Thực hư Anh "thả cửa" cho Covid-19 bùng phát để có miễn dịch cộng đồng

Hàng trăm nhà khoa học đã cảnh báo rằng phương pháp miễn dịch cộng đồng sẽ "đẩy thêm nhiều người vào chỗ chết" sau khi xuất hiện thông tin chính phủ Anh "ngó lơ" cho dịch Covid-19 lây lan rộng để tạo ra miễn dịch cộng đồng. Bộ Y tế Anh hôm 15/3 đã lên tiếng làm rõ sự việc.

Nguồn cơn thông tin miễn dịch cộng đồng ở Anh

Chuyên gia Patrick Vallance, Trưởng cố vấn khoa học Chính phủ Anh. Ảnh: Civil Service Quarterly

Chuyên gia Patrick Vallance, Trưởng cố vấn khoa học Chính phủ Anh. Ảnh: Civil Service Quarterly

Ngày 13/3, chuyên gia Patrick Vallance, Trưởng cố vấn khoa học Chính phủ Anh, cho biết kiểm soát lây lan dịch Covid-19 bằng cách để dân số miễn dịch với bệnh (miễn dịch cộng đồng) là một phần trong chiến lược của chính phủ Anh.

Cụ thể, miễn dịch cộng đồng (hay thả nổi đỉnh dịch), là quá trình chủ động để virus lây lan trên diện rộng, đến khi đủ người nhiễm sẽ tự hình thành cơ chế miễn dịch cộng đồng và chặn đứng virus, theo David Halpern, trưởng Nhóm nghiên cứu hiểu biết hành vi kiêm thành viên Nhóm cố vấn khoa học cho các tình huống khẩn cấp thuộc chính phủ Anh.

Đồng thời với quá trình này, cơ quan y tế sẽ thực hiện các biện pháp để bảo vệ nhóm có nguy cơ tử vong cao (người già, người mắc bệnh nền), sao cho virus chỉ lan truyền trong nhóm đủ sức khỏe để chống chọi, hình thành kháng thể. Tới một thời điểm nhất định, không còn người nhiễm bệnh mới và dịch bệnh từ đó được kiểm soát. Đó cũng là lúc người có nguy cơ nhiễm sẽ không bị lây bệnh bởi xung quanh họ đều là những người miễn nhiễm với virus.

Theo ước tính ban đầu, miễn dịch cộng đồng với Covid-19 ở Anh cần ít nhất 50- 60% dân số bị nhiễm bệnh (khoảng 36 - 40 triệu người).

Hàng trăm nhà khoa học phản đối cách tiếp cận “khác người”

Phương pháp miễn dịch cộng đồng bị nhiều nhà khoa học phản đối vì nguy cơ tiềm ẩn mà nó có thể gây ra. Ảnh minh họa: Sky News

Phương pháp miễn dịch cộng đồng bị nhiều nhà khoa học phản đối vì nguy cơ tiềm ẩn mà nó có thể gây ra. Ảnh minh họa: Sky News

Sau khi thông tin về phương pháp miễn dịch cộng đồng được chia sẻ, 229 nhà khoa học từ các trường đại học ở Anh cảnh báo trong một bức thư ngỏ được công bố đêm 14/3 (giờ địa phương) rằng cách tiếp cận này của chính phủ sẽ đẩy Dịch vụ Y tế quốc gia Anh (NHS) vào thế khó và "mạo hiểm mạng sống của nhiều người".

Trong thư ngỏ, các nhà khoa học lập luận rằng "các biện pháp giữ khoảng cách khi giao tiếp xã hội" mạnh hơn sẽ làm chậm "đáng kể" tốc độ lây lan dịch Covid-19 ở Anh, nhờ đó cứu được "hàng nghìn người".

Nhóm 229 nhà khoa học cũng nói rằng các biện pháp hiện tại của chính phủ Anh là "chưa đủ" và "nên áp dụng các biện pháp hạn chế mạnh hơn ngay lập tức" giống như nhiều nước khác.

Cách đối phó với dịch Covid-19 ở Anh hoàn toàn trái ngược với các nước trên thế giới. Italia đã phong tỏa toàn quốc kể từ hôm 10/3, trong khi Ba Lan chuẩn bị đóng cửa biên giới trong 2 tuần. Vào 23h ngày 14/3 (giờ địa phương), chính phủ Pháp cũng ra lệnh đóng cửa toàn bộ các địa điểm công cộng không thiết yếu. Tây Ban Nha ngày 16/3 cũng bắt đầu lệnh phong tỏa toàn quốc trong 15 ngày.

Trong thư ngỏ, các nhà khoa học còn chỉ trích bình luận của chuyên gia Patrick Vallance về phương pháp miễn dịch cộng đồng. Họ nhận định rằng: "Miễn dịch cộng đồng thời điểm này dường như không phải là lựa chọn khả thi".

Một vấn đề khác được 229 nhà khoa học nhắc tới là quan điểm của chính phủ cho rằng người dân sẽ chán ngấy với những lệnh hạn chế nếu chúng được đưa ra quá sớm.

