Thực hư tên lửa Triều Tiên "hạ gục mọi mục tiêu trên Trái đất"

Triều Tiên được cho là đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 (KN-14) lần đầu tiên sau 2 năm phát triển và nghiên cứu.

Thực hư tên lửa Triều Tiên "hạ gục mọi mục tiêu trên Trái đất" - 1

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã giới thiệu cho cả thế giới sức mạnh tên lửa tối thượng của Triều Tiên.

Theo CNN, truyền hình nhà nước Triều Tiên (KCTV) tuyên bố nước này đã phóng tên lửa KN-14 vào sáng ngày 4.7. Đây là loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hiện đại nhất trong kho vũ khí của Triều Tiên.

KCTV phát đi thông điệp tuyên bố: “Kim Jong-un, các nhà khoa học và kỹ sư tên lửa đã phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa KN-14. Tên lửa bay 39 phút và rơi chính xác xuống mục tiêu giả định trên biển”.

“Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã trực tiếp thị sát và ra lệnh gửi thông điệp phóng tên lửa thành công đến người dân trên khắp thế giới. Đây là bước tiến nhảy vọt trong công nghệ ICBM Triều Tiên”, KCTV tuyên bố.

“Vụ phóng KN-14 thành công giúp tăng cường năng lực phòng thủ, cũng như giúp Triều Tiên tấn công bất kỳ mục tiêu nào trên thế giới”.

“Tên lửa KN-14 đánh dấu chấm hết cho mối đe dọa từ Mỹ và sẽ đảm bảo hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên”, KCTV nói.

Triều Tiên tuyên bố tên lửa đạt độ cao 2.802km và bay xa 930km, lập kỷ lục so với bất cứ vụ phóng thử nào trước đây. KN-14 cũng được cho là có thể bay với vận tốc 6,4 km/giây.

Trước đó một ngày, bài xã luận đăng trên Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên nhận định, tên lửa đạn đạo tầm xa do nước này phát triển có khả năng hạ gục bất cứ mục tiêu nào trên Trái Đất và không thể bị theo dõi do được khai hỏa chóng vánh và có tốc độ bay rất nhanh.

Thực hư tên lửa Triều Tiên "hạ gục mọi mục tiêu trên Trái đất" - 2

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Triều Tiên phóng ngày 4.7 đủ sức đánh trúng nhiều thành phố lớn ở Mỹ.

Theo các chuyên gia, KN-14 chính là loại ICBM xuất hiện trong lễ duyệt binh ở Bình Nhưỡng hồi tháng 4. Đây là loại tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng, dài 16,9 - 17,4m, đường kính 1,8 – 2,0m. Tên lửa có tầm bắn tối đa khoảng 10.000km và mang theo đầu đạn thông thường nặng 700kg hoặc đầu đạn hạt nhân.

KN-14 được phát triển từ mẫu tên lửa đạn đạo KN-08 thất bại của Triều Tiên. Bình Nhưỡng được cho là đã hai lần phóng thử KN-08 vào năm 2016 nhưng đều không thành công. Phía Mỹ chỉ coi hai vụ phóng này là tên lửa đạn đạo tầm trung.

So với KN-08, tên lửa KN-14 chỉ sử dụng 2 tầng nhiên liệu, kích thước lớn hơn nhưng tổng trọng lượng lại nhẹ hơn nhiều nhờ vào cấu trúc và vật liệu hiện đại.

Tên lửa đạn đạo tầm xa KN-14 của Triều Tiên trông khá giống với mẫu tên lửa R-29 của Nga.

Các tên lửa đạn đạo R-29 Nga có thể mang đầu đạn hạt nhân từ 200-500 kt, gấp 25 lần quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống thành phố Nagasaki, Nhật Bản trong Thế chiến 2.

Thực hư tên lửa Triều Tiên "hạ gục mọi mục tiêu trên Trái đất" - 3

Tên lửa KN-14 Triều Tiên giới thiệu trong cuộc duyệt binh hồi tháng 4.

Với tầm bắn 10.000km, KN-14 có thể đánh trúng nhiều thành phố lớn ở Mỹ như Chicago, California, Los Angeles nhưng chưa thể tấn công thủ đô Washington, Mỹ.

Theo các chuyên gia, tên lửa KN-14 nhiều khả năng vẫn chưa thể được trang bị đầu đạn hạt nhân vì Triều Tiên chưa làm chủ công nghệ này.

Euan Graham, giám đốc chương trình an ninh quốc tế tại Viện Lowy ở Sydney, Úc nhận định, một vụ phóng thử thành công không có nghĩa là Triều Tiên đã sở hữu năng lực tấn công toàn cầu như nước này tuyên bố.

Theo nguồn tin trên trang mạng 38 North, tên lửa KN-14 chỉ đạt hiệu suất tin cậy 50-60%. Nhưng Triều Tiên có thể đã cải thiện năng lực tên lửa dựa trên mẫu động cơ mới và nâng cấp radar dẫn đường.

“Chúng ta cần phải đánh giá dựa trên yếu tố kỹ thuật. Một vụ phóng thành công chưa thể giúp họ đạt được bước tiến lớn đến vậy. Họ đang ngộ nhận về thành công”, ông Graham nói.

Nếu Triều Tiên nã tên lửa hạt nhân, Mỹ chống đỡ ra sao?

Tên lửa đạn đạo tầm xa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân mà Triều Tiên mới công bố, tạo ra mối đe dọa thường...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN