Thực hư 3 cái chết bí ẩn của “thường dân” khi ngồi ghế rồng trong Tử Cấm Thành

Ghế rồng (ngai vàng) trong Tử Cấm Thành là biểu tượng quyền lực tối cao của hoàng đế Trung Hoa. Tương truyền, chỉ những người là “chân mệnh thiên tử” mới có thể ngồi lên ghế rồng, nếu không phải, họ sẽ gặp họa sát thân.

Tử Cấm Thành – cung điện có quy mô lớn nhất thế giới và cất giấu nhiều bí ẩn (ảnh: Xinhua)

Tử Cấm Thành – cung điện có quy mô lớn nhất thế giới và cất giấu nhiều bí ẩn (ảnh: Xinhua)

Bên trong Tử Cấm Thành rộng hơn 720.000 mét vuông với hơn 9.000 căn phòng chỉ đặt một chiếc ghế rồng duy nhất. Chiếc ghế này được bố trí chính giữa điện Thái Hòa, dành cho hoàng đế Trung Hoa ngồi mỗi khi bàn chuyện triều chính với quan lại. Trái với suy nghĩ của nhiều người, ghế rồng không làm bằng vàng mà làm từ gỗ quý, sau đó thếp vàng nhiều lớp. Chỉ có những người thợ mộc giỏi nhất Trung Hoa mới được giao công việc đóng ghế rồng, theo Sohu.

Cũng giống như nhiều vật quý giá khác trong Tử Cấm Thành, chiếc ghế rồng ẩn chứa nhiều câu chuyện kỳ bí. Dân gian cho rằng, một chiếc ghế chạm trổ nhiều rồng đặt giữa điện Thái Hòa sẽ sinh ra loại năng lượng huyền bí. Nếu hoàng đế ngồi lên ghế rồng sẽ nhận được sự chúc phúc, nếu “dân thường” ngồi lên ghế rồng, họ có thể bị nguyền rủa và gặp tai ương.

Không rõ thực hư lời đồn đại này thế nào, nhưng trong lịch sử, đã có ít nhất 3 nhân vật mất mạng không lâu sau khi ngồi lên ghế rồng. Cả 3 người này đều không được công nhận là hoàng đế chính thức.

Ngai vàng trong Tử Cấm Thành là biểu tượng quyền lực của hoàng đế (ảnh: Xinhua)

Ngai vàng trong Tử Cấm Thành là biểu tượng quyền lực của hoàng đế (ảnh: Xinhua)

1. Lý Tự Thành

Năm 1627, Sùng Trinh lên ngôi hoàng đế nhà Minh. Dù rất nỗ lực kiến thiết đất nước, nhưng do triều đình quá mục nát, ông không thể xoay chuyển cục diện suy tàn của triều Minh. Những cuộc khởi nghĩa ở Trung Hoa lúc này nổi lên như ong, trong đó có cuộc khởi nghĩa của Lý Tự Thành (Sấm vương).

Năm 1643, quân của Lý Tự Thành chiếm được Tương Dương, đặt làm căn cứ.

Đầu năm 1644, quân khởi nghĩa của Lý Tự Thành đã chiếm được toàn bộ khu vực Thiểm Tây – Cam Túc rộng lớn. Lý Tự Thành xưng là Đại Thuận Vương, đặt niên hiệu là Vĩnh Xương, dời chính quyền từ Tương Dương đến Tây An và cắt đặt quan lại dưới quyền. Quân Minh đến dẹp loạn đều bị quân Lý Tự Thành đánh cho tan tác.

Tháng 3.1644, Lý Tự Thành tấn công Bắc Kinh, Sùng Trinh hoàng đế phải treo cổ tự tử. Quân Lý Tự Thành kịch chiến với cẩm y vệ, sau đó chiếm được hoàng cung.

Minh sử chép, ngày 26.4.1644, Lý Tự Thành ra lệnh các quan nhà Minh phải vào chầu. Hơn 3.000 quan lại tề tựu nhưng bị quân của Lý Tự Thành khinh thường và đối xử rất tệ hại. Lý Tự Thành không xuất hiện, ra lệnh cho quan lại 3 ngày sau tiếp tục trình diện.

3 ngày sau, Lý Tự Thành để cho quan viên chờ đợi nửa ngày mới ra mặt. Ai nấy đều oán thán. Trong số 3.000 quan lại nhà Minh, Lý Tự Thành chỉ chọn 92 người cho tiếp tục làm quan, còn lại đều bắt giam.

Lý Tự Thành tiến vào Bắc Kinh, tuyên bố lên ngôi hoàng đế (tranh: New.qq)

Lý Tự Thành tiến vào Bắc Kinh, tuyên bố lên ngôi hoàng đế (tranh: New.qq)

Khi mới chiếm được Bắc Kinh, Lý Tự Thành lệnh cho quân sĩ không được quấy nhiễn dân chúng. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, binh sĩ dưới quyền của ông làm loạn, cướp bóc khắp nơi. Lý Tự Thành sợ tướng sĩ làm phản, cũng chỉ biết nhắm mắt làm ngơ. Dân chúng trong thành Bắc Kinh nhiều người căm ghét Lý Tự Thành, cho rằng ông không xứng làm vua, theo Minh sử.

Tháng 5.1644, Lý Tự Thành dẫn quân đại chiến với quân Minh do Ngô Tam Quế chỉ huy (Ngô Tam Quế chống quân Thanh ở Sơn Hải Quan, biết tin Bắc Kinh bị vây đánh nhưng quay về cứu thì đã muộn). Quân Lý Tự Thành do vô kỷ luật, nên dù đông hơn nhưng vẫn bị Ngô Tam Quế đánh cho đại bại. Lý Tự Thành rút về Bắc Kinh, trên đường đi binh sĩ dưới quyền đua nhau cướp bóc, đốt phá nhà dân lành.

Ngày 3.6.1644, trong cơn bĩ cực, Lý Tự Thành quyết định lên ngôi hoàng đế. Ông ngồi lên ghế rồng trong Tử Cấm Thành, bắt các quan đến bái lạy. Tuy nhiên, chỉ một ngày sau đó, Lý Tự Thành đốt cháy Tử Cấm Thành, kéo quân chạy khỏi Bắc Kinh vì sợ liên quân Ngô Tam Quế cùng tộc người Nữ Chân (sau là nhà Thanh) bao vây. Tổng cộng Lý Tự Thành chiếm Bắc Kinh được 42 ngày và làm hoàng đế chưa đầy một ngày.

Minh sử chép lại, quân Lý Tự Thành chỉ thua Ngô Tam Quế một trận đã tan rã, chỉ lo trốn chạy. Đến tháng 4.1645, Lý Tự Thành bị chết ở huyện Thông Sơn, Hồ Bắc. Minh sử viết: “Lý Tự Thành bị bọn dân binh bao vây, không thoát được nên thắt cổ chết”. Tuy nhiên, cái chết của Lý Tự Thành đến nay vẫn còn rất nhiều mơ hồ. Có thuyết nói rằng ông bị truy nã, phải giả làm nhà sư phiêu bạt nay đây mai đó.

Viên Thế Khải trước làm Tổng thống Dân quốc, sau tự xưng làm hoàng đế (ảnh: Sohu)

Viên Thế Khải trước làm Tổng thống Dân quốc, sau tự xưng làm hoàng đế (ảnh: Sohu)

2. Viên Thế Khải

Tháng 6.1898, Hoàng đế Quang Tự cùng 2 đại thần là Khang Hữu Vĩ và Lương Khải Siêu bàn kế hoạch thi hành cải cách, đổi mới đất nước và hạn chế quyền lực của Từ Hy Thái hậu. Kế hoạch nhanh chóng bị bại lộ, hoàng đế Quang Tự quyết tâm làm chính biến, đoạt lấy quyền lực từ tay Từ Hy. Viên Thế Khải – viên tướng chỉ huy 7.000 quân đóng ở Thiên Tân – được Quang Tự gọi về Bắc Kinh để hỗ trợ, Thanh sử chép.

Lợi dụng cơ hội này, Viên Thế Khải ngoài mặt nhận lời Quang Tự, nhưng sau lưng lại lén lút báo tin cho Từ Hy. Kết quả là Quang Tự bị bắt giam. Nhờ công báo tin, Viên Thế Khải được Từ Hy phong chức thống lĩnh quân Bắc Dương – đội quân được trang bị hiện đại, mạnh mẽ nhất của nhà Thanh lúc bấy giờ.

Tháng 12.1911, Cách mạng Tân Hợi thành công ở Nam Kinh, Tôn Trung Sơn được bầu làm Tổng thống chính phủ Dân quốc lâm thời. Viên Thế Khải phản đối Dân quốc, ra sức đem quân đi trấn áp. Viên Thế Khải cũng liên hệ với thế lực đế quốc nước ngoài ở Trung Quốc, cùng đối phó với quân cách mạng của Tôn Trung Sơn.

Để chấm dứt nội chiến, Tôn Trung Sơn phải chấp nhận thỏa hiệp. Ông nhường chức Tổng thống Dân quốc cho Viên Thế Khải, đổi lại, hoàng đế nhà Thanh là Phổ Nghi phải thoái vị.

Ngày 15.2.1912, sau khi ép Phổ Nghi thoái vị, chấm dứt sự trị vì của triều Thanh, Viên Thế Khải nhậm chức Tổng thống của chính phủ mới. Sau khi trở thành Tổng thống, Viên Thế Khải âm mưu liên kết với Nhật Bản để thành lập thể chế quân chủ lập hiến, lên ngôi hoàng đế, theo Qulishi.

Ghế rồng của Viên Thế Khải (ảnh: Sohu)

Ghế rồng của Viên Thế Khải (ảnh: Sohu)

Tháng 10.1915, Viên Thế Khải ép đại biểu các tỉnh bỏ phiếu tán thành thể chế quân chủ lập hiến, tôn ông ta lên làm hoàng đế. Viên Thế Khải chọn ngày 1.1.1916 là ngày lên ngôi, lấy hiệu là Hồng Hiến.

Để chuẩn bị cho lễ đăng cơ, Viên Thế Khải cho bỏ ngai vàng của nhà Thanh trong điện Thái Hòa, thay bằng ghế rồng mới của mình.

Sohu miêu tả, ghế rồng mới của Viên Thế Khải chạm khắc 4 con rồng đang vờn ngọc. Chính giữa ghế là một mặt gấm hình tròn màu trắng, thêu hoa văn rồng phượng. Hai tay nắm của chiếc ghế cũng được chạm hình rồng, đầu hướng ra ngoài. Đặc biệt, ghế rồng của Viên Thế Khải được thiết kế với phần lưng cao, chân ngắn, khá giống kiểu cách phương Tây. Bản thân Viên Thế Khải cũng khá thấp, kiểu ghế rồng mới này được cho là thiết kế dành riêng cho ông ta.

Ngày 23.12.1915, Viên Thế Khải mặc áo rồng, diễn tập tổ chức lễ tế trời tại đền Thiên Đàn (phía đông Bắc Kinh) để lên ngôi. Viên Thế Khải ngồi trên ghế rồng, tiếp nhận những lời chúc tụng từ các quan chức dưới quyền. Đây có lẽ là ngày ông ta cảm thấy vinh quang nhất trong cuộc đời, theo Sohu.

Tuy nhiên, xét theo tiến trình lịch sử, người dân Trung Quốc năm 1915 đã không thể chấp nhận thêm bất kỳ vị hoàng đế nào nữa.

Ngày 25.12.1915, 2 tướng Thái Ngạc và Đường Kế Nghiêu tuyên bố Vân Nam độc lập, chống lại sự cai trị của Viên Thế Khải. Chính quyền ở Quý Châu, Quảng Tây và nhiều khu vực khác sau đó cũng hưởng ứng, đồng loạt thành lập “Hộ quốc quân”, chống Viên Thế Khải.

Ngày 1.1.1916, Viên Thế Khải tổ chức lễ lên ngôi trong khi quân đội của ông ta liên tiếp bại trận. “Đồng minh” Nhật Bản thấy Viên Thế Khải thất thế cũng bỏ rơi ông ta, theo Sohu.

Trước tình thế nguy ngập, ngày 22.3.1916, Viên Thế Khải tuyên bố thủ tiêu chế độ quân chủ, bỏ niên hiệu Hồng Hiến nhưng vẫn giữ chức Tổng thống. Tổng cộng, Viên Thế Khải làm hoàng đế được 83 ngày, theo Sohu.

Ngay cả khi Viên Thế Khải thoái vị, Hộ quốc quân vẫn tiếp tục chống đối, buộc ông tả phải từ chức Tổng thống. Tôn Trung Sơn cũng phát động đấu tranh vũ trang, đòi trừng trị Viên Thế Khải.

Ngày 6.6.1916, Viên Thế Khải đột ngột qua đời. Theo ghi chép của Phổ Nghi trong cuốn “Nửa đời trước của tôi”, Viên Thế Khải chết vì “uất ức”, cũng có thuyết nói rằng ông ta chết vì quá mệt mỏi.

Năm 1959, chính phủ Trung Quốc muốn khôi phục lại các hiện vật trong Tử Cấm Thành, giữa các nhà nghiên cứu lịch sử đã xảy ra tranh cãi về việc nên giữ nguyên ghế rồng của Viên Thế Khải hay đặt lại ghế rồng của nhà Thanh.

Lúc bấy giờ, ghế rồng của nhà Thanh đã bị hư hỏng nặng, nhưng cuối cùng nó vẫn được sửa chữa và đưa về vị trí cũ. Nguyên nhân là do Viên Thế Khải không được lịch sử Trung Quốc coi là hoàng đế chính thức.