Trong khi đó, nhóm cố vấn khoa học trong trường hợp khẩn cấp cho chính phủ Anh khuyến cáo các biện pháp bảo vệ người dễ bị dịch Covid-19 tấn công, bao gồm cả tự cách ly ở nhà, "cần phải được làm sớm".

Theo giáo sư Willem van Schaik của Đại học Birmingham (Anh), nhược điểm lớn nhất của phương pháp miễn dịch cộng đồng ở Anh là số lượng người bị lây nhiễm quá lớn (ít nhất 36-40 triệu dân).

"Chúng tôi đang thận trọng xem xét tới hệ lụy có hàng chục nghìn, thậm chí là hàng trăm nghìn người chết. Ngoài ra, để thực hiện phương pháp miễn dịch cộng đồng hiệu quả, chính phủ phải giải quyết được vấn đề quá tải cho NHS khi hàng chục triệu người nhiễm bệnh nhập viện trong thời gian ngắn", giáo sư Schaik nhận định.

Ông Schaik còn nhấn mạnh rằng Anh là nước duy nhất ở châu Âu dường như có "thái độ dửng dưng với virus Corona chủng mới".

Chính phủ và giới chức y tế Anh lên tiếng

Một phát ngôn viên của Bộ Y tế và chăm sóc xã hội Anh cho biết tuyên bố của chuyên gia Patrick đã bị hiểu sai.

"Miễn dịch cộng đồng không nằm trong kế hoạch chống dịch của nước Anh mà nó là sản phẩm chọn lọc tự nhiên của dịch bệnh. Mục đích của chúng tôi là cứu được nhiều sinh mạng, bảo vệ những người dễ tử vong khi virus tấn công và giảm áp lực lên NHS.

Hiện tại, chúng tôi đã chuyển từ giai đoạn 1 (ngăn chặn) sang giai đoạn 2 (trì hoãn) và các chuyên gia đang làm việc suốt ngày đêm. Mọi biện pháp mà chúng tôi có đều được dựa trên các bằng chứng khoa học chính xác nhất", BBC News dẫn lời phát ngôn viên của Bộ Y tế và chăm sóc xã hội Anh, cho hay.

Trong khi đó, Daily Mail dẫn lời Bộ trưởng Y tế và Chăm sóc xã hội Anh, Matt Hancock, xác nhận miễn dịch cộng đồng không phải một phần kế hoạch đối phó dịch Covid-19 của Anh.

"Chúng tôi có một kế hoạch, căn cứ vào chuyên môn của các nhà khoa học hàng đầu thế giới. Nhưng miễn dịch cộng đồng không nằm trong kế hoạch ấy", tờ Telegraph dẫn lời Bộ trưởng Y tế và Chăm sóc xã hội Anh.

Bộ trưởng Y tế và Chăm sóc xã hội Anh, Matt Hancock. Ảnh: Getty

Bộ trưởng Y tế và Chăm sóc xã hội Anh, Matt Hancock. Ảnh: Getty

Ông Hancock nói thêm rằng miễn dịch cộng đồng giống một khái niệm khoa học nhiều hơn là một phương pháp chiến lược.

"Phương pháp chiến lược của chúng tôi là bảo vệ những người dễ có nguy cơ tử vong và giảm áp lực cho NHS thông qua 4 giai đoạn: ngăn chặn, trì hoãn, nghiên cứu và xóa bỏ", ông Hancock tuyên bố.

Chính phủ Anh cũng đáp trả chỉ trích cho rằng mục tiêu của Thủ tướng Anh là nhằm tạo ra miễn dịch cộng đồng - nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu của Anh là bảo vệ được càng nhiều người dân càng tốt.

"Chẳng có gì liên quan tới miễn dịch cộng đồng ở đây cả. Mục đích của chúng tôi là bảo vệ người dân bằng cách điều chỉnh sự can thiệp tùy theo tình hình dịch bệnh. Nếu điều đó dẫn tới miễn dịch cộng đồng, đó là một kết quả không mong muốn chứ không phải mục đích của Anh từ đầu là như vậy", một nguồn tin từ dinh Thủ tướng Anh cho biết.

Kế hoạch đối phó dịch Covid-19 của Anh

Kế hoạch đối phó dịch Covid-19 của Anh gồm 4 giai đoạn. Ảnh minh họa: Sky News

Kế hoạch đối phó dịch Covid-19 của Anh gồm 4 giai đoạn. Ảnh minh họa: Sky News

Theo Sky News, kế hoạch đối phó dịch Covid-19 của Anh gồm 4 giai đoạn: ngăn chặn, trì hoãn, nghiên cứu và xóa bỏ.

Giai đoạn 1 là ngăn chặn. Kế hoạch tổng thể ghi rõ mục tiêu của giai đoạn 1 là "ngăn chặn dịch bệnh sao để nó không xuất hiện ở Anh càng lâu càng tốt".

Công việc chủ yếu ở giai đoạn này phát hiện sớm nhất các trường hợp nhiễm Covid-19 và lần dấu mọi liên hệ với các trường hợp nhiễm này để ngăn dịch bệnh lây lan rộng.

Chính phủ Anh hy vọng các biện pháp trên sẽ giúp giảm gánh nặng lớn cho hệ thống y tế NHS. Nếu để dịch lan rộng, NHS sẽ phải chật vật giải quyết tình trạng quá tải bởi một lượng lớn bệnh nhân cần nhập viện.

Điều này càng quan trọng hơn khi các bệnh nhân dễ bị tổn thương do nhiễm Covid-19 cần phải ở lại viện điều trị trong thời gian dài.

Như một phần của kế hoạch tổng thể, các bệnh viện đang chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng nhiều ca nhiễm mới. Nhân viên y tế được cung cấp thêm vật tư y tế và thiết bị bảo hộ cá nhân.

Giới chức Anh cũng thực hiện cách ly người lây nhiễm cũng như đảm bảo người có nguy cơ lây nhiễm cao trở về nước được theo dõi bởi bác sĩ.

Giai đoạn 2 là trì hoãn (hiện tại, Anh đang ở giai đoạn này). Nếu việc ngăn chặn không hiệu quả và số lượng các trường hợp tăng lên đáng kể, Anh sẽ bước vào giai đoạn 2.

Trong giai đoạn này, chính phủ Anh sẽ làm mọi cách để trì hoãn sự lây lan của Covid-19. Thủ tướng Anh, Boris Johnson, tuyên bố bất cứ người nào có triệu chứng của bệnh như ho liên tục hay sốt cao, phải tự cách ly ở nhà trong một tuần.

Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: PA Wire

Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: PA Wire

Ông Johnson cũng nói thêm rằng việc du học ở nước ngoài nên tạm ngừng, trong khi những người trên 70 tuổi với tình trạng sức khỏe nghiêm trọng không nên đi du lịch trên du thuyền.

Tuyên bố của Thủ tướng Anh được đưa ra trong bối cảnh nhiều lời kêu gọi đóng cửa các trường học, hủy các sự kiện công cộng tập trung đông người như các trận bóng đá, lễ hội và khuyến khích mọi người làm việc ở nhà.

Theo Sky News, một thách thức trong giai đoạn này là việc cân bằng giữa ưu tiên ngăn virus lây lan và giảm thiểu tác động của dịch tới kinh tế, xã hội.

Giai đoạn tiếp theo trong kế hoạch đối phó dịch Covid-19 ở Anh là nghiên cứu. Nếu quá trình trì hoãn thất bại, chính phủ Anh sẽ tập trung nghiên cứu cách thức lây lan của virus và cách người nhiễm bệnh có thể được điều trị hiệu quả nhất.

Anh đang hy vọng có thể trì hoãn đỉnh dịch Covid-19 tới các tháng mùa hè. Khi đó, các nhà khoa học có nhiều thời gian hơn để nghiên cứu và giảm áp cho NHS khi mùa đông tới.

Chính phủ đã bỏ ra 40 triệu bảng cho việc tìm ra loại vắc xin phòng virus Corona chủng mới. Hiện tại, vắc xin đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng, dự kiến kéo dài vài tháng.

Bộ trưởng Y tế và chăm sóc xã hội Anh, Matt Hancock, chia sẻ với Sky News rằng có "sự lạc quan hơn" về các phương pháp điều trị làm giảm tác hại của virus tới người nhiễm bệnh.

Giai đoạn cuối cùng là xóa bỏ. Kế hoạch tổng thể ngụ ý đây là viễn cảnh xấu nhất xảy ra: "Trong giai đoạn này, áp lực lên các dịch vụ và xã hội có thể nhận thấy rõ rệt". Đây cũng là lúc virus đã lây lan quá rộng.

Cảnh sát sẽ chỉ phải giải quyết các tội rất nghiêm trọng và duy trì trật tự công cộng nếu số lượng sĩ quan giảm xuống vì dịch bệnh. Các nhân viên NHS đã nghỉ hưu có thể được gọi lại làm việc trong tình thế cấp bách.

Mục đích của giai đoạn này là đảm bảo những người dễ bị tổn thương nhất trong dịch bệnh được bảo vệ và nhân viên y tế được hỗ trợ khi số lượng bệnh nhân tăng mạnh.

Kế hoạch tổng thể đối phó dịch Covid-19 của Anh cho thấy chính phủ nước này không “thả cửa” để cho dịch bùng phát mà đang cố gắng để trì hoãn đỉnh dịch tới các tháng mùa hè.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Nguồn: [Link nguồn]

Vì sao Anh điều chỉnh chiến lược, ra động thái cứng rắn chống Covid-19?

Theo Sky News, Anh đang điều chỉnh các biện pháp chống dịch lên mức cao hơn vào hôm 16/3 (giờ địa phương) một phần là nhờ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN