Thực hư TQ phóng mặt trời nhân tạo nóng gấp 5 lần Mặt trời thật vào vũ trụ
Một video gần đây gây xôn xao mạng xã hội khi quay cảnh một khối cầu sáng chói như mặt trời được phóng lên từ mặt đất.
Video khiến nhiều người cho rằng Trung Quốc phóng "mặt trời nhân tạo" lên vũ trụ. Nguồn: AuxGod
Hãng Reuters hôm 11/1 đưa tin, video dài 30 giây, quay cảnh một đám đông người Trung Quốc tụ tập trên bãi biển. Nhiều người giơ điện thoại di động quay lại cảnh tượng một khối cầu sáng lóa bay lên bầu trời.
Một tài khoản Youtube chia sẻ video với dòng ghi chú: "Trung Quốc đã phóng thành công mặt trời nhân tạo trị giá 1 nghìn tỷ USD, có sức nóng gấp 5 lần mặt trời tự nhiên".
Tài khoản RapTV đăng tải video trên Twitter với dòng ghi chú: "Trung Quốc ra mắt mặt trời nhân tạo mới".
Theo Reuters và News Week, video này không phải quay cảnh phóng mặt trời nhân tạo của Trung Quốc mà chỉ là cảnh phóng tên lửa vũ trụ.
Hãng Reuters xác nhận, tiếng người nói trong video là tiếng Trung Quốc và cụm từ "phóng tên lửa" được lặp lại nhiều lần. Dù không tìm được video gốc, nhưng hãng tin của Anh cho biết, vị trí của video trùng khớp với các hình ảnh về Longlou - một thị trấn ven biển ở huyện Văn Xương, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc - nơi có bãi phóng tàu vũ trụ Văn Xương.
Bức ảnh một người chia sẻ lên Twitter hôm 23/12/2021 (trái) giống với góc quay trong video hồi tháng 1/2022. Ảnh: Twitter
Chiều 23/12/2021, một người dùng Twitter đăng tải bức ảnh bãi biển có nhiều người tụ tập giống như góc quay của video lan truyền trên mạng xã hội gần đây. Bãi biển và các cấu trúc xây dựng ở phía xa trùng khớp với các hình ảnh của thị trấn Longlou được truyền thông Trung Quốc đăng tải.
Hãng Tân Hoa xã năm 2020 có bài viết về Longlou, nói rằng bãi phóng tàu vũ trụ Văn Xương đã giúp thị trấn này thu hút lượng lớn du khách tới bãi biển để chiêm ngưỡng cảnh phóng tàu vũ trụ hoặc tên lửa vũ trụ.
Hình ảnh cắt từ video (trái) và ảnh chụp thực tế một vụ phóng tên lửa vào ban đêm không có quá nhiều khác biệt. Điều này khiến nhiều người dễ nhầm thứ phóng lên có hình cầu giống mặt trời. Ảnh: News Week
Theo các chuyên gia, tên lửa phóng lên nhìn giống hình cầu không phải hiếm, nhất là khi các vụ phóng tên lửa vũ trụ diễn ra vào buổi tối hoặc ban đêm. Lúc đó, hầu hết mọi sự chú ý chỉ dồn vào phần cầu lửa ở đuôi tên lửa. Đó là lí do vì sao nhiều người lầm tưởng thứ phóng lên trong video là khối cầu giống mặt trời nhân tạo.
Việc nhiều người nhầm lẫn khi cho rằng video quay cảnh Trung Quốc phóng "mặt trời nhân tạo" lên vũ trụ là có cơ sở. Nhất là khi video được chia sẻ sau thông tin Trung Quốc có "mặt trời nhân tạo" với sức nóng gấp 5 lần mặt trời tự nhiên.
Theo News Week, "mặt trời nhân tạo" của Trung Quốc thực chất là một lò phản ứng tổng hợp hạt nhân EAST (Thử nghiệm siêu dẫn tiên tiến Tokamak) duy trì nhiệt độ 70 triệu độ C trong 1.056 giây. Nó được đầu tư số tiền 1 nghìn tỷ USD. "Mặt trời nhân tạo" là một cấu trúc khổng lồ dưới mặt đất chứ không có hình dạng như mặt trời tự nhiên và không được phóng lên vũ trụ như lời đồn đoán.
Duy trì sức nóng khủng khiếp của “Mặt trời nhân tạo” trong suốt thời gian dài, Trung Quốc vừa đạt được bước đột...
Nguồn: [Link nguồn]