Thực hư tiếng "rồng gầm gừ" kỳ quái ở vùng núi TQ, thu hút hàng nghìn người tới xem
Hàng nghìn người dân địa phương ở Trung Quốc đã đổ tới vùng núi, nơi phát ra tiếng kêu kỳ quái mà nhiều người cho là tiếng của "rồng đang gầm gừ". Sự việc gây hoang mang lớn buộc giới chức địa phương phải vào cuộc điều tra.
Video: Người dân hiếu kỳ đổ xô tới ngọn núi có âm thành kỳ quái. Nguồn: Pear Video/DM
Tờ Daily Mail hôm 3/7 đưa tin, video "gây sốt" trên mạng xã hội Trung Quốc gần đây cho thấy hàng nghìn người dân địa phương hiếu kỳ đã tới đỉnh núi ở Xiushui, thuộc tỉnh Quý Châu, tây nam Trung Quốc, để được nghe âm thanh kỳ quái, được cho là tiếng kêu của "rồng".
Quan chức địa phương thậm chí phải thiết lập các rào chắn để ngăn số lượng lớn người tụ tập trên núi và cử một nhóm điều tra nguồn gốc của tiếng kêu kỳ lạ.
Theo truyền thông địa phương, người dân ở Xiushui đã tập trung lên núi sau khi các nông dân nghe thấy âm thanh kỳ lạ hôm 20/6.
Cảnh quay cho thấy nhiều người dân địa phương kéo lên núi, chăm chú lắng nghe và tìm tới khu vực phát ra âm thanh chói tai. Một số người còn hét lớn: "Nó đang gầm rú. Nó đang gầm rú".
Video lập tức thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng Trung Quốc sau khi được chia sẻ. Một số cư dân mạng cho rằng đây là tiếng kêu của "rồng" trong khi số khác nói âm thanh này chỉ là tiếng hổ gầm gừ.
Quan chức tỉnh Quý Châu đã cử một nhóm chuyên gia tới điều tra nguồn gốc âm thanh kỳ quái sau khi video được chia sẻ rầm rộ.
Các nhà động vật học thuộc nhóm chuyên gia cuối cùng kết luận âm thanh kỳ quái đúng là xuất phát từ một loài động vật nhưng không phải "rồng" hay hổ như dân mạng đồn đoán. Loài động vật này là một giống chim nhỏ có tên: Cun cút chân vàng. Tuy chỉ lớn hơn chim sẻ một chút nhưng chúng lại có tiếng kêu vô cùng uy lực.
Trong suốt mùa sinh sản, con cái liên tục phát ra tiếng kêu lớn có thể nghe thấy từ khoảng cách 100 mét.
Kết luận của các chuyên gia được một số dân làng, những người nhìn thấy giống chim nhỏ kêu, xác thực.
Liu Fuqiong, một giáo viên tiểu học địa phương, chia sẻ với Pear Video: "Âm thanh đó ngân nga khoảng 2-3 lần, mỗi lần khoảng 6-7 phút. Nó rất kỳ quái.
Hàng chục người dân đã chạy tới nơi có âm thanh trên cánh đồng ngô và họ phát hiện nó xuất phát từ một con chim màu vàng có đuôi ngắn".
Ran Jingcheng, giám đốc Trung tâm bảo vệ động vật hoang dã tỉnh Quý Châu, cho biết: "Người dân ở khu vực khác gần ngọn núi cũng nghe thấy âm thanh tương tự. Nhưng họ không quá tò mò về nó".
Cảnh sát địa phương cho biết đã bắt giữ ít nhất 4 người dân vì lan truyền tin đồn trên mạng xã hội cho rằng âm thanh này là do "rồng gầm gừ".
Hồi tháng 7/2019, một sự việc tương tự cũng xảy ra ở Trung Quốc liên quan tới bức ảnh "rồng khổng lồ dài 120 mét gây động đất" khiến mạng xã hội TQ hoảng loạn.
Theo SCMP, bức ảnh con rắn lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc với dòng mô tả đây là “rồng khổng lồ gây ra động đất kinh hoàng ở tỉnh Tứ Xuyên vào tháng trước”.
Bức ảnh người đàn ông họ Trương đăng tải trên mạng xã hội Trung Quốc. Ảnh: SCMP
Trận động đất 6 độ richter xảy ra hôm 17/6/2019 đã khiến 13 người thiệt mạng. Sau đó, người đàn ông 50 tuổi họ Trương bị cảnh sát bắt giữ với cáo buộc tung tin đồn thất thiệt, gây hoảng loạn trên mạng xã hội.
Cảnh sát Trung Quốc mất gần một tháng để điều tra về bức ảnh gây “hoảng loạn quy mô lớn trên mạng xã hội”. Trương được xác định là người đăng tải bức ảnh sinh vật giống như rắn, nhưng viết là “rồng khổng lồ dài 120 mét, đường kính 1,5 mét nhảy lên khỏi mặt nước, thu hút hàng ngàn người hiếu kỳ”.
Sau khi bị bắt giam, Trương đã lên tiếng xin lỗi và giải thích rằng mình chỉ muốn đùa cợt sau khi nhìn thấy một con rắn trên mạng xã hội.
Một người đàn ông ở phía tây nam Trung Quốc đã bị bắt giữ với cáo buộc lan truyền tin đồn thất thiệt, sau khi bức...
Nguồn: [Link nguồn]