Thực hư 2 siêu vũ khí đến Mỹ cũng không có mà Nga đã sử dụng ở Ukraine
Nga tuyên bố nước này đã sử dụng hai vũ khí tinh vi nhất ở Ukraine là tên lửa siêu thanh và vũ khí laser. Tuy nhiên, giới chức Mỹ cho rằng những vũ khí này kém hiệu quả và coi đây chỉ là sự tuyên truyền của Nga.
Nga đã gây chấn động khi tuyên bố quân đội nước này đã sử dụng hai vũ khí tinh vi nhất ở Ukraine mà đến cả Mỹ và đồng minh phương Tây cũng không có, đó là tên lửa siêu thanh và vũ khí laser.
Theo trang The EurAsian Times, sau khi trở thành quốc gia đầu tiên sử dụng vũ khí siêu thanh trong chiến đấu, Nga gần đây tiết lộ nước này cũng đang sử dụng vũ khí laser để tiêu diệt máy bay không người lái (UAV) đối phương ở Ukraine.
Tàu tuần dương hạng nặng USS Portland của Mỹ dùng hệ thống laser năng lượng cao bắn vào một mục tiêu thử nghiệm. Ảnh: US NAVY
Tuy nhiên, phương Tây đã đặt ra nghi ngờ về sức mạnh của những hệ thống vũ khí này, với việc các quan chức Mỹ đánh giá thấp khả năng tiêu diệt mục tiêu hoặc coi những vũ khí này chỉ là sự tuyên truyền của Nga.
Hôm 19-3, Nga tuyên bố rằng tên lửa siêu thanh Kinzhal đã phá hủy một kho vũ khí ở phía tây Ukraine. Đây là lần đầu tiên Nga sử dụng tên lửa siêu thanh kể từ ngày 24-2, thời điểm nước này phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Trong một trường hợp tương tự khác, Nga tiết lộ nước này đang sử dụng vũ khí laser thế hệ mới gọi là Zadira chống lại Ukraine. Nếu đây là sự thật, điều này lần nữa khiến Nga trở thành quốc gia đầu tiên sử dụng vũ khí năng lượng định hướng (Directed Energy Weapons – DEW) trong một cuộc chiến tranh toàn diện.
Trong khi đó, Mỹ nói rằng họ không có bằng chứng về bất kỳ loại vũ khí nào như vậy và chế nhạo đây là sự tuyên truyền của Nga.
Tên lửa siêu thanh của Nga không hiệu quả?
Tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal mà Nga bắn vào kho vũ khí ở Tây Ukraine đã đánh trúng mục tiêu với độ chính xác cao như người Ukraine đã thừa nhận.
Tên lửa đã phá hủy một kho dự trữ chứa tên lửa và đạn máy bay của Ukraine dưới lòng đất, theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov.
Tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal. Ảnh: WIKIPEDIA
Ngược lại, trong lời khai đáng chú ý gần đây được đệ trình trước tiểu ban lực lượng chiến lược thuộc Ủy ban Quân vụ Thượng viện, Tướng Glen VanHerck, tư lệnh không quân Bắc Mỹ nói rằng vũ khí tên lửa tiên tiến nhất của Nga tỏ ra không hiệu quả trong cuộc xung đột với Ukraine.
Người Nga đã gặp thách thức với một số tên lửa siêu thanh của họ về độ chính xác. Ông VanHerck kết luận thêm rằng tên lửa của Nga hoạt động kém hiệu quả.
Một báo cáo của Lầu Năm Góc được công bố trước đó tiết lộ rằng Nga đã bắn ít nhất một chục tên lửa siêu thanh vào Ukraine, nhưng không có xác nhận chính thức từ phía Nga về con số này.
Ngoài ra, ông John Plumb, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói rằng điều đáng chú ý là Nga ước tính đã phóng 1.500 tên lửa kể từ khi nước này phát động tấn công Ukraine mặc dù không phải lần nào cũng bắn chính xác.
Tuy nhiên, video do Bộ Quốc phòng Nga công bố lại cho thấy một cuộc tấn công chính xác.
Bên cạnh đó, Tướng VanHerck thừa nhận rằng Nga đã trang bị một lượng lớn tên lửa hành trình tầm xa, bao gồm tên lửa siêu thanh vốn có thể gây thiệt hại to lớn cho cơ sở hạ tầng và tạo ra hiệu ứng chiến lược với đầu đạn thông thường.
Tướng Vanherck còn nói Lầu Năm Góc trước đó nhận thấy rằng tên lửa của Nga hoạt động không tốt như tên lửa của Mỹ. Tuy nhiên, chúng giờ đây ngang tầm với khả năng của Mỹ, theo tạp chí Air Force Magazine.
Về độ chính xác của tên lửa siêu thanh Nga, chuyên gia Rajiv Nayan tại Viện nghiên cứu và phân tích quốc phòng Manohar Parrikar (Ấn Độ), nói với The EurAsian Times rằng: “Công nghệ siêu thanh của Nga đã được chứng minh rõ ràng. Siêu thanh là về tốc độ chứ không phải về độ chính xác. Tuy nhiên, Nga đã làm chủ được công nghệ chính xác”.
Nga có ba tên lửa siêu thanh đang hoạt động, đó là Avangard, Zircon (còn gọi là Tsirkon) và the Kinzhal. Avangard có thể sớm kết hợp tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat nhằm tăng khả năng sát thương của nó.
Liên quan tới những bình luận cho rằng tên lửa Kinzhal và Vũ khí năng lượng định hướng kém hiệu quả, nhà phân tích quân sự Miguel Miranda nói rằng có thể quân đội Mỹ đã quan sát những loại vũ khí này được sử dụng theo cách nào đó và đã đưa ra nhận định của họ.
Vũ khí laser Peresvet của Nga. Ảnh: WIKIPEDIA
Người Nga đã đi trước Mỹ nhiều năm về công nghệ tên lửa siêu thanh. Đây chính là lý do Mỹ đang dốc toàn lực để nhanh chóng phát triển vũ khí ngang tầm với khả năng của đối thủ. Tuy nhiên, trong khi Mỹ vẫn chưa thông qua nhà thầu để phát triển tên lửa thì Nga đã thông báo nước này đang phát triển tên lửa siêu thanh thế hệ kế tiếp phóng từ trên không, trên biển và đất liền.
Do đó, mặc dù Tư lệnh Không quân Bắc Mỹ tin rằng tên lửa siêu thanh của Nga hoạt động kém hiệu quả về độ chính xác nhưng cũng có rất ít bằng chứng chứng thực điều đó. Dù vậy, truyền thông phương Tây công khai rộng rãi lập luận này và ám chỉ đây là chiêu trò tuyên truyền của Nga.
Vũ khí laser – vũ khí kỳ diệu?
Phó thủ tướng Nga phụ trách phát triển quân sự, ông Yury Borisov tuyên bố rằng một nguyên mẫu laser gọi là Zadira đang được thử nghiệm ở Ukraine và đã phá hủy một UAV của Ukraine trong 5 giây ở khoảng cách 5 km.
Vũ khí mới này là sự bổ sung cho hệ thống laser trước đó Peresvet - loại vũ khí có thể được sử dụng để chọc mù các vệ tinh bay trên quỹ đạo Trái đất và ngăn chúng thu thập thông tin.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby hôm 20-5 nói rằng Washington không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang sử dụng vũ khí laser trong chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này tại Ukraine.
“Không, chúng tôi không thấy bất kỳ dấu hiệu nào về việc sử dụng laser được vũ khí hóa tại Ukraine, không có thông tin để xác nhận chuyện đó” – ông Kirby nói tại một buổi họp báo.
Ảnh từ video của quân đội Nga cho thấy tên lửa siêu thanh Avangard chuẩn bị được phóng. Ảnh: RUSSIAN DEFENCE MINISTRY
Chuyên gia phòng thủ tên lửa Uzi Rubin nói: “Ông Zelensky (Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky – PV) nói đúng,đó không phải là vũ khí kỳ diệu. Chúng đã mất vài giây để bắn hạ UAV. Có nhiều cách tốt hơn để làm điều đó, sử dụng tên lửa phòng không Stinger hoặc tên lửa phòng không nào đó mà rẻ hơn, nhanh hơn và tầm bắn xa hơn”.
Tuy nhiên, việc gạt bỏ vũ khí laser của Nga mà không đưa ra bằng chứng về hiệu quả của nó có thể là một động thái vội vàng của phương Tây và truyền thông phương Tây.
Nga ra mắt vũ khí laser đầu tiên Peresvet năm 2018, khoảng 4 năm trước khi vũ khí laser Zadira – loại vũ khí được cho đang sử dụng để chống lại Ukraine hiện nay – được tiết lộ. Peresvet được đưa vào hoạt động và triển khai cùng với các tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga nhằm chọc mù hệ thống quang học tìm kiếm mục tiêu Nga.
Việc nghiên cứu và phát triển vũ khí laser diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn, với mục đích cuối cùng là sử dụng tia laser để tiêu diệt mục tiêu, một thành tựu mà đến Mỹ cũng ráo riết theo đuổi.
Khi được hỏi liệu những thông tin liên quan tới vũ khí laser Zadira có phải chỉ là sự tuyên truyền của Nga hay không, nhà phân tích quốc phòng và chủ bút của The EurAsian Times, ông Nitin J Ticku nói: “Đầu tiên, nếu không có bằng chứng thì sẽ là quá sớm để cho rằng việc sử dụng vũ khí laser Zadira là sự tuyên truyền. Chúng ta có thể chờ các tuyên bố được chứng thực hơn là phủ nhận bất kỳ khả năng nào như vậy”.
“Thứ hai, khả năng có một hệ thống vũ khí như vậy không thể bị bác dựa trên phỏng đoán. Sự phát triển vũ khí laser của Nga đã có từ vài năm trước, và nên nhớ rằng Peresvet được ra mắt năm 2018” – chuyên gia Ticku nói thêm.
Mục đích cuối cùng của bất kỳ hệ thống vũ khí laser không gì ngoài chức năng chọc mù và phá hủy mục tiêu. Nhìn vào việc khí tài quân sự Nga bị phá hủy tại Ukraine thì có vẻ như công nghệ laser vẫn còn ở giai đoạn sơ khai.
Nhìn chung sức mạnh của công nghệ siêu thanh của Nga đã được phương Tây chấp nhận và thừa nhận. Không thể loại trừ việc quân đội Nga đang thử nghiệm vũ khí laser tại Ukraine, tuy nhiên, việc Moscow dẫn đầu cuộc đua vũ khí siêu thanh dường như còn xa vời.
Nguồn: [Link nguồn]
Ngày 20/5, Lầu Năm Góc nói rằng không có dấu hiệu nào cho thấy Nga đã sử dụng vũ khí laser ở Ukraine, như phát biểu của một quan chức tại Mátxcơva trước đó về việc triển...