Thực hư chuyện Argentina cấm cha mẹ đặt tên con là Messi
Cái tên của siêu sao bóng đá Lionel Messi, người vừa góp công lớn giúp đội tuyển Argentina lọt vào vòng tứ kết World Cup 2022 không hề được chính phủ nước này ra quy định riêng để bảo vệ như một số người lầm tưởng.
Cầu thủ Messi trong trận Argentina thắng Úc 2 – 1 hôm 4/12 (ảnh: Reuters)
Là ngôi sao hàng đầu làng bóng đá thế giới, cái tên Lionel Messi chắc chắn rất được ưa chuộng và có độ phủ sóng không hề nhỏ. Nhiều phụ huynh ở Argentina, Tây Ban Nha, Mỹ… muốn đặt tên con là Lionel Messi.
Trong tiếng Latinh, Lionel hay Leo (biệt danh của Lionel Messi) có nghĩa là con sư tử, biểu tượng cho sự dũng mạnh và dẫn đầu. Vì vậy, Lionel Messi không chỉ là một cái tên nổi tiếng mà còn là một cái tên đẹp.
Năm 2004, thời điểm Messi mới ra mắt câu lạc bộ Barcelona và chưa có nhiều danh tiếng, chính quyền thành phố Barcelona chỉ ghi nhận có khoảng 11 đứa trẻ được đặt tên là Leo. Đến năm 2014, số trẻ mang tên Leo đã vượt 400 trường hợp.
Năm 2019, Viện Thống kê vùng Catalan (Tây Ban Nha) ghi nhận có khoảng 500 trẻ em chào đời trong năm được đặt tên là Leo, chiếm 8,22% tổng số bé trai mới sinh trong vùng. “Leo” ngày nay là cái tên phổ biến ở Tây Ban Nha.
Tuy nhiên, ở Argentina (quê hương của cầu thủ Messi), việc đặt tên con là Messi lại không hề dễ dàng. Theo một đạo luật ban hành vào năm 1969 ở Argentina, người dân không được lấy họ để đặt làm tên cho một đứa trẻ, theo Reuters.
3 cậu con trai của Messi (ảnh : CNN)
Năm 2014, cặp vợ chồng ông Daniel Varela ở thành phố General Roca (Argentina) đã cố gắng “lách” quy định này. Họ làm đơn để xin phép chính quyền cho phép đặt tên con là Messi, mặc dù Messi là một họ ở Argentina.
Nhờ lá đơn bày tỏ sự hâm mộ với siêu sao bóng đá, nguyện vọng của vợ chồng ông Daniel Varela được chấp nhận. Con trai họ tên là Messi Daniel Varela.
Sự việc sau đó nhanh chóng trở nên nổi tiếng ở Argentina. Để ngăn chặn nhiều cha mẹ bắt chước, chính quyền thành phố Rosario, tỉnh Santa Fe (nơi Lionel Messi sinh ra) đã ra quy định cấm cha mẹ đặt tên con là Messi.
Tuy nhiên, quy định này nhằm ngăn chặn các trường hợp muốn “lách” đạo luật năm 1969, chứ không phải bảo vệ cái tên của cầu thủ Lionel Messi.
Quy định của thành phố Rosario cũng không hề mới như một số phương tiện truyền thông đưa tin. Chính quyền thành phố ban hành nó vào năm 2014, 8 năm trước khi Messi dự World Cup 2022.
“Quy định nghiêm cấm sử dụng họ làm tên vì như vậy dễ gây nhầm lẫn”, Gonzalo Carrillo – quan chức thuộc cơ quan hộ tịch ở tỉnh Santa Fe – cho biết.
Như vậy, lý do “Messi” không phải một cái tên phổ biến ở Argentina vì đây được coi là một họ. Lionel Messi rất nổi tiếng, nhưng chưa đủ ảnh hưởng để chính quyền Argentina phải đặt quy định riêng để bảo vệ cái tên của anh. Thời điểm Argentina ban hành đạo luật năm 1969, Messi vẫn chưa ra đời. Đội trưởng đội tuyển bóng đá Argentina sinh ngày 24/6/1987.
Ông Gonzalo Carrillo thừa nhận rất nhiều phụ huynh ở tỉnh Santa Fe muốn đặt tên con là Messi, nhưng họ nên tuân thủ đạo luật năm 1969 bởi quá nhiều tên Messi có thể gây nhầm lẫn trên giấy tờ.
Ban đầu, một số cổ động viên nước ngoài lo ngại rằng, họ có thể gây khó chịu với người dân Qatar nếu sử dụng món đồ này, nhưng thực tế lại khác xa.
Nguồn: [Link nguồn]