Thuốc trị COVID-19 đã có, nhưng bao giờ mới đến tay các nước?
Bước vào năm dịch thứ ba, nhiều người dân trên thế giới vẫn bày tỏ lo ngại về nguy cơ xảy ra tình trạng phân phối thuốc trị COViD-19 thiếu công bằng giữa những nước giàu và nghèo.
Tuyên bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rằng biến thể Omicron là một “Biến thể đáng quan tâm” đã đưa ra một lời nhắc nhơ rõ ràng về cơ hội tiếp cận thuốc trị COVID-19 một cách công bằng đối với mọi quốc gia trên thế giới.
Đặc biệt, trước sự phân bổ thiếu công bằng của vaccine ngừa COVID-19 giữa các nước giàu và các quốc gia nghèo trong khoảng thời gian qua lại càng khiến nhiều người lo ngại việc này có thể xảy ra một lần nữa với các loại thuốc trị COVID-19.
Cả thế giới đang chuẩn bị bước vào năm dịch thứ ba, và câu hỏi liệu tình hình sản xuất và phân phối thuốc trị COVID-19 của các hãng dược có khả quan hơn đối với công dân toàn cầu hay không vẫn rất khó có thể trả lời được.
Merck tuyên bố sẽ đảm bảo phân phối thuốc trị COVID-19 cho các nước giàu và nghèo cùng lúc
Hãng dược phẩm Mỹ Merck hôm 10-11 đã tuyên bố sẽ đảm bảo phân phối thuốc trị COVID-19 Molnupiravir của họ cùng một lúc tại các nước giàu lẫn nghèo, cố gắng hết sức để tránh sự mất công bằng từng xảy ra trong đợt triển khai vaccine toàn cầu khoảng thời gian vừa qua.
Hãng dược phẩm Mỹ Merck tuyên bố sẽ đảm bảo phân phối thuốc trị COVID-19 Molnupiravir của họ cùng một lúc tại các nước giàu lẫn nghèo. Ảnh: Getty
Một hãng tin của Pháp dẫn lời ông Paul Schaper, Giám đốc điều hành chính sách toàn cầu của Merck, cho biết công ty này đã lên chiến lược phân phối từ tháng 7-2020, rất lâu trước khi kết quả về mức độ hiệu quả của loại thuốc mà công ty phát triển được công bố vào tháng 10-2021.
“Chúng tôi bắt đầu lên kế hoạch phát triển chuỗi cung ứng của mình từ rất sớm và công ty dự kiến có 10 triệu liều thuốc sẵn sàng vào cuối năm 2021 và nhiều hơn ít nhất gấp đôi con số đó vào năm 2022” - ông Schaper tuyên bố.
Giám đốc điều hành Merck cho hay loại thuốc do họ sản xuất sẽ được định giá theo một khung phân cấp dựa trên khả năng thanh toán của mỗi quốc gia, được xác định từ dữ liệu của tổ chức Ngân hàng Thế giới (World Bank).
Ngoài nguồn cung tại Mỹ và Canada, Merck đã cấp phép sản xuất thuốc cho tám đối tác ở Ấn Độ, đồng thời ký thỏa thuận cấp phép tự nguyện với Sáng kiến chia sẻ bằng sáng chế dược (MPP) được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn để thúc đẩy tiếp cận thuốc ở 105 quốc gia.
Những viên thuốc trị COVID-19 Molnupiravir do hãng dược Mỹ Merck sản xuất. Ảnh: Reuters
“Trong quý một và quý hai của năm 2022, chúng tôi sẽ phân phối một lượng đáng kể thuốc trị COVID-19 của Merck ở các nước có thu nhập thấp và trung bình” - ông Schaper nói thêm.
Ông Schaper cho hay Merck “thực sự có cơ hội để đưa thuốc trị COVID-19 đến với mọi người một cách công bằng hơn”, đồng thời khẳng định các quốc gia có thu nhập thấp, trung bình và cao sẽ có thể tiếp cận nguồn thuốc “gần như cùng một lúc”.
Molnupiravir là thuốc kháng virus đầu tiên đặc trị COVID-19, có thể dễ dàng kê đơn để ngăn các ca bệnh nhẹ và trung bình chuyển biến nghiêm trọng và được đánh giá là thành phần còn thiếu của kho vũ khí y tế chống lại đại dịch.
Pfizer sẽ cho phép sản xuất và bán thuốc trị COVID-19 với giá rẻ ở các nước nghèo
Trong khi đó, vào ngày 16-11, hãng dược phẩm Mỹ Pfizer đã công bố một thỏa thuận cho phép họ sản xuất và bán thuốc điều trị COVID-19 của công ty ở 95 quốc gia nghèo, nơi sinh sống của hơn một nửa dân số thế giới.
Cùng với Merck, thỏa thuận mới của Pfizer sẽ làm tăng khả năng mở rộng quy mô sản xuất các loại thuốc trị COVID-19 trên toàn cầu, từ đó thay đổi tình hình đại dịch theo hướng tốt hơn, tờ The New York Times cho hay.
Các nhân viên y tế đang chăm sóc một bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Bệnh viện Greenacres ở Port Elizabeth, Nam Phi. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Theo thỏa thuận, Pfizer sẽ cấp giấy phép miễn phí bản quyền thuốc trị COVID-19 của mình với MPP. Các nhà sản xuất sau đó sẽ nhận được công thức chế tạo thuốc của Pfizer và có thể bán loại thuốc này ở 95 quốc gia đang phát triển, chủ yếu ở châu Phi và châu Á, sau khi các cơ quan quản lý của họ cấp phép sử dụng.
“Thỏa thuận này thực sự quan trọng đối với các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, bởi vì nó sẽ giúp việc sản xuất và phân phối thuốc dễ thực hiện hơn với giá thành tương đối rẻ” - ông Charles Gore, Giám đốc điều hành MPP nhận định.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo ngại về việc liệu thỏa thuận trên có đủ để đảm bảo thuốc trị COVID-19 được phân phối đến các quốc gia nghèo đang thiếu vaccine ngừa COVID-19 hay không.
Hãng dược phẩm Merck sẽ cho phép sản xuất thuốc trị COVID-19 Molnupiravir và bán với giá rẻ ở 105 quốc gia nghèo. Ảnh: MERCK
Thỏa thuận của Pfizer cũng loại trừ một số quốc gia nghèo bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh như. Brazil, một trong những quốc gia có số người tử vong cao nhất thế giới, Cuba, Iraq, Libya và Jamaica. Các quốc gia này sẽ phải mua thuốc trực tiếp từ Pfizer, rất có thể với giá cao hơn so với mức mà các nhà sản xuất trung gian bán ra.
Trung Quốc và Nga, những quốc gia có thu nhập trung bình với tổng dân số hai nước lên tới 1,5 tỉ người, cũng- bị loại khỏi thỏa thuận này của Pfizer.
Ngoài ra, việc sản xuất thuốc điều trị của chính Pfizer cũng sẽ bị hạn chế. Công ty dự kiến sẽ tăng cường khả năng sản xuất, với ít nhất 50 triệu liều thuốc trị COVID-19 được phân phối vào năm 2022, bao gồm 21 triệu liều trở lên trong nửa đầu năm 2022.
Tập đoàn dược phẩm Mỹ còn cho biết họ sẽ tính phí mua thuốc ở các quốc gia nghèo ít hơn so với các quốc gia giàu có hơn.
Theo ông Gore, đã có hơn 20 công ty liên hệ với MPP và bày tỏ sự quan tâm đến giấy phép sản xuất thuốc của Pfizer và việc sản xuất có thể bắt đầu vào quý đầu tiên của năm 2022. Tuy nhiên, việc tiếp cận thuốc của người dân còn phải phụ thuộc vào tốc độ phê duyệt của các cơ quan quản lý và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Giữa lúc biến thể Omicron lây lan nhanh chóng, chính phủ các nước tìm cách kiểm soát dịch bệnh Covid-19 mà không làm tê liệt...
Nguồn: [Link nguồn]