Alfred Waldersee - Tổng tư lệnh liên quân 8 nước tấn công Bắc Kinh (ảnh: History)

Alfred Waldersee - Tổng tư lệnh liên quân 8 nước tấn công Bắc Kinh (ảnh: History)

3. Alfred Waldersee?

Alfred Waldersee, tên đầy đủ là Alfred Ludwig Heinrich Karl Graf von Waldersee, là người có đóng góp lớn giúp Đức chiến thắng trong Chiến tranh Pháp – Đức (1870 – 1871).

Đầu năm 1900, Trung Quốc bùng nổ phong trào Nghĩa Hòa Đoàn nhằm chống lại sự chèn ép của các nước đế quốc. Viện cớ sứ quán bị quân Nghĩa Hòa Đoàn tấn công, 8 nước gồm Đức, Anh, Pháp, Italia, Mỹ, Nga, Nhật, Áo-Hung thành lập liên minh, tiến đánh Bắc Kinh.

Tháng 6.1900, Alfred Waldersee được Đức hoàng phong làm Tổng tư lệnh liên quân 8 nước trấn áp phong trào Nghĩa Hòa Đoàn ở Trung Quốc. Ngày 14.8.1900, liên quân 8 nước tiến vào Bắc Kinh, Từ Hy Thái hậu cùng triều đình phải bỏ chạy về Thiên Tân, theo Wenshigu.

Khi đặt chân đến Bắc Kinh, Alfred Waldersee ra lệnh phải đối xử lịch sự với những phi tần của nhà Thanh bị Từ Hy bỏ lại nơi hậu cung. Nếu xảy ra trường hợp phi tần bị làm nhục, binh sĩ sẽ bị nghiêm trị. Đây được cho là mệnh lệnh sáng suốt của Alfred Waldersee.

Tuy nhiên, việc binh sĩ 8 nước đối xử lịch sự với các phi tần nhà Thanh không có nghĩa là họ cũng khách sáo với những tài sản, báu vật trong Tử Cấm Thành.

Một viên sĩ quan nước ngoài thuộc liên quân thậm chí còn ngồi lên ghế rồng và yêu cầu phóng viên chụp ảnh cho mình. Bức ảnh này đã khiến dư luận Trung Quốc thời bấy giờ rất phẫn nộ. 3 tháng sau, viên sĩ quan này trở về nước và chết một cách không rõ nguyên nhân, theo Sohu.

Danh tính của viên sĩ quan nước ngoài mất mạng sau khi ngồi lên ghế rồng này đến nay vẫn còn là điều bí ẩn. Một số đồn thổi cho rằng người này chính là Tổng tư lệnh liên quân 8 nước Alfred Waldersee.

Viên sĩ quan phương Tây ngồi lên ghế rồng (ảnh: Sohu)

Viên sĩ quan phương Tây ngồi lên ghế rồng (ảnh: Sohu)

Theo History, 3 tháng sau khi chiếm được Bắc Kinh, Alfred Waldersee đã trở về Đức và được phong thưởng vì những “đóng góp cho hòa bình thế giới”. Năm 1904, Waldersee chết vì tuổi già ở quê nhà. Hình ảnh viên sĩ quan phương Tây ngồi lên ghế rồng cũng không giống với Alfred Waldersee.

Theo Wenshigu, cái chết của một số nhân vật “thường dân” sau khi ngồi lên ghế rồng làm dấy lên tin đồn rằng chiếc ghế này có “lời nguyền”. Tuy nhiên, xét theo bối cảnh lịch sử, những người kể trên đều sống trong thời kỳ loạn lạc, nhiều biến động, vì vậy, cái chết có phần bí ẩn của họ là điều dễ hiểu.

Ngoài ra, những người như Lý Tự Thành, Viên Thế Khải đều có lựa chọn thiếu tầm nhìn, tự đẩy mình vào tình thế cùng quẫn, dễ dẫn đến cái chết.

Ngày nay, chiếc ghế rồng – biểu tượng cho quyền lực của vua chúa thời phong kiến Trung Quốc – vẫn được trưng bày trong bảo tàng Cố Cung (Bắc Kinh). Không ai nghĩ đến việc ngồi lên nó cả, theo Sohu.

Nguồn: [Link nguồn]

TQ: Vì sao 3 cung điện nguy nga ở Tử Cấm Thành tuyệt nhiên không có bóng cây xanh?

Một trong những bí ẩn gây nhiều tranh cãi ở Tử Cấm Thành của Trung Quốc là việc công trình rộng lớn này thiếu vắng cây xanh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chính Pháp – tổng hợp ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN