của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ chứng kiến nhiều chuyển biến mới. Liệu Bắc Kinh có thể “lội ngược dòng” lấy lại ưu thế so với Washington?

Khi thiệt hại hầu như đã xảy ra, Bắc Kinh có thể sẽ không còn tha thiết với một thỏa thuận sớm. Trong khi đó, ông Trump lại đang đứng trước chiến dịch tái tranh cử năm 2020 trong bối cảnh đã có những dấu hiệu sa sút của nền kinh tế cùng với những phản ứng từ cộng đồng doanh nghiệp Mỹ. Vì vậy, theo tờ South China Morning Post, trong “vòng hai” của cuộc thương chiến, phần thắng sẽ nghiêng về Trung Quốc (TQ). Tuy nhiên, thái độ của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho đến nay vẫn không có dấu hiệu nhượng bộ, thậm chí ông còn quả quyết hơn trước khi thẳng thừng nói rằng thỏa thuận thương mại không có ý nghĩa gì với chiếc ghế tổng thống Mỹ nhiệm kỳ II của ông.

Những thiệt hại không thể vãn hồi

Theo South China Morning Post, ông Trump có hai mục tiêu chính trong cuộc chiến với TQ, đó là: Cắt giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với thế giới, đặc biệt là đối với TQ; và buộc dịch chuyển các nguồn cung ứng và hoạt động sản xuất ra khỏi TQ để làm suy yếu sức mạnh kinh tế nước này trong dài hạn.

Theo đó, về cơ bản Mỹ đã thắng trong phần đầu của cuộc thương chiến. Đã có một sự chuyển dịch đáng kể hoạt động sản xuất ra khỏi TQ, gây thiệt hại đối với các chuỗi cung ứng của nước này.

Trong bảy tháng đầu năm 2019, nhập khẩu vào Mỹ từ TQ chỉ còn 260,5 tỉ USD, giảm 36,6 tỉ USD, tương đương 12,3% so với cùng kỳ năm 2018. Do nhập khẩu từ TQ giảm, thâm hụt thương mại giữa Mỹ với nước này cũng giảm từ mức 222,9 tỉ USD trong bảy tháng đầu năm 2018 xuống còn 200 tỉ USD trong cùng thời kỳ của năm 2019, tức giảm 22,9 tỉ USD, tương đương 10,3%. Ngoài ra, các số liệu thương mại cũng cho thấy đã có sự chuyển dịch sản xuất ra khỏi TQ tới các nền kinh tế khác như Mexico, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Thêm vào đó, theo kênh Fox News, các nhà nghiên cứu tại Viện Brookings (Mỹ) ước tính tốc độ tăng trưởng GDP của TQ chỉ tăng gần 2%/năm trong giai đoạn 2008-2016. Thực tế ấy khác với những gì TQ báo cáo là 6% trong gần một thập niên. Hơn nữa, quy mô thực tế của nền kinh tế TQ ước tính chỉ khoảng 10,9 ngàn tỉ USD, thấp hơn 18% so với con số chính thức mà Bắc Kinh tuyên bố là 13,4 ngàn tỉ USD, tính đến năm 2018.

Đối với ông Trump, chấm dứt cuộc thương chiến không phải ưu tiên hàng đầu. Ảnh: CANBERRA TIMES

Đối với ông Trump, chấm dứt cuộc thương chiến không phải ưu tiên hàng đầu. Ảnh: CANBERRA TIMES

Trung Quốc có lợi thế mới?

Cũng theo tờ South China Morning Post, hầu hết những sự gián đoạn đối với chuỗi cung ứng của TQ đã xảy ra xong xuôi. Vì vậy, khi hai bên bước vào giai đoạn tiếp theo thì vị thế đàm phán cũng thay đổi: Bắc Kinh không còn nóng lòng đạt được thỏa thuận vì rất khó để một thỏa thuận như vậy có thể đảo ngược được thiệt hại.

Việc TQ tỏ ra “bất cần” thỏa thuận thương mại sớm dường như được củng cố khi một phái đoàn TQ đã hủy các chuyến đi đến hai bang Montana và Nebraska của Mỹ. Một phát ngôn viên của Bộ Nông nghiệp Nebraska xác nhận rằng TQ đã hủy bỏ chuyến thăm tới bang của bà nhưng không nêu rõ lý do, theo tờ Financial Times.

Tuy nhiên, chuyên gia Helen Raleighcho rằng TQ đã hoàn toàn thua cuộc và không thể cầm cự trong cuộc đối đầu này lâu hơn được nữa. Việc Bắc Kinh miễn trừ thuế quan bổ sung đối với các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ, bao gồm đậu nành và thịt heo, không hẳn là cử chỉ thiện chí trước cuộc đàm phán thương mại tháng 10. Đó dường như là một biện pháp tuyệt vọng bởi không thể lấp đầy sự thiếu hụt nguồn cung của TQ. 

Tôi không nghĩ mình cần một thỏa thuận thương mại trước cuộc bầu cử. Tôi nghĩ mọi người biết rằng chúng tôi đang làm một công việc tuyệt vời.

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói trong một cuộc họp báo chung hôm 20-9 với Thủ tướng Úc Scott Morrison

Ông Trump và thỏa thuận thương mại

Nhiều ý kiến cho rằng ông Trump đang đứng trước áp lực phải đạt được một thỏa thuận thương mại với TQ trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Cuộc chiến thương mại cũng đã gây nhiều tổn thương cho chính nền kinh tế của Mỹ.

Phòng Thương mại Mỹ cùng các hiệp hội công nghiệp khác đã phải lên tiếng kêu gọi chấm dứt sự “thù địch”. “Ngài Tổng thống, chúng tôi mong ngài hãy chấm dứt chuỗi đánh thuế này trước khi nó gây ra những tổn hại không thể khắc phục được” - ông Brian Dodge, người đứng đầu Hiệp hội Lãnh đạo các nhà bán lẻ công nghiệp, phát biểu sau tuyên bố tăng thuế đối với 550 tỉ USD hàng hóa TQ của chủ nhân Nhà Trắng.

Tuy nhiên, trong tình hình này, Tổng thống Trump vẫn khẳng định ông không cần phải đảm bảo một thỏa thuận với TQ nhằm chấm dứt chiến tranh thương mại trước cuộc bầu cử năm 2020, vì ông muốn có một hiệp ước toàn diện và sẽ không giải quyết một thỏa thuận hẹp, tờ Financial Times cho hay.

Không dừng lại ở đó, ông Trump cho biết ông đã cảnh báo phía TQ rằng nếu nước này đợi tới sau ngày bầu cử tổng thống Mỹ 3-11-2020 với mong muốn ký thỏa thuận thương mại với một tổng thống Mỹ mới (nếu ông Trump thất cử) thì các điều khoản sẽ “tệ hơn nhiều” so với các điều khoản TQ có thể có được lúc này.

Đó là một lời cảnh báo có cơ sở. Vì trong cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên tổng thống gần đây nhất của đảng Dân chủ, không một ứng cử viên nào đề xuất xóa bỏ thuế quan thương mại mà ông Trump áp đặt đối với TQ. Vì vậy, ngay cả khi ông Trump thua, TQ có thể sẽ không “gặp” được ai thân thiện hơn trong Nhà Trắng, theo kênh Fox News. Bên cạnh đó, chính quyền của Tổng thống Trump đã siết chặt chính sách kinh tế và an ninh quốc gia. Trong một phát biểu hôm 20-9 tại Nhà Trắng, ông Trump nói rằng TQ đã sử dụng tiền từ Mỹ thông qua các hoạt động thương mại không công bằng để xây dựng quân đội, tờ The New York Times cho hay.

Diễn biến mới nhất của cuộc thương chiến Mỹ-Trung vẫn chưa cho thấy khả năng “lội ngược dòng” của TQ khi đối đầu với Mỹ. Trong bàn cờ về kinh tế này, một thương gia lão luyện như ông Trump hoàn toàn có khả năng làm chủ cuộc chơi. Từ đó cho thấy triển vọng về một thỏa thuận giữa Washington và Bắc Kinh để chấm dứt hoàn toàn chiến tranh thương mại vẫn còn mơ hồ.

“Mỹ và TQ sẽ nối lại các cuộc đàm phán thương mại vào tháng 10 tới. Cho dù TQ sẽ tiếp tục hành động cứng rắn trong các cuộc đàm phán này nhưng những lời hoa mỹ của họ cũng không thể che giấu sự thật rằng TQ đã thua cuộc chiến thương mại” - bà Helen Raleigh phân tích trên kênh Fox News.

Thịt heo là thực phẩm chủ yếu cho các hộ gia đình TQ và cũng là biểu hiện rõ nét nhất cho thấy sự thất bại của TQ. Kể từ khi cuộc thương chiến bắt đầu, TQ đã áp mức thuế cao hơn lên các sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ, với mức thuế đối với thịt heo tăng từ 12% đến 62%. Chiến lược đó đã thất bại và làm đảo lộn thói quen tiêu dùng của người dân TQ.

Bên cạnh đó, TQ đang phải đối phó với đợt dịch tả heo châu Phi tồi tệ khiến nước này có thể mất tới 50% tổng số heo vào cuối năm 2019. Giá thịt heo đã tăng hơn 46% cho đến nay và một số chuyên gia dự đoán mức tăng giá có thể sẽ tăng hơn 80% vào năm tới. Với vai trò then chốt của thịt heo trong chế độ ăn của người TQ, bất ổn xã hội sẽ lên cao nếu giá thịt heo tiếp tục tăng vọt trong khi nguồn cung tiếp tục thưa thớt.

Đồng thời, những bất ổn của vùng vịnh có thể đẩy giá dầu tăng vọt. Cây bút Nathaniel Taplin của The Wall Street Journal gọi TQ là bên thua cuộc lớn nhất nếu giá dầu tăng, vì nước này là nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Sự kết hợp của giá dầu và thực phẩm cao hơn sẽ không chỉ làm tăng áp lực lên nền kinh tế TQ đang chậm lại mà còn khiến một số biện pháp kích thích kinh tế của TQ, chẳng hạn như phá giá tiền tệ, có nhiều rủi ro. 

Thương chiến Mỹ - Trung: Vì sao ông Trump “xuống nước” với TQ?

Khi thương chiến Mỹ - Trung khiến ông Trump phải đối mặt với gánh nặng suy giảm kinh tế, Washington mới chính là phía cần...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo KIM NGUYÊN ([Tên nguồn])
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN